Trận dịch Ebola đang buộc hệ thống y tế Mỹ xem xét lại điều chưa từng được lưu tâm trước đây: Không sử dụng một số can thiệp y tế vì nguy hiểm đối với các bác sĩ, y tá trong khi lại không giúp mấy cho bệnh nhân.
Trong những năm qua, các bệnh viện Hoa Kỳ phải chịu chỉ trích vì áp dụng các biện pháp điều trị kéo dài thời gian hấp hối của bệnh nhân thay vì khiến cho họ khỏe lên.
Tuy nhiên việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên được chẩn đoán tại Hoa Kỳ, người đã được lọc máu, thông khí quản, và truyền bệnh cho 2 y tá khác trong quá trình điều trị, đang thúc giục các bệnh viện và hiệp hội y tế triển khai những hướng dẫn đầu tiên về những công việc hợp lý cần làm và một số công đoạn cần bỏ đi.
Các quan chức từ ít nhất 3 bệnh viện cho biết đang cân nhắc loại bỏ những thủ tục cá nhân hay giao lại cho từng bác sĩ để họ tự xác định quá trình điều trị.
Các chuyên gia về đạo đức y tế cũng thông tin họ đang chặn nhiều cuộc gọi thắc mắc của các bác sĩ về bổn phận nghề nghiệp đối với bệnh nhân trong bối cảnh nhân viên y tế đối mặt rủi ro bị lây bệnh.
Giới chức y tế Mỹ đang cố gắng thiết lập một mạng lưới khoảng 20 bệnh viện được trang bị đầy đủ trên toàn quốc để xử lý mọi vấn đề trong việc chăm sóc bệnh nhân Ebola.
Đào tạo và trang bị bệnh viện còn kém là mối quan tâm của giới chức Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đang cùng các chuyên gia về thận nghiên cứu hướng dẫn lọc máu lâm sàng cho các bệnh nhân Ebola. Các khuyến nghị có thể được công bố trong tuần.
Khả năng phát sinh tình huống từ chối chữa bệnh sẽ tách rời triết lý “làm mọi điều có thể để cứu chữa bệnh nhân” tại hầu hết các bệnh viện của Mỹ và trở về quan điểm gây tranh cãi 1 thế kỷ trước, khi bác sĩ có nguy cơ nhiễm bệnh cao do điều trị cho các bệnh nhân đang hấp hối.
“Đây là một thí dụ về cách mà loại virus đang đe dọa TK 21 này kéo chúng ta về lại TK 19”, Tiến sĩ lịch sử y tế Howard Markel của trường ĐH Michigan nhận xét.
Một số nhà đạo đức học và bác sĩ không đồng tình với quan điểm này.
Các nước tiên tiến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại còn gần như không có kinh nghiệm gì khi điều trị Ebola huống chi là những quốc gia nghèo nàn ở châu Phi. Vì vậy mà vẫn chưa có thông tin xác đáng cho biết liệu có người nằm ngoài phạm vi được trợ giúp hoặc lọc máu có thể khiến bệnh nhân thoát chết hay không. Thậm chí quy trình lọc máu cho bệnh nhân còn chưa được xác minh về tính an toàn trên cả phương diện quy chế thực hiện cũng như đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế.
Theo TS.G.Kevin Donovan, Giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học thuộc ĐH Georgetown, một số thủ tục về y tế “có thể không còn hiệu quả do tính chất nghiêm trọng gia tăng của dịch bệnh, nhưng hiện vẫn chưa có số liệu chính xác cho tình huống này”.
TS.Donovan đã nhận được thắc mắc từ những đồng nghiệp bác sĩ về việc liệu các bệnh viện có nên lập danh sách một số thao tác và thủ tục không nên thực hiện khi điều trị bệnh nhân Ebola hay không “Xét về mặt đạo đức, tôi thấy không nên thẳng thừng từ chối bệnh nhân như vậy”, TS.Donovan kể lại câu trả lời của mình cho vấn đề trên.
Hướng dẫn mới
Tuy nhiên, người ta đang thảo luận về những chính sách cho phép hạn chế một số công đoạn trong quy trình điều trị người nhiễm Ebola ở một vài nơi như Trung tâm chăm sóc sức khỏe Geisinger, quản lý một loạt bệnh viện tại Pennsylvania và tổ chức Intermountain Healthcare đang điều hành các cơ sở y tế ở Utah.
TS.Nancy Kass, một nhà đạo đức sinh học tại Trung tâm đào tạo Sức khỏe Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg cho biết, nhân viên y tế không nên ngần ngại thực hiện một số thủ tục y tế cần thiết, miễn là có sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân được đảm bảo.
Cho đến nay chỉ mới có 2 bệnh viện tại Mỹ sử dụng phương pháp lọc thận là Texas Health Presbyterian Dallas, trung tâm điều trị cho bệnh nhân người Liberia Thomas Duncan, nơi 2 y tá bị lây virus chết người, và Bệnh viện ĐH Emory ở Atlanta đã chữa trị 4 bệnh nhân mà không có trường hợp nhiễm bệnh.
Hiệp hội Thận Hoa Kỳ và CDC hiện đang làm việc để quy định hướng dẫn mới khi lọc máu cho bệnh nhân Ebola trong trường hợp suy thận. Trong một vài tình huống, lọc máu có thể giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm cho đến khi hệ thống miễn dịch có khả năng chống lại virus.
Theo Tiến sĩ chuyên khoa thận Harold Franch, hướng dẫn mới sẽ xem xét sự cần thiết của các thủ tục y khoa và khả năng đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện của bệnh viện. “Hầu hết các trung tâm y tế hàn lâm và nhiều bệnh viện tư nhân chất lượng cao sẽ làm được điều này”. Tuy nhiên nhiều bệnh viện có thể không cung cấp dịch vụ này vì “phải mất nhiều chi phí và thời gian để đào tạo nghiệp vụ”, ông Harold nói.
Thiên Hà – Theo Reuters