Thời gian giãn cách xã hội do dịch virus Vũ Hán (Covid-19) vừa kết thúc, ngày 22-23/4 vừa qua, lại xảy ra mưa đá tại nhiều tỉnh phía Bắc, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Đây là trận mưa đá thứ 6 xảy ra trong năm 2020 tại các tỉnh này.
Chỉ tính từ đầu tháng 3/2020 đến nay, các tỉnh phía Bắc đã hứng chịu 6 trận mưa đá làm thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân. Do những trận mưa đá xảy ra liên tiếp nhau, nhiều diện tích hoa màu vừa được gieo trồng lại bị dập nát.
Theo báo cáo sáng 24/4 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa đá, dông, lốc đã làm 5.914 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Gần 1.600 ha lúa và hoa màu bị đổ, dập nát.
Thống kê thiệt hại ban đầu, trận mưa đá ngày 22-23/4 tại các tỉnh phía Bắc:
Tại tỉnh Lai Châu, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đến cuối giờ chiều nay (24/4) mưa đá và gió lốc đã làm gần 1.700 ngôi nhà bị hư hỏng.
Trong đó, có gần 650 hecta cây trồng, lúa, rau màu bị đổ gãy, dập nát, nhiều công trình công cộng, nhà cửa, tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân bị hư hại.
Mưa lớn cũng gây sạt lở tại km 27+870, quốc lộ 279, với khối lượng ước tính gần 2.400 m3, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến trong nhiều giờ.
Huyện Phong Thổ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 700 ngôi nhà tại các xã Mù Sang, Dào San, Bản Lang, Hoang Thèn, Nậm Xe và Sin Suối Hồ bị vỡ ngói, tốc mái và đổ sập; 4 nhà lớp học, nhà công vụ, nhà bán trú học sinh bị tốc mái.
Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 20 tỷ đồng.
Mưa đá trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã làm 5 người chết, mất tích và bị thương. Các nạn nhân là, bà Hảng Thị Mái (sinh năm 1978, trú tại bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), khi đang ngủ trong lán cùng hai cháu để coi nương ở bản Sàng Cải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ thì bị nước lũ cuốn trôi, cháu bé tên Ma A Sinh mới 3 tuổi bị nước cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm thấy. Một cháu khác may mắn thoát kịp.
Một nạn nhân khác là cháu Phàn Thị Vy (sinh năm 2012, trú tại bản Lùng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) cũng bị nước suối cuốn đi. Đến 8 giờ ngày 24/4, chính quyền nhận được thông tin từ lực lượng chức năng Trung Quốc vớt được một xác người, được xác định là nạn nhân.
Ông Sùng A Nủ, bí thư Huyện ủy Phong Thổ (Lai Châu) cho biết, “Hiện cháu bé 3 tuổi vẫn mất tích. Chúng tôi đang tích cực huy động mọi lực lượng để tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra”.
Theo ông Nủ, hiện trời đang tiếp tục mưa rét, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm các nạn nhân, cũng như công tác rà soát, khắc phục thiệt hại.
Tại tỉnh Yên Bái, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái cho biết, từ đêm ngày 22/4 đến sáng ngày 23/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhiều nơi đã có mưa to đến rất to, tại một số địa phương có xuất hiện mưa đá và dông lốc
Tính đến 7h ngày 24/4, toàn tỉnh có 473 ha hoa màu, cây lâm nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng.
Thiệt hại về nhà có 792 nhà, trong đó 8 nhà bị sập hoàn toàn còn lại bị hư hỏng và tốc mái; tại huyện Trấn Yên có 2 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Ước tính thiệt hại về tài sản lên tới 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 7 người thương vong, trong đó 1 người chết và 6 người bị thương do sét đánh.
Tại Điện Biên, 1.600 ngôi nhà bị thủng, tốc mái; 220ha lúa bị thiệt hại trên 70% (thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên); hơn 70ha hoa màu (huyện Điện Biên) bị hư hại; 3 con bò bị lũ cuốn trôi, hàng trăm con gia cầm bị chết ở huyện Điện Biên Đông và huyện Điện Biên.
Ngoài ra, hàng trăm mét kênh mương, bờ kè, đập của các công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; 26 cột điện bị gãy đổ, một số công trình y tế, trường học, chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu gần 18 tỷ đồng.
Tại Hòa Bình, riêng tại huyện Kim Bôi, 141 ngôi nhà bị tốc mái, 25 công trình phụ; gần 20ha ngô, 3ha bí xanh, 3ha dưa đều bị mất trắng; 30 ha cây keo bị ảnh hưởng một phần; đổ gãy 4 cột điện, 34m tường bao và gần 4ha nhà giàn trồng hoa bị sập đổ. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện Kim Bôi ước tính gần 2 tỷ đồng.
Một người bị thương là anh Bùi Văn Luận ở xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn. Gió mạnh làm vỡ kính cửa sổ văng vào mắt của anh Luận, hiện anh đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Tại Hà Giang, thiệt hại 915 nhà ở của nhân dân, trong đó có 235 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 141 nhà bị tốc mái thiệt hại từ 70 -90%, 96 nhà bị tốc mái từ 50 – 70%, 166 nhà bị tốc mái từ 30 – 50%, 271 nhà bị tốc mái từ 10 – 30%, 6 nhà bị sạt ta luy dương tại huyện Hoàng Su Phì. Mưa lớn kèm theo gió lốc và mưa đá gây hư hỏng 18 công trình phúc lợi tại huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Mèo Vạc; hơn 560 ha diện tích hoa màu của người dân bị hư hại, 1 ha cây keo tại huyện Vị Xuyên bị gãy; làm gãy đổ 3 cột điện đường dây 0,4kV tại thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì… Ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh gần 3 tỷ đồng.
Thiên tai cũng đã làm chết 1 người, nạn nhân là chị Thèn Thị Rích, sinh năm 1971, trú tại thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì).
Tại Sơn La, 693 ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái, hư hỏng, ảnh hưởng, trong đó có 16 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái hoàn toàn; hơn 501 ha diện tích cây ăn quả, hoa màu bị thiệt hại; 48,7 ha diện tích lúa bị vùi lấp, sói lở, ảnh hưởng.
Mưa đá cũng làm 33 thuyền máy bị chìm, cuốn trôi, 10 cột điện bị đổ sập, 6 lồng cá bị hỏng, trôi cá, nhiều điểm trường bị hư hỏng nặng, trên 1200m mặt đường bị hư hỏng, sạt lở …gây tắc đường cục bộ ở một số tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, ước tính thiệt hại trên 19 tỉ đồng.
Ngoài ra, đã có 1 người tử vong do bị đá lăn đè trúng, 5 người bị thương do nhà sập đè vào và bị ngã do gió lốc.
Tại các tỉnh: Lào Cai, Thái Nguyên, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, mưa đá cũng gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Từ Thức (t/h)