Tinh Hoa

Góc nhìn: Một nền giáo dục bị ám ảnh, hàng loạt tán phượng tiêu tan!

Nền giáo dục Việt Nam có lẽ chưa bao giờ ‘nhạy cảm’ như thời gian gần đây. Sau những vụ bê bối thi cử, thì một vụ tai nạn bất ngờ cũng khiến nhiều nhà giáo dục bất an mà đi đến cực đoan.

Hàng loạt cây phượng bị đốn sau tai nạn ở Trường Bạch Đằng. (Ảnh: vtc.vn)

Có lẽ không ai mà không cảm thấy buồn bã khi biết rằng nạn nhân tử vong trong tai nạn phượng đổ gần đây là một bé trai mới chỉ 12, 13 tuổi thôi. Đây là một sự đáng tiếc, nhưng lại đem đến cho cả nền giáo dục một sự ‘ám ảnh’, khiến nhiều trường học đã hành động hết sức vô lý khi chặt bỏ vô tội vạ những cây phượng còn sống khỏe, sống tốt vốn có ý nghĩa sâu sắc với tất cả mọi người.

Đối với trường THCS Bạch Đằng, nơi xảy ra vụ tai nạn, người ta còn có thể hiểu được tâm lý của ban giám hiệu nhà trường khi cho đốn bỏ cây phượng còn lại.

Tuy nhiên đáng buồn là, sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở chỉ đạo các trường, phối hợp với các đơn vị quản lý môi trường đô thị để kiểm tra và cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm có thể gãy đổ thì đã gây nên một làn sóng ‘đốn hạ’ theo kiểu ‘thà giết nhầm chứ không bỏ sót’ ở rất nhiều trường đối với những cây phượng này.

Đau lòng và nuối tiếc hơn hết có lẽ không ai ngoài các em học sinh. Một ngôi trường nếu không có những tán cổ thụ, không còn sắc đỏ tươi tắn trên những tán phượng xanh rì ấy thì sẽ không còn những kỷ niệm đẹp và lưu luyến. Thử hỏi, nhìn vào những khoảng bê tông xám ngoét trải dài khắp mặt sân kia, các em có còn muốn nô đùa chạy nhảy hay không? Nếu không có một không gian thảnh thơi ấy, thì bảng trắng chữ đen kia có thể lưu lại ấn tượng với các em hay không?

Tâm lý cực đoan ấy có lẽ là sự phản ánh cho một môi trường giáo dục quan liêu. Nơi mà tất cả mọi người đều bị ám ảnh bởi thành tích, thành thử mọi thứ đều được làm theo kiểu rập khuôn, không lý trí, chỉ muốn hoàn thành xong việc, ngại bị soi mói, không dám chịu trách nhiệm,…

Mới đây thôi, trong phiên tòa xử vụ án Gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình, câu nói “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” đã trở thành một chủ đề nóng bỏng, mà bất cứ ai nghe thấy đều cảm thấy một sự trái khoáy, một sự thật trơ trẽn đến nực cười!

Đó chẳng phải cũng đến từ cái tâm lý ám ảnh bởi áp lực của thành tích đó sao? Mọi người ai cũng không dám đi cho chính con đường của mình, đều nhìn người khác vì sợ làm sai. Thấy người ta đốn cây mình cũng đốn cây, thấy người ta gian lận mình cũng phải gian lận theo. Một nhà giáo mà không thể giữ vững được lập trường của mình thì có thể dạy dỗ học sinh của mình thế nào đây?

Chuyện sân trường không còn bóng phượng có lẽ không lớn, không đau như cả nền giáo dục bị che phủ bởi cái ‘bóng thành tích’. Và hậu quả mà nó để lại có thể là đối với cả một thế hệ, chứ không phải chỉ là một đứa trẻ mà thôi. 

Từ Thức