Tinh Hoa

Mỹ đề xuất dự luật yêu cầu trường học dạy tín ngưỡng và treo khung ảnh “Chúng ta tin vào Thượng đế”

Vào ngày 10/1 tại bang Indiana, Mỹ, một dự luật vừa được đề xuất và nếu được thông qua, sẽ yêu cầu các trường công lập và trường công đặc cách phải đặt áp phích hoặc treo khung ảnh có tiêu ngữ: “In God we trust” (Chúng ta tin vào Thượng đế) trong mọi lớp học và thư viện. 

Nếu dự luật này được thông qua, sẽ yêu cầu các trường học treo khung ảnh “In God we trust” (Chúng ta tin vào Thượng đế) trong mọi lớp học và thư viện. (Ảnh: Wiki Commons)

Theo dự luật này, quốc kỳ và cờ tiểu bang cũng phải được đưa vào áp phích hoặc khung ảnh với kích thước được chỉ định. 

Được biết, dự luật này do Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Indiana, ông Dennis Kruse soạn thảo. Dự luật cũng có nghĩa rằng, bất kỳ trường học nào có tổ chức khóa học tự chọn về “nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới … cũng có thể đem nội dung Kinh Thánh vào chương trình giảng dạy”. Ngoài ra dự luật viết, các trường học cũng có thể được yêu cầu dạy “các thuyết khác nhau về nguồn gốc của sự sống, bao gồm cả Khoa học Sáng thế”.

Một dự luật tương tự do Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Florida, ông Kimberly Daniels đề xuất đã được thông qua hồi năm 2018, yêu cầu các học khu biểu dương tiêu ngữ quốc gia “Chúng ta tin vào Thượng đế” tại những nơi quy định. Đề xuất của ông Daniels không đề cập đến việc giảng dạy quan điểm tôn giáo trong lớp học.

Các luật trước đó quy định thế nào?

Tuy nhiên, những người phản đối dự luật này đang dẫn lại án lệ Edwards và Aguillard.

Vào ngày 19/6/1987, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đảo lại luật bang Louisiana dưới phán quyết của Thẩm phán tòa Tối cao, ông Justice Brennan. Luật “Đối xử cân bằng Khoa học Sáng thế và Khoa học Tiến hóa trong trường công lập”, hay còn gọi là Đạo luật Sáng thế luận, cấm việc giảng dạy thuyết Tiến hóa trừ phi được dạy kèm với Khoa học Sáng thế hoặc thuyết Sáng thế. Đạo luật này không yêu cầu phải giảng dạy thuyết Tiến hóa hay thuyết Sáng thế, nhưng bắt buộc 2 thuyết này phải được dạy chung.

Các quan chức bầu cử gắn thông báo bỏ phiếu lên tường, bên dưới tấm biển ghi ‘IN GOD WE TRUST, tại Văn phòng chính quyền thành phố ở Hazleton, Pennsylvania vào ngày 15/5/2018. (Ảnh: Mark Makela/Getty Images)

Nhưng đạo luật này đã bị tòa sơ thẩm phán quyết vi hiến vì đã vi phạm cơ sở xem xét ba yếu tố mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra trong án Lemon và Kurtzman hồi năm 1971.

Ba lý do mà tòa phán quyết đạo luật này vi hiến là:

  1. Đạo luật không có một mục tiêu chính đáng rõ ràng.
  2. Đạo luật ủng hộ tôn giáo, thông qua việc ủng hộ một niềm tin tôn giáo rằng Thần đã tạo ra loài người.
  3. Đạo luật tìm sự giúp đỡ từ phía chính phủ để đạt được một mục tiêu tôn giáo, từ đó làm lẫn lộn vai trò của nhà thờ và nhà nước.

Những người ủng hộ luật Đối xử cân bằng Khoa học Sáng thế và Khoa học Tiến hóa trong trường công lập đã lập luận rằng đạo luật này có mục đích chính đáng là “bảo vệ tự do học thuật” và thúc đẩy “sự công bằng căn bản”.

Về dự luật mới do ông Kruse đề xuất, chương trình giảng dạy được yêu cầu phải bảo trì “trung lập, khách quan và cân bằng”, và đồng thời không được “cổ vũ hay khuyến khích học sinh chấp nhận bất kỳ một tôn giáo cụ thể nào”.

Cha mẹ mới là người quyết định

Ngoài ra, chương 13 của dự luật mới này được soạn ra để bảo vệ quyền lợi cơ bản của bậc cha mẹ trong việc định hướng giáo dục cho con trẻ, và nhấn mạnh rằng trường học không được xâm phạm quyền đó.

Ngoài ra, theo luật của bang Indiana, các bậc phụ huynh cũng có thể yêu cầu trường học sắp xếp tối đa 2 giờ đồng hồ mỗi tuần cho các buổi hướng dẫn về tín ngưỡng và đức tin cho con trẻ. Những buổi học này được tổ chức bởi nhà thờ hoặc các tổ chức uy tín, và sẽ được tính vào số tín chỉ cho học sinh.

Theo NTDTV