Tinh Hoa

Muốn biết tính cách của người khác, thử học cách này của người Nhật xem

Với người Nhật, khi mở đầu câu chuyện, hay như khi đi phỏng vấn xin việc… thì nhóm máu trở thành yếu tố quan trọng. Theo cuộc khảo sát năm 2016, 99% người Nhật biết nhóm máu của họ là gì, nhưng tại sao tất cả họ đều cần biết về nhóm máu của mình?

Theo cuộc khảo sát năm 2016, 99% người Nhật biết nhóm máu của họ là gì, nhưng tại sao tất cả họ đều cần biết về nhóm máu của mình? (Ảnh minh họa từ Internet)

Lý thuyết tính cách thông qua nhóm máu

Tại Nhật, khi đi ăn cùng nhau, anh B thường hay gắp thức ăn cho anh A, dọn dẹp cẩn thận những chén dĩa đã dùng xong qua 1 bên, và sẵn tiện lấy khăn dọn luôn trên bàn cho sạch. Thế là có một câu chuyện:

A: Anh thuộc nhóm máu nào?

B: Tôi nhóm máu A

A: Quả nhiên, đúng như là tôi nghĩ…

Nếu một người Nhật Bản nào đó hỏi: “Bạn nhóm máu gì?”

Đừng lo lắng, sẽ không ai ép bạn phải đi hiến máu. Câu hỏi đơn giản chỉ thể hiện sự quan tâm như một người bạn.

Tại Nhật, người ta ngầm đoán tính cách nhau thông qua nhóm máu. Người Nhật thường hay nói đùa kiểu như, “tất nhiên bạn muốn làm điều đó, vì bạn nhóm máu B”.

Ở Nhật Bản, câu hỏi đầu tiên thường được nghe từ người tuyển dụng nhân sự là: Anh/chị thuộc nhóm máu nào?

Không chỉ coi trọng về an toàn cho tính mạng của mình khi gặp tai nạn vì đã biết rõ nhóm máu lúc ấy rất cần thiết, mà ở Nhật, có rất nhiều tạp chí và sách thậm chí là các kênh truyền hình tại Nhật sử dụng nhóm máu như là 1 nền tảng để phân tích tính cách và tiên đoán số tử vi. Trên thực tế, thông qua cuộc khảo sát, có đến 29% nam giới và 45% nữ giới Nhật Bản tin vào điều này.

Cùng xem bảng dưới đây để tìm hiểu tính cách của bạn thông qua nhóm máu nhé!

Nhóm máu A

Phần lớn dân số Nhật Bản có nhóm máu A, những người nhóm này được mô tả là “kichōmen” 几帳面(きちょうめん, hay tổ chức tốt. Họ thích giữ mọi thứ gọn gàng, có trật tự, là người có khuynh hướng chuẩn bị mọi thứ tỉ mỉ, cẩn trọng rồi mới hành động. Nghiêm túc, sạch sẽ, ưa giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nhược điểm của họ là dễ bị căng thẳng.

Theo cuộc  điều tra vào năm 2015, nhóm máu A chiếm nhiều nhất ở Nhật bản, chiếm 38.2%. Phải chăng điều này đúng, và đã được phản ánh ở xã hội Nhật Bản. Mối quan hệ trên dưới nghiêm khắc, bền vững qua bao nhiêu thế kỉ, mà vẫn không bị phá vỡ. Phải chăng chính những người nhóm máu A góp phần vào việc gìn giữ này. Thế nên, đừng lấy làm ngạc nhiên, những người nhóm máu A rất được coi trọng và chiếm nhiều cảm tình tại Nhật. Đây là 1 quy tắc ngầm.

Nhóm máu O

Tính cách của những người nhóm máu O thường được miêu tả như “rakkanshugi” 楽観主義(らっかんしゅぎ, hay lạc quan. Họ cởi mở, có khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng cho nhiều người. Họ không quan tâm nhiều đến những điều nhỏ nhặt. Mặc dù, đôi khi họ có thể bị trễ trong những cuộc gặp mặt nhưng họ có sức bền và sự linh hoạt đáng kinh ngạc.

Nhóm máu này có nhiều ở các giáo sư, các nhà ngoại giao. Những người mang nhóm máu khác đánh giá nhóm máu O rằng thoạt nhìn có vẻ thoải mái, vui vẻ, nhưng lại có cá tính mạnh mẽ, hơi ích kỉ vì yêu bản thân quá độ. Ít khi chịu tiếp thu ý kiến của người khác.

Nhóm máu B

Nhóm máu B được người Nhật mô tả là là “jikochū” 自己 中 (じ こ ち ゅ う), hay ích kỷ. Những người nhóm máu B nổi tiếng bởi sự sáng tạo. Họ có tính hiếu kỳ, sôi động, tràn đầy cảm hứng nhưng cũng dễ mất cảm hứng. Tính cách của người có nhóm máu B trái ngược hoàn toàn với nhóm máu A, ghét việc trói buộc vào trong khuôn khổ, trật tự và qui tắc. Rất tò mò, sáng tạo, thiếu kiên nhẫn.

Họ có tính cách tự do phóng khoáng, tinh thần lạc quan, nhưng đôi khi trở nên thất thường và làm cho người đối diện đôi khi lâm vào trạng thái bối rối, không biết họ đang nghĩ gì. Dù không được lựa chọn nhóm máu, vì đó là do tạo hóa tạo ra cơ thể mỗi người khác nhau, nhưng nhóm máu này thường không chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng trong lãnh vực kinh doanh. Nhiều người cho rằng, những người nhóm máu B có nguồn gốc từ những người du mục lang thang từ cánh đồng cỏ này sang cánh đồng khác.

Những người nhóm máu AB

Những người có nhóm máu AB là những người phức tạp. Họ thừa hưởng sự nhút nhát từ nhóm máu A, nhưng lại cũng có sự cởi mở của B. Tại Nhật Bản, nhóm máu AB rất hiếm và khó tìm, và những người có nhóm máu AB được gọi là là “kawarimono”, 変 わ り 者 か も の, hay lập dị.

Nhóm máu AB, cho dù có chuyện gì xảy ra, đều bình thản, có thể đúc kết được toàn bộ sự việc và suy nghĩ một cách khách quan. Và trầm tính, không dùng bạo lực. Nhóm máu này có nhiều ở các nhà phê bình.

Để trả lời câu hỏi người có nhóm máu nào phù hợp với nhau. Bạn có thể tham khảo qua lý thuyết đoán tính cách thông qua nhóm máu kiểu Nhật.

A x A: Những tính cách tương tự này tạo ra sự đồng cảm.

A x O: Nhóm máu A và nhóm máu O có tính cách rất khác nhau, A nhạy cảm còn O thì không. Sự khác biệt có thể gây ra căng thẳng cho buổi nói chuyện.

A x B: Cả nhóm máu A và B đều có khả năng thưởng thức mọi thứ theo nhịp riêng của mình. Nhóm máu B vốn không thoải mái với sự nhầm lẫn của nhóm máu A.

A x AB: Sự kết hợp này phụ thuộc vào từng cá nhân. Nhóm máu AB bao gồm cả A và B: những người nhóm máu A sẽ cảm thấy không phù hợp với những người nhóm máu AB có phần B thể hiện quá mạnh và ngược lại. Tuy nhiên, tất cả họ đều có thể duy trì mối quan hệ ổn định.

O x O: Mặc dù thái độ trung thực của những người nhóm máu O có thể xây dựng một mối quan hệ thẳng thắn, nhưng họ lại có xu hướng xung đột khi ở cạnh nhau.

O x B: Những người nhóm máu O thường rất nhẫn nại, họ có thể thích thú và đồng tình với sự thích tự do của nhóm máu B. Một mối quan hệ tốt!

O x AB: Nhóm máu O là những người đơn giản và trung thực, vì vậy có lẽ sẽ mất một thời gian để họ hiểu được sự phức tạp của những người có nhóm máu AB. Tuy nhiên, những người nhóm máu O rất nhẫn nại và biết giúp đỡ, họ sẽ là những người bạn tốt khi AB gặp khó khăn.

B x B: Đây có thể là sự kết hợp tốt nhất khi sở thích và tốc độ của họ phù hợp nhất. Nhưng nếu ngược lại, đây sẽ là sự kết hợp tồi tệ nhất.

B x AB: Nhóm máu B thích dành thời gian để làm việc và giống như những người nhóm máu AB thích giữ sự riêng tư, 2 tính cách này rất tôn trọng nhau. Họ sẽ có một mối quan hệ tốt đẹp miễn là người này không can thiệp vào lối sống của người kia.

AB x AB: Nhóm máu AB khá hiếm. Vì vậy khi 2 người nhóm máu này gặp nhau họ sẽ tìm thấy sự liên kết tình cảm mạnh mẽ dành cho nhau. Họ hiểu được tính cách phức tạp và riêng biệt của người khác hơn bất cứ những người nào thuộc nhóm máu khác, vì vậy, sự đồng điệu trong mối quan hệ của họ trở nên gắn bó hơn.

Lý thuyết về nhóm máu giống như một loại chuyển động văn hóa

Là một quốc gia hiện đại, xuất phát từ khoa học và công nghệ, bạn nghĩ rằng người Nhật Bản sẽ bỏ xa những lý thuyết phi khoa học về máu ở phía xa, Có lẽ bạn đã nhầm. Người Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ, họ nói rất thường xuyên về lý thuyết tính cách thông qua nhóm máu. Có nhiều người tin vào thuyết này đến mức họ nói rằng sẽ không hẹn hò bất kì ai không tương thích nhóm máu với họ.

Ở Nhật Bản, có 4 cuốn sách mô tả các nhóm máu được xuất bản và bán được hơn 5 triệu bản. Các chương trình truyền hình và báo chí Nhật Bản cũng thường đề cập đến câu chuyện về sự ảnh hướng của nhóm máu đến đời người và bàn luận về sự tương thích trong quan hệ theo nhóm máu. Nhiều câu lạc bộ kết bạn cung cấp thông tin về nhóm máu của các thành viên; cũng như phim hoạt hình (anime), truyện tranh (manga) và video game của Nhật Bản hay đề cập đến nhóm máu của nhân vật.

Những cuốn sách viết về nhóm máu tại Nhật Bản bán rất chạy. (Ảnh: Japantimes)

Lịch sử xuất hiện của lý thuyết nhóm máu

Vậy nỗi ám ảnh của lý thuyết nhóm máu này đến từ đâu? Và tại sao nó lại trở nên phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản?

Năm 1927, nhà tâm lý học Takeji Furukawa là một giáo viên tại một trường nữ sinh Nhật Bản. Ông bắt đầu đặt câu hỏi về hệ thống thi tuyển của trường dựa trên khả năng học tập, đồng thời ông cũng muốn một hệ thống có khả năng xem xét tính cách của người nộp đơn.

Dựa trên ý tưởng này, ông đã quan sát 11 người trong gia đình mình và ghi nhận nhóm máu của họ. Không ai có nhóm máu AB trong gia đình ông, nên ông đã gộp chung với người nhóm máu A. Từ nhóm nhỏ này, ông đã viết bài luận văn nổi tiếng mang tên “Nghiên cứu tính cách thông qua các nhóm máu”. Mặc dù, lý thuyết của ông không được các nhà khoa học công nhận, nhưng nó lại trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Sau Thế chiến II, những cuộc thảo luận về lý thuyết nhóm máu hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, vào những năm 1970, nhà báo Masahiko Nomi, người chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của Furukawa, đã cho xuất bản mối quan hệ giữa các nhóm máu và tính cách. Cuốn sách này trở thành cuốn sách bán chạy nhất thời điểm bấy giờ, và lý thuyết của ông Furukawa trở nên phổ biến hơn.

Ở phương Tây, 85% dân số có nhóm máu O và A, nhưng ở Ấn Độ và châu Á nhóm B luôn vượt trội.

Tất nhiên, tùy vào mỗi người sẽ có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Chỉ với vẻ bề ngoài và nhóm máu không thể đánh giá chính xác mỗi 1 cá thể. Nhưng có lẽ với người Nhật, đây là con đường tắt để hiểu rõ hơn về đối tượng lần đầu tiên gặp gỡ. Nên họ ngầm áp dụng chăng?

Ngọc Sam biên dịch