Anh Xiao Chaohua, người Trung Quốc, đã đi hàng chục nghìn km, qua khắp các tỉnh thành để tìm kiếm đứa con trai bị bắt cóc lúc 5 tuổi, nhưng hành trình sẽ chỉ dừng lại khi nào anh chết hoặc tìm thấy đứa con.
Cậu con trai 5 tuổi Xiaosong của anh Chaohua mất tích hồi tháng 2/2007, vài ngày trước năm mới. Vào ngày hôm cậu bé biến mất, bố con Xiao còn chở nhau ra biển, xây lâu đài cát và chơi đùa với sóng biển. Trên đường về, cậu bé ngủ gật và đánh rơi một chiếc giày. Biết chuyện, mẹ Xiaosong còn trách mắng hai bố con không cẩn thận.
Vợ chồng Xiao có một cửa hàng bán quần áo nhỏ ở khu công nghiệp thuộc Huệ Châu, thành phố ở đồng bằng Châu Giang của tỉnh Quảng Đông. Cửa hàng quá đông khách mua đồ mặc Tết nên vợ chồng Xiao không có thời gian để tranh luận chuyện mất giày của con.
Khoảng 19 giờ cùng ngày, Xiaosong xin bố tiền mua đồ ăn vặt ở cửa hàng tạp hóa góc đường. Chị gái của Xiaosong, Xiao Lu 10 tuổi, cũng đi cùng em. Đó là lần cuối cùng Xiao nhìn thấy con trai. Anh nhận ra điều bất thường khi con gái về nhà một mình. Hai chị em tách nhau ra khi Lu nói chuyện với một người bạn.
Xiao lập tức đi tìm con. Lúc đầu, anh tới hỏi cửa hàng tạp hóa, sau là quán cà phê, Internet nhưng không có kết quả. Xiao báo cảnh sát và nhân viên an ninh cho biết cậu bé có thể đã bị bắt cóc rồi được đưa tới thành phố khác. Xiao đăng tin tìm con trên truyền hình địa phương nhưng cũng không có tin tức. Từng ngày, từng tuần và từng tháng qua đi mà chưa tìm thấy con, Xiao dường như phát điên.
Năm đầu tiên, Xiao rong ruổi xe máy khắp tỉnh Quảng Đông để dán thông tin tìm trẻ lạc tại các bến xe, bến tàu, trung tâm mua sắm, và mong có bất cứ thông tin gì về Xiaosong. Cuối cùng, Xiao bán cửa hàng và mua một chiếc xe tải nhỏ., và vợ anh xin việc ở một nhà máy giày, còn con gái họ được gửi về cho người thân chăm sóc tại tỉnh Giang Tây.
Xiao bắt đầu chuyến hành trình khắp Trung Quốc. Anh đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở cao nguyên Tây Tạng đến những thành phố lớn, những ngôi làng nhỏ. Hành trình tìm con đưa người đàn ông này tới nhiều nơi anh chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Theo BBC, hàng nghìn phụ huynh Trung Quốc hàng năm cũng phải trải qua nỗi đau khổ vì mất con như Xiao. Chính phủ Trung Quốc không cung cấp con số chính xác nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có 20.000 trẻ bị bắt cóc mỗi năm, hay 400 cháu mỗi tuần.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng con số cụ thể có thể là 200.000 bé mỗi năm. Một bé trai có giá bán lên tới 16.000 USD, gấp đôi giá bé gái. Trong văn hóa Trung Quốc, con trai thường được đề cao khi họ có trách nghiệm chăm sóc bố mẹ già. Một khi bị bắt đi, những đứa trẻ thường được bán làm con nuôi. Một số bị bắt đi ăn xin nuôi các băng nhóm phạm tội. Phần lớn trẻ bị bắt cóc mất tích mãi mãi.
Buôn bán trẻ em lần đầu tiên nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng Trung Quốc cách đây 12 năm, khi cảnh sát tỉnh Quảng Tây phát hiện 28 em bé trên một xe buýt. Các em nhỏ bị cho uống thuốc để giữ yên lặng, và bị nhồi nhét trong túi nilon. Một em bé trong số này đã tử vong vì bị ngạt. Nhóm buôn người bị bắt và những người cầm đầu bị kết án tử hình.
Các nhóm buôn trẻ em hiện hoạt động tinh vi hơn để tránh bị phát hiện. Hiện giờ, họ giao dịch qua mạng. Theo Xinhua, bốn nhóm tội phạm bị cảnh sát triệt phá hồi tháng 2/2014 bán trẻ qua website và diễn đàn chat trực tuyến dưới hình thức nhận nuôi không chính thức, 1.094 người bị bắt trong chiến dịch triệt phá này và 382 trẻ được giải cứu. Tuy nhiên, trên mạng vẫn có nhiều dấu hiệu phức tạp về sự tồn tại chợ buôn bán trẻ em.
Một đoạn quảng cáo trên mạng có nội dung bán một “bé gái 8 tháng tuổi” với mức giá 32.000 USD, kèm theo dòng cảnh báo “không làm phiền nếu không nghiêm túc”. Người bán cho biết cô là một bà mẹ đơn thân có ba đứa con gái, một bé ba tuổi và cặp sinh đôi 8 tháng tuổi. Không có khả năng nuôi các con một mình nên người mẹ này muốn bán một trong hai đứa con song sinh.
“Dù rất đau khổ nhưng tôi muốn con có cuộc sống tốt hơn”, người bán trao đổi với khách hỏi mua qua chat.
Bà mẹ gửi cho khách một bức ảnh chụp cặp song sinh mặc quần áo màu xanh, đang ngồi trên giường. Cả hai có mái tóc tốt, trông bụ bẫm và đang mỉm cười. Để chứng minh đây không phải trò lừa bịp, người mẹ đồng ý cho khách xem mặt con qua camera.
Trong căn phòng tối om, đứa bé được mẹ bế đến gần camera. Giới chức được thông báo về cuộc trao đổi nhưng không có động thái nào diễn ra sau đó. Thực tế, khó có thể biết được liệu người bán đang giao dịch con đẻ của mình như lời khẳng định không hay cô ta là người buôn bán trẻ em.
Trở lại với trường hợp của Xiao. Cách đây vài tháng, Xiao tới thành phố Thừa Đức để nói chuyện về nạn buôn bán trẻ em với một nhóm học sinh. Xiao đỗ chiếc xe tải trong sân của một trường trung học địa phương. Chiếc xe dán chi chít những bức ảnh trẻ em bị bắt cóc, trong đó có tấm hình con trai anh, Xiaosong.
“Thằng bé rất đáng yêu và ngoan ngoãn. Xiaosong không giống những đứa trẻ khác hay khóc và hư đốn. Khi con xin tiền mua đồ ăn vặt, tôi chỉ đùa cháu rằng “khi nào con trả?”. Xiaosong sẽ nói, lúc nào lớn con sẽ trả bố tiền, và con sẽ mua cho bố một chiếc xe xịn, BMW hoặc Mercedes”, Xiao kể.
Xiao, hiện 39 tuổi, là người đàn ông lịch thiệp và nhã nhặn nhưng có đôi mắt vô hồn. Trong lúc nói chuyện, Xiao không quên liếc nhìn xem liệu có con mình trong nhóm học sinh đó không. Nếu không bị bắt đi thì giờ con trai anh cũng bằng tuổi những đứa trẻ này. Xiao cho học sinh xem video về nạn buôn người và hát cho chúng nghe. Bài hát của anh khiến một khán giả ngồi nghe bật khóc.
Xiao đang làm việc cho Quỹ phúc lợi cộng đồng Suishou, một tổ chức chống buôn người. Tổ chức chuyên giúp các bậc phụ huynh tìm con cái thất lạc bằng cách đăng ảnh những đứa trẻ ăn xin lên mạng.
Việc làm của họ cũng có kết quả. Một bé trai 2 tuổi bị người mua làm con nuôi trả lại vì phát hiện cậu bị hen xuyễn. Cậu bé được đưa vào trại trẻ mồ côi sau khi bị bỏ lại trên xe buýt. Nhân viên ở trại trẻ nhận ra cậu giống bé trai trong ảnh do tổ chức của Xiao cung cấp. Đứa bé cuối cùng được đưa về đoàn tụ cùng người thân.
Xiao hy vọng chế tài xử phạt những người buôn bán trẻ em phải nặng hơn. Anh tin thị trường chợ đen trẻ em sẽ tiếp tục thịnh vượng cho tới khi nào luật thay đổi.
Xiao tâm sự, anh đã đi hàng chục nghìn km nhưng hành trình sẽ chỉ dừng lại khi nào anh chết hoặc tìm thấy con trai.
“Tôi từng gặp ác mộng. Trong giấc mơ ấy, Xiaosong bảo với tôi rằng “bố, bố không muốn tìm con”. Tôi thức dậy khi trên người đầm đìa mồ hôi. Nhưng giờ, tôi lại mơ tìm thấy con và cả hai bố con đều hạnh phúc”, Xiao nói.
Theo VNE