Tinh Hoa

Mùa đông: Giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh từ việc tiết chế phòng the

Sách Tuân sinh bát tiên của danh y Cao Khiêm (đời Minh, Trung Quốc) chỉ rõ: “Ba tháng mùa đông khí hậu giá lạnh là thời gian để bổ dưỡng ngũ tạng, con người phải bế tinh giữ thần để bảo tồn sức khỏe”. Dân gian cũng nói: chuyện phòng the nên “xuân một hè hai, thu một đông không”.

Theo cổ nhân, mùa đông tiết trời giá lạnh, công năng của các tạng phủ suy giảm, đặc biệt là tạng thận, vậy nên vào mùa đông cần phải chú ý bổ dưỡng thận tạng, hạn chế chuyện chăn gối để bảo hộ tinh khí, nếu không ở những người thể chất suy nhược rất dễ phát sinh bệnh tật, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, với những người có thể chất cường tráng tuy không sinh bệnh ngay, nhưng đến mùa xuân lại dễ phát sinh những căn bệnh tiềm ẩn. Đúng như sách Nhiếp sinh tạp thoại đã viết: “Người không biết giữ tinh khí vào mùa đông thì sẽ phát bệnh”, hay y thư kinh điển Nội kinh cũng nói: “Người biết giữ tinh khí vào mùa đông thì sang xuân không bị bệnh tật”.

Con người sống trong thế giới tự nhiên nên không thể không chịu ảnh hưởng của thế giới tự nhiên. Y học phương Đông cho rằng, “thiên nhân hợp nhất”, con người và trời đất luôn luôn tương ứng, âm dương khí huyết của con người và giới tự nhiên giữ một trạng thái cân bằng hòa hợp. Vì vậy, khi thời tiết khí hậu bên ngoài đột nhiên thay đổi hoặc có những ảnh hưởng không tốt của mặt trăng mặt trời hoặc trong thời kỳ bệnh tật hoành hành thì chuyện phòng the nên kiêng khem.

Y thư cổ đã nói: “Đại hàn đại thử, mưa to gió lớn cần kỵ chuyện phòng the”. Đặc biệt, trong mùa đông liên tục có các đợt không khí lạnh, cơ thể con người hầu hết không thể thích ứng ngay được, khí huyết âm dương mất cân bằng, vậy nên việc hạn chế chuyện phòng the để điều dưỡng bảo vệ tinh khí và thích ứng với sự thay đổi khí hậu bên ngoài là điều hết sức cần thiết.

Thêm nữa, vào mùa đông, khí hậu giá lạnh tác động vào cơ thể khiến cho sự trao đổi chất và chức năng sinh lý dễ rơi vào trạng thái ức chế, tâm trạng của con người cũng ở vào trạng thái trầm lắng. Tâm trạng không tốt, khí huyết bất an là những yếu tố khiến cho việc hạn chế và cấm kị chuyện phòng the là cần thiết. Y học phương Đông có học thuyết “Cửu khí bách bệnh”, tức là do tâm thần kinh mất điều hoà mà gây ra các trạng thái như tức giận thì khí lên, vui mừng thì khí hoãn, bi thương thì khí mất, lo sợ thì khí xuống, dễ làm tổn thương các tạng can, tâm, tỳ, vị. Lúc này, nếu sinh hoạt chăn gối sẽ dễ gây ra rối loạn khí huyết âm dương.

Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, khi giao hợp thì vai trò trực tiếp thuộc vế hai tạng tâm và thận, tạng phế có vị trí gián tiếp giúp đỡ. Phát sinh ham muốn chăn gối là do tâm hoả và thận hoả, tinh dịch sinh ra từ thận thuỷ, mà phế kim lại sinh thận thuỷ. Chuyện chăn gối quá độ có thể làm cho hoả của tim và thận thất thoát, lại thêm xuất tinh làm cho âm tinh của thận và phế bị tiêu hao.

“Người biết giữ tinh khí vào mùa đông thì sang xuân không bị bệnh tật” – Sách Nội Kinh. (Ảnh: time.com)

Mùa đông tiết trời giá lạnh, dương khí vốn đã suy kém, hai tạng tâm và phế cũng hư yếu, nếu phòng the quá độ càng dễ làm cho tinh hư thận tổn mà gây ra bệnh tật. Vì thế, vào mùa đông, việc hạn chế chuyện chăn gối là yếu tố quan trọng để tăng cường thể chất, phòng chống bệnh tật, làm chậm quá trình lão hoá. Sách Tuân sinh bát tiên có nói: “Sau Đông chí dương khí bắt đầu nảy nở, âm dương giao tinh, vạn vật khí lực còn yếu, lúc này không nên phát tiết”.

Kết quả nghiên cứu của các nhà y học phương Tây trên những con thỏ cho thấy, sau khi giao hợp, nhiễm sắc thể của thỏ nhà có sự biến đổi rõ rệt, thể hiện chức năng của thuỳ não trước bị suy giảm. Tế bào của tuyến yên có chức năng bài tiết hormon sinh trưởng, hormon môn tuyến vỏ thượng thận và tuyến giáp trạng. Các hormon này chính là yếu tố quan trọng để sản sinh năng lượng cho cơ thể trong mùa đông giá lạnh, có vai trò thiết yếu đối với hoạt động của sự sống. Vì vậy, giao hợp thái quá sẽ làm suy giảm chức năng của tuyến yên, suy giảm khả năng chống chọi với giá lạnh của cơ thể vốn dĩ đã dễ suy yếu và thúc đẩy nhanh quá trình lão hoá.

Ngoài ra, vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, nếu hạn chế sinh hoạt chăn gối thì có thể bảo trì được một nguồn năng lượng quan trọng có tác dụng bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Người xưa không chỉ coi trọng ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết đối với sinh hoạt chăn gối mà còn chỉ rõ vào những thời gian tiết khí đặc thù cũng nên tránh chuyện phòng the. Ví như, trong các sách Hoa Đà châm cứu kinh, Quảng tự kỷ yếu, Trường sinh bí quyết, Tuân sinh bát tiên… đều nói rằng: trước và sau Đông chí không nên sinh hoạt chăn gối, bởi lẽ: một là, do trước sau Đông chí thời tiết rất lạnh; hai là, do Đông chí là thời điểm giao thoa chuyển hoá âm dương của giới tự nhiên, khí của âm dương ở vào giai đoạn rối ren bất ổn, khí huyết của con người cũng dễ xảy ra những hỗn loạn tương ứng. Hơn nữa, Đông chí là lúc âm đến cực điểm, dương vừa mới sinh. Dương khí vừa mới sinh nên rất yếu ớt, cũng giống như Hạ chí, là lúc hư yếu nhất trong năm, vậy nên tránh chuyện phòng the.

Theo ĐKN