“Mượn gió Đông” – Ghi chép lịch sử về khả năng siêu phàm của Gia Cát Lượng

14/09/17, 14:05 Cổ Học Tinh Hoa

Trận Xích Bích là một trong những trận đánh nổi bật nhất thời Tam Quốc, là cơ sở để tạo ra thế chân vạc, giúp Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán. Kế “mượn gió Đông” để dụng hỏa công trong trận Xích Bích của Gia Cát Lượng, vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Gia Cát Lượng là một đại học vấn gia, là người có tài “kinh thiên vĩ địa” hiếm có trong lịch sử. (Ảnh: Pinterest)
Gia Cát Lượng là một đại học vấn gia, là người có tài “kinh thiên vĩ địa” hiếm có trong lịch sử. (Ảnh: Pinterest)

Câu chuyện Gia Cát Lượng mượn gió Đông Nam

“Mượn gió Đông” là câu chuyện thể hiện rõ nhất trí tuệ và tài năng học vấn của Gia Cát Lượng.

Trong trận chiến Xích Bích kháng Tào, chủ soái Chu Du đã quyết định sử dụng kế sách hỏa công. Nhưng sau đó, Chu Du lại nghĩ đến việc vào mùa Đông thông thường chỉ có gió Tây Bắc, rất hiếm khi thấy có gió Đông Nam thổi. Trong bất giác, Chu Du không nghĩ được thêm gì, cảm thấy “tâm phiền ý loạn” nên đã cáo ốm về nằm.

Tướng Lỗ Túc vội đến thỉnh Gia Cát Lượng chẩn đoán bệnh của Chu Du. Khổng Minh ngay lập tức viết trên giấy 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; vạn sự cụ bị, chích khiếm đông phong”, ý là, muốn đánh bại quân Tào, dùng hỏa công là thích hợp nhất, mọi việc đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu gió Đông.

Chỉ 16 chữ, Khổng Minh đã nói hết được nỗi lòng của Chu Du khiến ông không khỏi thầm nghĩ: “Gia Cát Lượng quả nhiên là thần tiên”. Vì vậy, Chu Du thỉnh mời Gia Cát Lượng nghĩ biện pháp trợ giúp.

Khổng Minh nói: “Lượng mặc dù bất tài, nhưng từng gặp được kỳ nhân đã truyền thụ cho sách trời ‘kỳ môn độn giáp’, có thể kêu mưa gọi gió. Đô đốc nếu cần gió Đông Nam, có thể kiến tạo một bình đài gồm 3 tầng, cao 9 thước, trên Nam Bình sơn, lấy tên là Thất tinh đàn. Ta sẽ ở trên đàn mượn gió Đông Nam 3 ngày 3 đêm để giúp Đô Đốc dụng binh. Tiên sinh thấy thế nào?”.

Chu Du nói: “Không cần 3 ngày 3 đêm, chỉ một đêm là đại sự có thể thành. Tình thế giao chiến vô cùng cấp bách, thỉnh xin tiên sinh đừng chậm trễ”.

Khổng Minh nói: “Ngày 20/11 tế phong, tới ngày 22 gió ngừng, tiên sinh thấy thế nào?”

Chu Du mừng rỡ, ngay lập tức lệnh cho 500 quân sĩ cường tráng đến Nam Bình sơn xây dựng đài, đồng thời cử 200 quân sĩ canh gác, chờ lệnh.

Đúng giờ cát thần ngày 20/11, Khổng Minh tắm rửa trai giới, khoác Đạo y, chân trần tiến đến trước đàn, căn dặn tướng sĩ canh giữ: “Không được tự ý rời vị trí, không được nói lời thì thầm, không được thuận miệng nói chuyện làm xáo trộn, không được làm kinh động. Người nào trái lệnh, chém đầu!”.

Sau khi mọi người nhận lệnh, Khổng Minh chậm rãi đăng đàn, xem được phương hướng liền đốt hương trong lư, rót nước vào trong bồn rồi ngửa mặt lên trời thầm khẩn cầu. Ngày hôm ấy, Khổng Minh lên xuống đàn ba lần nhưng cũng không thấy gió Đông Nam thổi tới.

Chu Du và các tướng lĩnh vẫn đang ở trong màn trướng chờ gió Đông Nam. Lão tướng Hoàng Cái đã chuẩn bị sẵn 20 hỏa thuyền, tứ phía đều là binh mã Đông Ngô, vây kín như nêm cối, ai nấy đều sẵn sàng chờ hiệu lệnh.

Đêm tối hôm ấy, sắc trời sáng trong, không có một cơn gió nào thổi lên dù là gió nhẹ. Chu Du nói với tướng Lỗ Túc: “Lời Khổng Minh nói xem ra thật hoang đường. Đang mùa rét đậm, gió Đông Nam ở đâu thổi tới được?”

Lỗ Túc đáp: “Ta nghĩ Khổng Minh không phải người nói xằng”.

Gần đến canh ba, chợt nghe tiếng gió rít lên, cờ tinh lay động theo gió. Lúc Chu Du bước ra ngoài trướng thấy cờ bay nhưng lại bay về hướng Tây Bắc. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, gió Đông Nam đã thổi tới ào ào.

Chu Du kinh ngạc thán phục: “Người này có pháp tạo ra và biến hóa Trời đất, thuật suy đoán quỷ thần, thần cơ diệu toán, không ai sánh nổi”.

Chính sử ghi chép về tài “mượn gió đông” của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng tại thời khắc nhất định trong lịch sử có thể câu thông với một cảnh giới nhất định của vũ trụ, điều động một phần sức mạnh ở nơi đó mà có thể kêu mưa gọi gió. (Ảnh: DeviantArt)
Gia Cát Lượng tại thời khắc nhất định trong lịch sử có thể câu thông với một cảnh giới nhất định của vũ trụ, điều động một phần sức mạnh ở nơi đó mà có thể kêu mưa gọi gió. (Ảnh: DeviantArt)

Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Muốn lấy ít thắng nhiều thì hỏa công là phương kế tốt nhất. Nhưng giữa trời đông giá rét, gió Đông Nam là cực kỳ hiếm gặp.

Ở vào thời khắc cần nhất, việc gió Đông Nam xuất hiện là một yếu tố then chốt quyết định sự thắng lợi. Có thể đoán được chuẩn xác thời khắc nào gió Đông Nam bắt đầu thổi thì đã là việc khó mà làm được. Việc ở vào thời khắc cần nhất mà đưa gió Đông Nam tới lại là một việc không tưởng.

Theo ghi chép của chính sử, việc gió Đông Nam xuất hiện vào mùa đông ở vùng Giang Đông là có thể. Nhưng sự biến hóa thời tiết lúc ấy là vô cùng khó đoán. Bấy giờ, Chu Du là chủ soái kháng Tào, không thể chỉ ngồi chờ ông Trời thổi gió Đông Nam, mà thế cục chiến tranh cũng thay đổi trong chớp mắt, cho nên phải có sẵn chủ ý mới có thể chiến thắng.

Vì vậy, liên quân Tôn Lưu phải tự mình nắm thế chủ động, việc xuất hiện gió Đông Nam phải nhất định nắm giữ trong tay, phải lúc nào cần thổi thì thổi, phải lúc nào cần dừng thì dừng. Và trí tuệ học vấn của Gia Cát Lượng đã phát huy công dụng ngay tại thời khắc này.

Trong chính sử ghi chép, khi đội thuyền của Hoàng Cái nhắm về phía Tào doanh, quả thực gió Đông Nam đã thổi mạnh. Ghi chép của sử gia chỉ vẻn vẹn như thế. Nhưng việc gió Đông Nam xuất hiện như thế nào thì họ không nói đến. Tác gia chính sử của Trung Quốc, đặc biệt Trần Thọ là người ghi chép rất nghiêm chỉnh, nhưng đối với sự việc này lại ghi chép một cách quá mức ngắn gọn.

Các sử gia đời sau nhận định rằng, có rất nhiều sự thật lịch sử là không có ghi chép. Những sự thật lịch sử ấy có thể không phù hợp với quan niệm của tác giả mà dân chúng thì không để tâm đến việc sử gia có ghi chép hay không. Bởi vậy mà đối với tích này, dân chúng khắp nơi đều biết và đàm luận không ngớt. Cũng bởi vì thế mà những sự tích như thuyền cỏ mượn tên, mượn gió đông xuất hiện và lưu truyền trong các hí khúc vẫn truyền lưu hàng ngàn năm qua.

Cũng có sử gia nhận định: Trên thực tế, trận chiến Xích Bích to lớn như vậy, quan trọng như vậy thì yếu tố để nắm chắc phần thắng không thể dựa vào ngẫu nhiên và vận khí được. Khi chiến thuyền của Đông Ngô và đội quân của Tào Tháo giao chiến thì gió Đông Nam đột ngột thổi tới. Mặc dù các nhà sử học chỉ ghi chép vắn tắt như vậy. Nhưng việc gió Đông Nam như thế nào được thổi tới thì từ xưa đến nay cũng đã có không ít giả thuyết và phân tích hợp lý.

Có một số phân tích cho rằng, Gia Cát Lượng tinh thông thiên văn cho nên đã tính toán đến thời điểm đó thì sẽ có gió Đông Nam thổi tới. Nhưng Trời là có bất trắc, không thuận lòng người, nếu như lúc ấy không có gió Đông Nam thổi thì phải làm sao?

Kế tính có thể chuẩn xác nhưng tình huống thực tế cũng vẫn có thể xảy ra sự sai khác. Cho nên, ở đây nhất định có một nguyên nhân khác, nguyên nhân này chính là sức người khó có thể làm được, nhưng Gia Cát Lượng thì có thể làm được.

Một số sử gia hiện đại cho rằng, Đổng Trọng Thư một đại diện tiêu biểu của Nho học, có thuật “cầu mưa, ngăn gió”, Gia Cát Lượng tại thời khắc nhất định trong lịch sử có thể câu thông với một cảnh giới nhất định của vũ trụ, điều động một phần sức mạnh ở nơi đó mà có thể kêu mưa gọi gió.

Trong ngữ cảnh của văn hóa truyền thống mà nói thì điều này là hợp tình hợp lý, không có chỗ nào là kỳ dị quái quỷ cả. Chỉ là, thời cổ đại có rất nhiều sự tình mà nếu như chúng ta hôm nay đứng tại góc độ khoa học thì không thể giải thích nổi.

Ngoài ra, có không ít sử gia thời hiện đại căn cứ tư liệu chính sử, đánh giá rằng, Chu Du và các tướng lĩnh trong trận chiến Xích Bích bất quá chỉ là diễn viên. Nhưng Gia Cát Lượng mới là người đóng vai chính xuất sắc trong trận chiến ấy. Trong chiến tích Xích Bích, mặc dù Gia Cát Lượng không được chính sử nhắc đến nhiều nhưng trong dân gian thì thời gian càng lâu những lời ca tụng về ông càng ăn sâu vào lòng người.

Cơn gió thần bí đưa Vương Bột tới Đằng Vương Các

gia cát lượng
(Ảnh minh họa, nguồn: Pinterest)

Trọng lịch sử còn ghi chép lại rất nhiều hiện tượng thần bí, trong đó câu chuyện về Vương Bột là một trường hợp được nhiều người biết đến.

Hoàng đế triều Đường là Đường Thái Tông Lý Thế Dân khi sắc phong cho em trai Đằng Vương Lý Nguyên Anh làm Thứ sử Hồng Châu. Đằng Anh cảm kích trước sự ưu ái của Đường Thái Tông nên ngay ở bên bờ sông Cán Giang, Nam Xương kiến tạo Đằng Vương Các. Ngày hoàn thành, Đằng Vương ở trên các chuẩn bị tiệc rượu, mở tiệc chào đón quan viên và văn nhân nhã sĩ địa phương, đồng thời cũng yêu cầu mọi người ngay ở trong bữa tiệc viết “Đằng Vương Các tự” để kỷ niệm sự kiện trọng đại ấy.

“Đằng Vương Các tự” thực sự đã trở thành tác phẩm nổi danh, lưu truyền thiên cổ. Nhưng Vương Bột – người viết ra tác phẩm nổi danh này ngay trước ngày tham dự yến tiệc còn ở cách xa Nam Xương đến chín trăm dặm (khoảng 450km) đường thủy. Trong vòng một ngày mà tới được buổi tiệc, quả thực là chuyện khó tưởng.

Trong cuốn “Trích di. Đằng vương các ký” triều Tống ghi chép lại rằng, Khi Vương Bột đi thuyền cập bến ở Mã Đương thì một cụ già nói với Vương Bột: “Ngày mai Đằng Vương Các tổ chức tiệc hội lớn, chiêu đãi văn nhân thi hữu. Cậu có thể tới yến tiệc lần này sáng tác, nhất định có thể lưu danh thiên cổ”.

Vương Bột lúc bấy giờ còn là một tiểu đồng chỉ độ mười bốn, mười lăm tuổi. Hay được tin ấy, nhưng vì đường xa xôi có hàng mấy trăm dặm, không đến được, rất lấy làm tiếc.

Vào thời kỳ Nam Tống, cuốn “Trích di” này từng được khắc trên bản khắc gỗ, và được sửa tên thành “Trích di tân thuyết”. Trong cuốn “Xuất thanh khẩu” của Nhâm Uyên người Nam Tống khi chú dẫn về “Trích di tân thuyết” đã viết: Khi Vương Bột hướng thuyền trở về thì nhìn thấy cụ già viết: “Thần kí tạ dĩ hảo phong, dĩ báo thần tứ”, ý nói, Thần linh ban cho gió tốt lành. Cụ già khuyên Vương Bột cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên, đêm đó có gió lớn, Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương Các vừa kịp lúc vào tiệc.

Có rất nhiều văn nhân tham dự buổi yến tiệc hôm đó, họ đều biết Đằng Vương có học vấn và tu dưỡng rất cao nên ai nấy đều ôm giữ tâm lý “bêu xấu không bằng giấu dốt”. Người này nhường cho người kia làm thơ, không ai dám tùy tiện nhận.

Kỳ thực, Đằng Vương sớm đã dự đoán được sẽ có tình huống ấy xuất hiện nên đã thỉnh người viết một lời tựa hay, dự định đến lúc thiết đãi sẽ lấy ra đọc. Không ngờ, ngay lúc ấy Vương Bột dũng cảm bước ra, ngay trên bàn mà chắp bút viết thơ. Càng khiến mọi người kinh ngạc hơn, người này mới chỉ là một tiểu đồng 14 tuổi.

Thấy Vương Bột chỉ là tiểu đồng, Đằng Vương khinh là trẻ con, chắc là đến quấy nhiễu nhưng vẫn miễn cưỡng cấp cho giấy bút. Tuy nhiên, ông lệnh cho thị vệ đứng bên cạnh Vương giám sát, đồng thời thấy Vương viết được câu nào thì lén chép lại cho ông xem.

Mới đọc hàng đầu, Đằng Vương đã ngạc nhiên vì lời thơ già dặn. Đến câu: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi; Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, ý tứ là: “Ráng chiều, cò lẻ cùng bay; Nước thu cùng với màu trời một sắc”, thì Đằng Vương đẩy ghế đứng dậy, thán phục khen ngợi: “Đúng là thiên tài!”. Ông còn tự mình đi đến bên cạnh Vương Bột, lặng lẽ xem Vương Bột làm đến lúc xong bài thơ “Đằng Vương Các tự” lưu danh thiên cổ.

Theo Trithucvn

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

    Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

x