Từng có một căn nhà ở ngay mặt đường Trần Hưng Đạo, gia đình khá giả, thế mà giờ đây bà Tuyết (94 tuổi) phải sống trong căn nhà tạm bợ dưới gầm cầu, vì người con trai cả nghiện ngập.
Dưới gầm cầu Him Lam bắc qua sông Ông Lớn (Ấp 4B, Xã Bình Hưng, H. Bình Chánh) có một căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Tuyết, 94 tuổi. Quê gốc ở Đồng Tháp nhưng đã sống ở Sài Gòn từ rất lâu.
Nói là căn nhà nhưng thực ra nhìn không khác gì một căn lều lụp xụp dựng tạm trên mảnh đất trống và cũng không có giấy tờ gì cả. Nơi trú ngụ của bà chưa đầy 10m2, làm bằng những vật liệu rẻ tiền, cọc gỗ dựng lên, tận dụng cả những thứ bỏ đi để chắp vá, nhìn bề ngoài rất tạm bợ, ẩm thấp, còn bên trong thì đầy ắp đồ đạc lỉnh kỉnh, chật chội.
Nhìn hoàn cảnh của bà, chắc chắn chẳng ai ngờ rằng trước kia nhà bà thuộc diện khá giả, nói trắng ra là giàu có ở đất Sài Gòn. Ngày xưa bà có một căn nhà ở ngay mặt đường Trần Hưng Đạo, vậy mà bây giờ lại trắng tay, phải sống dưới gầm cầu.
Vốn bà sinh được 4 người con, 1 người yểu mệnh đã mất. 2 người kia có công việc ổn định, cuộc sống cũng tốt. Nhưng nguyên nhân khiến bà từ một nhà có điều kiện trở nên nghèo khó cũng vì người con trai cả còn lại.
Người con này nghiện ma túy, mỗi lần nhìn con lên cơn vật vã, đau đớn thì bà lại mệt mỏi, mỗi ngày anh ta chỉ lo làm sao có tiền để cắt cơn nghiện.
Bà Tuyết đã phải bán căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo được 35 lượng vàng, số tiền đó cũng chỉ mình anh ta tiêu sạch, 2 người em thì không đụng đến một đồng.
Không còn nơi để về, bà Tuyết đành đến gầm cầu dựng nhà ở tạm, ngót nghét cũng đã 6 năm rồi. Trước đó, bà có con là dược sĩ ở khu dân cư Trung Sơn đón bà về ở chung, nhưng bà chỉ ở một thời gian thì muốn dọn ra vì cảm thấy không thoải mái.
“Tôi không về ở với con mà chỉ muốn ở đây để chờ đứa cai nghiện trở về”, bà nói.
Hiện nay, người con cả cũng đã ngoài 50 chứ không bé bỏng gì, nhưng vì nhiều năm sa đọa dính đến ma túy, thời gian ở tù có thể tính đến hơn nửa cuộc đời của anh, cứ bị bắt rồi lại ra tù liên miên. Bây giờ thì đang cai nghiện ở trung tâm với thời gian 2 năm, còn 1 năm nữa là được về rồi.
Bây giờ, bà bảo chỉ muốn ở đây để chờ đứa con ra trại cai nghiện trở về, bà còn dành cho anh một chỗ để ngủ trong căn nhà chật hẹp.
Để trang trải cuộc sống hằng ngày, sáng nào bà cũng dậy từ 6 giờ sáng, được một anh xe ôm tốt bụng chỉ lấy tiền xăng không tính tiền công chở bà ra công viên ở đường Nguyễn Chí Thanh (P.9, Q.5, TP.HCM).
Ngồi dưới gốc cây lớn sát bên đường cùng chiếc dù che nắng màu xanh cũ nát, bà bán vé số ở đây đã lâu. Ngày nào bà cũng ngồi đó cho đến khi bán hết 100 tờ vé số rồi thu dọn đồ đạc đi về, mỗi tờ lời được một ngàn đồng.
Bà cũng nói rằng mình vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có vài bệnh vặt của người lớn tuổi, bảo mình già thì già nhưng không làm gì thì buồn lắm, mỗi ngày ngồi đây bán vé số mà ngắm nhìn cuộc sống còn vui hơn, lại có đồng ra đồng vào.
Người qua đường ở đây còn hay cho bà những hộp cơm hay tô cháo, vì vậy bà cảm thấy như vậy là đủ cho tuổi già rồi.
Tuy vậy sắp tới, vì tuổi đã cao, chính quyền địa phương có vận động bà Tuyết về sống cùng các con. Trường hợp bà không đồng ý thì bắt buộc sẽ đưa bà tới trung tâm dưỡng lão.
Mạch Khê (t/h)