Buổi trưa 21/8 vừa qua, hàng triệu người với đủ các thiết bị từ chuyên dụng tới tự chế đã hào hứng chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần phủ bóng từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ.
Nhật thực là hiện tượng Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất cùng xếp trên một đường thẳng, với Mặt trăng đi vào giữa và ngăn cản ánh sáng Mặt trời chiếu xuống Trái đất. Đây là lần đầu tiên sau 99 năm, nhật thực toàn phần ‘ghé thăm’ Hoa Kỳ trọn vẹn từ bờ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương.
Đường đi của nhật thực toàn phần lần này kéo dài 4.200 km, đi qua các tiểu bang như OregonIdaho, Wyoming, Nebraska, Kansas, Missouri, Illinois, Kentucky, Tennessee, Georgia, North Carolina và South Carolina. Tại mỗi địa điểm, người dân có thể quan sát hiện tượng nhật thực trong khoảng 2 phút.
Những khu vực ngoài đường đi của nhật thực toàn phần vẫn có thể quan sát hiện tượng kỳ thú này với những cấp độ khác nhau. Người dân một số nước khác có thể quan sát được nhật thực một phần như Canada, Mexico, Tây Ban Nha và các nước Nam Mỹ.
Nhật thực toàn phần năm nay có thời gian và độ che phủ của Mặt trăng lớn nhất kể từ năm 1918. Mặt Trời bắt đầu bị che khuất ở phía bờ Tây nước Mỹ vào giữa trưa ngày 21/8. “Đột nhiên những ngôi sao mọc giữa ban ngày, chim chóc lặng im và bóng tối bao phủ trong niềm hân hoan của mọi người”, AP miêu tả khoảnh khắc nhật thực tại nhiều nơi trên nước Mỹ.
Theo NASA, 4,4 triệu người Mỹ đã theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp về hiện tượng nhật thực năm nay, cao nhất trong lịch sử truyền thông của cơ quan này.
Truyền thông Mỹ ước tính đây là sự kiện nhật thực được quan sát, chụp hình và quay phim nhiều nhất trong lịch sử. Tại Mỹ, người ta sử dụng vệ tinh, khinh khí cầu, bóng thám không và các phương tiện thiên văn khác để lưu lại sự kiện ấn tượng này.
Dưới đây là một số hình ảnh về nhật thực ở Mỹ vừa qua:
TinhHoa tổng hợp