Vài ngày gân đây, một bài viết về bài phát biểu phản đối chính sách thi cử mới ở bang Florida của cô bé 9 tuổi Sydney Smoot trên trang Washington Post được nhiều độc giả tìm đọc.
Sydney Smoot đã gây sửng sốt, sau đó nhận được hàng loạt tràng pháo tay hưởng ứng của tất cả mọi người trong khán phòng khi tự tin đứng giữa hội đồng nhà trường, trình bày một cách rành rẽ và đầy thuyết phục bài phát biểu phản đối chính sách thi cử mới ở bang Florida.
Bài phát biểu của Sydney Smoot khởi nguồn từ việc bang Florida vừa cho ra đời một kỳ thi đánh giá tiêu chuẩn học tập mới mang tên Florida Standards Assessment (FSA).
Trong bài phát biểu của mình, cô bé đã bộc lộ một cách rành rẽ sự không hài lòng trước việc phải tham gia một kỳ thi như FSA, và việc FSA được một công ty tư nhân thiết lập ra để thay thế kỳ thi cũ Common Core mà không chắc FSA có đáp ứng được tiêu chuẩn khảo sát thi cử của bang như Common Core hay không.
Bài phát biểu của Sydney Smoot cũng đề cập tới việc FSA được Viện nghiên cứu Mỹ phát triển, thông qua một hợp đồng tài trợ 6 năm trị giá 220 triệu USD từ Chính phủ.
Bài phát biểu của Sydney Smoot chứa đầy những phản ứng bất bình trước sự xuất hiện của một kỳ thi như FSA: “Tôi tự nhận mình là một cô gái có giáo dục. Tuy nhiên, với bài kiểm tra FSA, 5 năm học tiểu học của tôi hoàn toàn không có ý nghĩa gì. FSA nhìn nhận về tôi chỉ như một con số, xác định tôi là người thành công hay kẻ thất bại chỉ qua tờ phiếu đề mục được đánh số. FSA là một kì thi mà ở đó chính một học sinh như tôi hay giáo viên đều không biết điểm số cho đến khi năm học kết thúc. Tôi cho rằng việc áp dụng một kiểu thi tuyển như FSA sẽ không nói lên được một cách chính xác thành tích học tập của tôi, khái quát được một cách quá ít ỏi kiến thức cũng như khả năng của một học sinh như tôi”.
Không dừng lại ở đó, bài phát biểu của Sydney Smoot đưa ra ba luận điểm rõ ràng phản bác lại FSA:
Thứ nhất, cách thức tiến hành của FSA không ổn và khiến học sinh không thoải mái khi buộc học sinh ký cam kết đảm bảo không thảo luận với cha mẹ về kì thi. Tôi phải có quyền được thông tin với cha mẹ mình về bất cứ điều gì tới trường cũng như việc học hành của tôi.
Thứ hai, tại sao tôi phải tham gia một kỳ thi mà chưa từng được thực hiện thí điểm ở bang Floria? Như vậy có chính xác và hợp lệ không? Chúng tôi đã phải học hành quá căng thẳng. Vậy tại sao không cho chúng tôi làm các bài kiểm tra trình độ thường xuyên trong năm để nắm bắt được chính xác năng lực học tập của chúng tôi thay vì bắt chúng tôi gánh thêm một kì thi nhiều áp lực nữa? Quan điểm của tôi là nên có bài bài thi: đầu, giữa, cuối năm học để đánh giá học sinh là đủ.
Thứ ba, áp lực và căng thẳng mà kì thi đè lên học sinh chúng tôi là có thật và tôi đảm bảo rằng phần lớn học sinh đều không thể đảm bảo sức khỏe cho một kì thi áp lực như vậy. Tại sao chúng ta cứ buộc học sinh phải hứng chịu những căng thẳng về một kỳ thi trong khi hoàn toàn có thể tạo cho các em niềm vui khi được học tập ở trường. Những kì thi đã lấp đầy của học sinh toàn bộ thời gian và niềm hứng thú.
Tóm lại, theo Sydney Smoot, một kì thi như FSA không những không thể đánh giá được hết năng lực mà còn đem lại căng thẳng không đáng có cho những học sinh như cô.
Những lập luận, luận điểm hết sức rõ ràng trong bài phát biểu, giọng nói rành rẽ, truyền cảm đã khiến Sydney Smoot nhận được sự tán dương và ủng hộ của rất nhiều người. Tất cả mọi người trong khán phòng đã đứng lên vỗ tay và trầm trồ trước sự chững chạc của cô bé.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc làm sao một cô bé mới chỉ 9 tuổi, học lớp 4 như Sydney Smoot có thể làm nên một bài phát biểu sâu sắc và mạch lạc như thế, bà Jennifer Smoot là mẹ Sydney Smoot khẳng định bà chỉ giúp con gái mình một vài ý tưởng, còn về cơ bản toàn bộ luận điểm phản biện trong bài phát biểu đều do Sydney tự viết.
Được biết, trước đó, nhiều bậc phụ huynh cũng đã không đồng tình với kỳ thi FSA. Các ý kiến đưa ra phản bác như kỳ thi quá khó, quá dài, tốn kém, không đánh giá được năng lực thật sự mà chỉ chạy theo thành tích.
Theo Dân Trí