Một vật tưởng chừng không có giá trị mấy với một người đôi khi lại có thể là kho báu với người khác. Vừa qua, một chiếc nhẫn kim cương của người phụ nữ được mua ở chợ trời với giá 13 USD những năm 80, đã được bán với giá 850.000 USD tại cuộc đấu giá ở London, Anh.
Thông thường, chúng ta hay định giá một món đồ dựa trên cảm giác mà nó mang lại chứ không phải vì nó đáng giá bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ đó. Hãy cùng chúng tôi khám phá câu chuyện sau.
Tại một khu chợ trời hay một buổi bán đồ cũ bạn sẽ dễ dàng tìm thấy mọi thứ mà bạn muốn. Và câu chuyện mà chúng tôi đề cập ở trên được bắt đầu vào một Chủ nhật của những năm 1980, một người phụ nữ đã tình cờ mua được chiếc nhẫn mà cô yêu thích chỉ vỏn vẹn với giá 13 USD. Viên kim cương trắng, gọt theo hình chiếc gối, đã được mua lại tại buổi bán đồ cũ cuối tuần tại Bệnh Viện West Middlesex, Isleworth, Tây London.
Chiếc nhẫn này đã gắn bó với chủ nhân của nó được 30 năm. Cô đeo nó hằng ngày như một món nữ trang thông thường, cho đến khi phát hiện ra chiếc nhẫn mình đang đeo được làm từ một viên kim cương thật kích cỡ 26 carat, một viên kim cương được chế tác vào thế kỷ 19.
Vào đầu tháng 7, chiếc nhẫn được bán ở Sotheby’s, trung tâm bán đấu giá nổi tiếng hàng đầu thế giới. Jessica Wyndham, người đứng đầu Phòng trang sức của Sotheby’s đã trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn BBC rằng, nữ chủ nhân của chiếc nhẫn, người xin được giấu tên, đã mang nó hằng ngày, mà không hay biết giá trị thực của nó.
Cô đã phát hiện giá trị thật của chiếc nhẫn trong một lần tình cờ gặp thợ kim hoàn. Người này nói với cô, nó không phải là một chiếc nhẫn thông thường mà được làm bằng kim cương thật. Vì vậy sau đó, cô đưa nó đến Sotheby’s, và rất ngạc nhiên vì sự thật được khám phá.
Hiện rất ít người trên thế giới sở hữu viên kim cương có kích cỡ lớn như vậy. Ngay sau đó, chiếc nhẫn được gửi đến Viện Đá quý Hoa Kỳ để kiểm tra thêm.
Chuyên gia giám định kim cương cho biết, viên kim cương này được chế tác vào khoảng thế kỷ 19. Những viên kim cương “cổ” có độ sáng lấp lánh ít hơn những viên kim cương được mài giũa cẩn thận thời hiện đại, vì vậy mọi người thường lầm tưởng chúng là giả. Kỳ thực, dù bề ngoài không sắc sảo và lấp lánh, nhưng những viên kim cương cổ này có vẻ đẹp đặc biệt.
Một viên kim cương sau khi đã được mài giũa một cách tinh vi. (Ảnh: Steve Jurvetson)
“Phong cách nữ trang thời xưa, không chú trọng vào việc mài giũa, nên các viên đá thời đó thường không có độ sáng lấp lánh. Những nhà chế tác nữ trang cổ thường chỉ chú trọng vào trọng lượng và độ tự nhiên của viên đá hơn là mài giũa chúng trở nên sáng bóng”, Wyndham nói với tờ Business Insider.
Ngoài việc viên kim cương được chế tác vào thế kỷ 19 thì không ai biết về lịch sử ra đời của nó. Viên kim cương này tuy không phản chiếu ánh sáng lấp lánh ở vẻ bề ngoài nhưng nó tỏa sáng bởi sự huyền bí và tiềm năng bên trong. Thật hoàn hảo cho một kịch bản phim.
Tất cả điều này đến với cô chủ của chiếc nhẫn và gia đình như một món quà bất ngờ, hoàn toàn thay đổi cuộc sống của cô.
Thiện Tâm biên dịch