Trong bối cảnh xăng dầu thế giới giảm mạnh, PVN đã đề nghị cấm nhập khẩu xăng dầu. Trong khi đó, tổng các loại thuế, phí và khoản ngoài thuế phí bao gồm cả lợi nhuận của doanh nghiệp trên mỗi lít xăng RON 95 III là khoảng 8.600 đồng/lít (trên giá bán là 12.560 đồng/lít), chiếm khoảng 68% giá bán lẻ, và trong kỳ điều hành ngày 13/4, giá xăng có thể giảm sâu 1.000 đồng/lít còn 11.000 đồng/lít.
Theo chu kỳ, hôm nay 13/4, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng RON 92 trên thế giới (xăng nền để pha chế xăng E5) trung bình trong 15 ngày qua là 20,4 USD/thùng, giảm 4,3 USD/thùng so với kỳ điều hành xăng dầu ngày vào 29/3.
Trong khi đó, giá xăng RON 95 trên thị trường Singapore trong chu kỳ mới bình quân vào khoảng 21,26 USD/thùng; giảm khoảng 3,6 USD/thùng so với chu kỳ trước.
Do đó, giá xăng trong nước kể từ ngày 13/4 được dự đoán sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít, xuống còn khoảng 11.000 đồng/lít.
Mua xăng 12.600 đồng/lít, chịu 8.600 đồng thuế phí và lợi nhuận
Theo Bộ Công Thương, tổng các loại thuế, phí và khoản ngoài thuế phí trên mỗi lít xăng E5 (bao gồm cả lợi nhuận của doanh nghiệp) là khoảng 7.550 đồng/lít, chiếm khoảng 63% giá bán lẻ xăng E5 (mức giá hiện hành là 11.950 đồng/lít).
Nếu chỉ tính 4 loại thuế như Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thì tổng thuế trên mỗi lít xăng E5 là 5.700 đồng/lít, chiếm khoảng hơn 47% giá bán lẻ xăng E5.
Tổng các loại thuế, phí và khoản ngoài thuế phí trên mỗi lít xăng RON 95 (bao gồm cả lợi nhuận của doanh nghiệp) là khoảng 8.600 đồng/lít, chiếm khoảng 68% giá bán lẻ xăng RON 95 (trên giá bán hiện hành là 12.560 đồng/lít).
Nếu chỉ tính các loại thuế như Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thì tổng thuế trên mỗi lít xăng là khoảng 6.200 đồng/lít, chiếm khoảng 49% giá bán lẻ xăng RON 95.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11-20% đối với mặt hàng dầu.
PVN đề nghị cấm nhập khẩu xăng dầu
Mới đây, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch virus Vũ Hán (Covid-19).
Theo PVN, do giá dầu thô thế giới hiện giảm sâu và dịch virus Vũ Hán đã và đang diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đã khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu của PVN tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
PVN cho biết, trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30%, dự kiến sẽ tiếp tục giảm, và tồn kho tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%.
Trước tình trạng trên, PVN đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch virus Vũ Hán (Covid-19).
Từ Nguyên (t/h)