Trẻ em rất tò mò với thiên nhiên, thích khám phá cây cỏ bằng cách nhìn ngắm, sờ, ngửi hoặc cho vào miệng ăn, các loài hoa quả có màu sắc sặc sỡ thường được chúng chú ý. Tại châu Âu, trong mùa xuân thường có khoảng 20 ca ngộ độc do cây cảnh gây ra, nạn nhân 90% thường là trẻ em.
Ở nước ta cũng không ít trường hợp trẻ phải nhập viện do ăn nhầm hoặc chơi giỡn với những cây cảnh có độc.
Các nhóm hoạt chất mạnh này có thể nằm ngay trong lá, vỏ cây, nhựa hoặc trong hạt gồm alkaloid, glycoside hoặc heteroside. Vì vậy khi chọn mua chưng tết cần chú ý tránh vài loại cây dưới đây:
1. Trúc đào (Nerium oleander, Apocynaceae)
Cây này thường được trồng tại công viên hoặc trước sân, hoa nhiều màu sắc rực rỡ như hồng đậm, nhạt, trắng… mọc thành chùm khi nở rộ rất đẹp. Cây thường có tán thấp nên rất vừa tầm với của trẻ con. Khi hái lá, chất nhựa mủ có trong lá và toàn cây có thể gây ngứa tay, đỏ da, nếu vào mắt có thể làm loét bỏng giác mạc, nếu nhai nuốt có thể gây nôn mửa, đau bụng, liều cao có thể gây rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu, rung nhĩ, nếu không kịp cấp cứu sẽ dẫn đến tử vong.
2. Huệ tây hay còn gọi là hoa loa kèn (Lilium longiflorum, Liliaceae)
Loài này được du nhập vào nước ta được trồng đầu tiên tại Ðà Lạt, vì nơi đây có khí hậu ôn đới rất phù hợp với đặc tính của loa kèn, nhưng hiện nay phổ biến ở nhiều vùng. Hoa loa kèn được coi là một thứ hoa sang trọng, quyền quý vì du nhập từ phương Tây. Nước Pháp khi xưa được gọi là vương quốc của loa kèn và họ xem là biểu thị của lòng trong trắng, tiết trinh. Cây này có hoa đẹp nhưng chất độc nằm ở phần củ và nhựa cây, có tên lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa nếu ăn nhầm. Nuốt phải nhựa cây có thể gây nôn mửa, chất này tiếp xúc trực tiếp sẽ gây bỏng rát, ngứa da.
3. Đỗ quyên (Rhododendron)
Cây cảnh này có hoa mọc thành chùm màu hồng tươi rất đẹp và được bày bán nhiều. Đỗ quyên cũng có vai trò làm thuốc trong y học. Tuy nhiên toàn cây đỗ quyên lại có chứa chất glycoside tên gọi andromedotoxin và arbutin, khi dùng liều cao sẽ trở thành chất độc có thể gây nôn mửa, hôn mê, rối loạn tri giác và tử vong. Các kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần ăn phải từ 100 – 225g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho một trẻ cân nặng 25kg.
4. Cẩm tú cầu (Hydrangea
Hoa cẩm tú cầu hợp thành chùy đầu ở ngọn có màu trắng hồng xanh tím rất đẹp, tuy nhiên trong lá và củ có chứa một glycoside tên là hydrangin-cyanogenic nếu ăn nhầm sẽ gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.
5. Hoa thủy tiên, tên khoa học là Narcissus sp
Hoa thủy tiên đôi khi còn được gọi là hoa trường thọ, chủ yếu ra hoa vào mùa xuân. Tất cả các loài thủy tiên có bao hoa hình loa kèn ở trung tâm được bao quanh bằng một vòng các cánh hoa. Các loài hoa thủy tiên thường có màu vàng kim, hiện nay các nhà vườn đã nhân giống và tạo ra một số loại thủy tiên với 2 hoặc 3 tầng cánh hoa, làm cho chúng trông giống như một quả cầu nhỏ màu vàng và đẹp rực rỡ hơn. Các loài thủy tiên chứa chất độc nằm trong phần củ, đó chính là nhóm chất alkaloid gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong khi ăn phải.
6. Cây hoa Arum còn được gọi là hoa rum, thuộc họ ráy (Araceae)
Lá giống như các loại lá môn, hoa có cuống dài và cuộn lại ở cánh hoa cũng hơi giống loa kèn. Hiện nay nhiều loài hoa rum có màu sắc từ hồng, trắng và vàng tươi nên cũng hay được chưng trong ngày tết, tuy nhiên cần chú ý là trong lá và củ chứa chất độc đường ruột calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc dạ dày và nguy cơ cao cho người có bệnh sỏi thận.
7. Hoa tử đằng (đậu tía)
Là loài hoa họ đậu, dây leo, hoa thành từng chùm màu tím rất đẹp, được trồng làm cảnh phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hoa tử đằng vừa đẹp, vừa có mùi thơm. Tuy nhiên hạt hoa tử đằng rất độc. Nếu ăn phải sẽ bị trúng độc, nôn nói, chuột rút và tiêu chảy.
8. Muồng Hoàng Yến (hoa bò cạp vàng, hoa osaka)
Khi ngộ độc các cây cỏ trên thì có thể áp dụng một vài cách đơn giản ngay lập tức để tránh các độc tố có thể ngấm nhanh vào máu như uống trà đặc, uống nước đậu xanh, uống sữa, hoặc uống một loại nước sắc từ các cây cỏ có vị chát như tannin. Nếu các chất va chạm vào niêm mạc mắt, da, mình mẩy thì cần rửa thật sạch dưới vòi nước để giảm cảm giác bỏng rát và sau đó phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm cho tính mạng.
9. Hoa cần nước
Theo báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ thì cây độc cần nước là loại thực vật độc hại nhất ở Bắc Mỹ. Hoa và thân cây thì an toàn nhưng phần rễ cây lại chứa chất nhựa chết người dù chỉ hấp thụ một lượng rất nhỏ, với thành phần chính là chất cicutoxin gây nên chứng co giật, tai biến mạch máu não.
Cần nước được coi là loại thực vật độc hại nhất ở Bắc Mỹ. Ở Việt Nam, cây này mọc nhiều ở vùng đầm lầy, ao hồ ẩm ướt.
10. Hoa thụy hương
Thụy hương là một loại cây bụi để trang trí trong vườn nhà rất được ưa thích ở châu Âu, gần đây đã du nhập vào Việt Nam và được trồng nhiều trong khuôn viên các căn biệt thự. Tuy nhiên, đây là một loại cây độc hại vô cùng với chất mezerein có độc tính rất cao.
Nếu vô tình ăn phải lá hay quả cây thì triệu chứng lúc đầu là buồn nôn và ói mửa dữ dội, theo đó là xuất huyết trong, hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
Ngày tết là ngày vui, cần nhiều điều tốt đẹp và may mắn, nên chú ý khi chọn mua cây cảnh để hạn chế rủi ro vào nhà.
Chúc Di (t/h)