Thỏa thuận mới về hạn ngạch nhập khẩu gạo của chính quyền Trump với Hàn Quốc và việc thông qua luật nhập khẩu nông sản của Nhật đang làm suy yếu chiến lược trả đũa chiến tranh thương mại của Trung Quốc.
Chiến lược trả đũa chiến tranh thương mại của Trung Quốc có mục tiêu nhắm vào các cử tri của Tổng thống Donald Trump ở vùng nông thôn.
Theo nghiên cứu của Cục nghiên cứu kinh tế Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng phương pháp tinh vi để tối đa hóa nỗi đau kinh tế của Mỹ. Họ trả đũa bằng cách áp thuế vào nông sản Mỹ, nhắm vào các khu vực được mệnh danh là “chiến trường” Hoa Kỳ, những nơi mà Tổng thống Trump sẽ cần phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, việc này có vẻ sẽ khó thực hiện vì Mỹ đã đạt được 2 thành công lớn trong tháng này:
Đầu tiên, Hàn Quốc đã chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu gạo 4 năm với Mỹ vào ngày 19/11 và đồng ý cho phép nhập khẩu ít nhất 132.304 tấn gạo mỗi năm. Tiếp đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã chiến thắng sự phản đối ở Hạ viện Nhật Bản, đạt được thỏa thuận nhập khẩu một lượng lớn thịt bò, thịt lợn và ngô của Mỹ.
Tuy có một sự gia tăng nhẹ trong các sự cố phá sản trang trại ở Mỹ, chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết xấu, nhưng theo dự báo năm 2019 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thu nhập của các trang trại Mỹ sẽ tăng thêm 4 tỷ USD, tương đương 4,8%, đạt 88 tỷ sau khi đã tăng trong các năm 2017 và 2018. Báo cáo của USDA cũng cho biết, mức tăng thu nhập sau lạm phát của các trang trại Mỹ sẽ lọt vào top 30% vào năm 2019.
Thỏa thuận cuối cùng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về xuất khẩu gạo của Hàn Quốc đã hết hạn vào năm 2014. Theo thỏa thuận mới, hạn ngạch thuế suất nhập khẩu 408.700 tấn gạo đầu tiên sẽ giảm từ 513% xuống còn 5%. Chỉ với 388.700 tấn gạo nhập khẩu theo các chỉ tiêu cụ thể của Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam theo các Hiệp định đa phương của WTO, nông dân Hoa Kỳ sẽ có tiềm năng xuất khẩu thêm 20.000 tấn gạo.
Theo thỏa thuận nông nghiệp Thủ tướng Abe ký vào ngày 9/12, Nhật Bản sẽ giảm dần mức thuế 38,5% đối với thịt bò Mỹ xuống 9% và xóa bỏ hoặc giảm thuế đối với thịt lợn của Mỹ. Thỏa thuận cũng cung cấp nhiều cơ hội hơn cho Mỹ xuất khẩu phô mai, rượu vang và lúa mì sang Nhật Bản.
Đáp lại, Hoa Kỳ đồng ý gỡ hoặc giảm một phần thuế đối với một số loại thiết bị sản xuất cũng như các sản phẩm công nghiệp khác của Nhật Bản, bao gồm các bộ phận máy điều hòa không khí và đầu máy xe lửa và ô tô đường ray.
Tuy nhiên, chính quyền Trump không xóa bỏ mức thuế 2,5% đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Hoa Kỳ. Chính quyền tiền nhiệm Obama đã đề nghị Nhật Bản phê duyệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) như một sự nhượng bộ chủ chốt của Hoa Kỳ. Nhưng Tổng thống Trump sau đó đã ban hành quyết định rút khỏi TPP vì ông tin rằng điều đó không tốt cho công nhân và nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng thời đã từ chối thảo luận về thuế tự động, chừng nào Nhật Bản còn áp dụng mức thuế xuất khẩu phụ tùng ô tô của Mỹ sang Nhật Bản lên tới 80%.
Chiến lược trả đũa của Trung Quốc thực tế chỉ gây ra nỗi đau kinh tế đáng kể cho chính các hộ gia đình của quốc gia họ: lạm phát thực phẩm tăng từ 11,2% trong tháng 9/2019, lên 15,5% trong tháng 10/2019, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Bloomberg cảnh báo rằng lạm phát tiêu dùng hàng tháng của Trung Quốc đã tăng 3% trong tháng 9 và có thể vượt quá 4% vào đầu năm 2020 do giá thịt lợn và các loại thịt khác đều tăng giá.
Theo ban cố vấn của Viện tài chính và phát triển quốc gia từ Bắc Kinh, tỷ lệ nợ tính theo hộ gia đình Trung Quốc trên tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 2,1 điểm % trong 6 tháng đầu năm 2019, hiện nay đã lên tới 55,3 %. Cộng với việc nợ công Trung Quốc chiếm 15% nợ toàn cầu, NIFD cảnh báo căng thẳng của việc phải gồng gánh mức nợ công nặng và lạm phát cao sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho tiêu dùng nước này.
Lạm phát trong nước đã buộc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm gần 6 năm với Hoa Kỳ vào ngày 13/11. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue xem đây là một thành công lớn vì có hơn 1 tỷ USD gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc mỗi năm.
Thượng nghị sĩ bang Mississippi, Cindy Hyde-Smith hoan nghênh tin tức thỏa thuận nhập khẩu gạo với Hàn Quốc và thỏa thuận nhập khẩu gia cầm của Mỹ với Trung Quốc, vì những điều trên sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho nông nghiệp bang Mississippi. Bà tuyên bố, với năng lực là nhà sản xuất gạo lớn thứ 6 và là nhà sản xuất gia cầm lớn thứ 5 của Mỹ, các thỏa thuận thương mại trên có thể mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu USD cho Bang Mississippi.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)