Không giống như ông Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình trong thời gian nắm quyền mới chỉ đến thăm Triều Tiên 1 lần, ông Giang Trạch Dân lại thường xuyên qua lại với các lãnh đạo Bình Nhưỡng, tạo nên mối quan hệ bền chặt.
Ngày 5/10/2015, tờ Tân Kinh đăng bài có tiêu đề “Trong 25 năm có 17 quan chức lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Triều Tiên” trong đó đặc biệt nhắc đến việc cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân lần đầu tiên đi công du nước ngoài đã lựa chọn Triều Tiên làm điểm đến.
Bài viết cho biết, vào tháng 3/1990, ông Giang Trạch Dân đã đến thăm Triều Tiên. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Giang với cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Giang nói với ông Kim Il-sung lúc đó vẫn còn tại thế rằng, không kể thế cục quốc tế có biến đổi thế nào, ông nhất định sẽ ủng hộ Triều Tiên.
Đến tháng 9/2001, ông Giang Trạch Dân lại một lần nữa đến thăm Triều Tiên. Lúc này, được tháp tùng bởi ông Kim Jong-il, ông Giang đã đến thăm nhà kỷ niệm Kum-Su-San và “chiêm ngưỡng di dung của Kim Il-sung”.
Bài viết cũng cho biết, ông Hồ Cẩm Đào trong thời gian nắm quyền chỉ đến thăm Triều Tiên một lần vào năm 2005. Ông Tập Cận Bình khi đến thăm Triều Tiên vào năm 2008 là dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch quốc gia. Như vậy, chỉ trong thời gian cầm quyền mà đến thăm Triều Tiên những 2 lần, trong đó lần đầu là lúc ông Kim Il-sung vẫn còn tại thế. Ông Giang quả thật so với các lãnh đạo khác đã viết lại một kỷ lục “không tiền khoáng hậu“.
Ngoài việc trực tiếp gặp gỡ ông Kim Il-sung, ông Giang Trạch Dân còn để lại một ấn tượng với ông Kim Jong-il mà hai ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình không thể nào so bì được.
Đó là vào tháng 4/2004, sau khi ông Giang Trạch Dân “giao gậy chỉ huy mà không giao quân quyền” cho ông Hồ Cẩm Đào, vẫn còn giữ thân phận Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Giang Trạch Dân đã tiếp ông Kim Jong-il tại Bắc Kinh.
Một ngày sau đó, truyền thông đăng một bài với tiêu đề “Thất lễ trong lễ nghi ngoại giao”, trong đó đăng một bức ảnh ông Giang Trạch Dân và ông Kim Jong-il “kề cổ bá vai, ôm nhau môi gần chạm môi”.
Theo truyền thông, năm 2005, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Triều Tiên, ông Kim Jong-il cũng ôm nhưng mà không thân mật đến mức như đối với ông Giang Trạch Dân. Đến lúc ông Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng vào năm 2008 thì thậm chí còn không thấy ông Kim Jong-il ôm, làm báo chí phải bàn luận “là chủ không nồng nhiệt hay là do khách cự tuyệt”.
Theo tuần báo “Văn Hối Độc Thư” số tháng 8/2006 trong bài viết “Ký sự Giang Trạch Dân thăm nước ngoài” tiết lộ, vào năm 1990, khi ông Giang Trạch Dân lần đầu tiên đến thăm Triều Tiên, cả hai cha con ông Kim Il-sung và ông Kim Jong-il đều ra đón tiếp. Ông Kim Il-sung còn đưa ra chỉ thị “trong đảng phải ra văn kiện, nhà nhà đều phải biết”. Chỉ nhìn vào vài chi tiết trong việc chiêu đãi như vậy cũng đủ thấy là ông Giang Trạch Dân và cha con ông Kim Il-sung có mối quan hệ vô cùng “vững chắc“.
>>> Tại sao Tập Cận Bình luôn cự tuyệt không gặp mặt Kim Jong-un
Ngày 8/10/2010, chính quyền Triều Tiên lần đầu tiên công khai thừa nhận ông Kim Jong-un sẽ là người lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Triều Tiên, cùng ngày truyền thông mới chứng thực ông Kim Jong-un là con trai của ông Kim Jong-il, là cháu của ông Kim Il-sung.
Ngay ngày hôm sau, ngày 9/10/2010, Chu Vĩnh Khang sang thăm Triều Tiên. Đến ngày 23/10 đến lượt Quách Bá Hùng sang thăm Triều Tiên. Mọi người đều biết rằng Chu Vĩnh Khang và Quách Bá Hùng đều là tâm phúc của ông Giang Trạch Dân.
Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm chính quyền, ở Triều Tiên đã thể hiện rõ việc sùng bái ông Kim Il-sung và tìm cách nối lại mối quan hệ với ông Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, lúc này ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng lên nắm quyền và thực hiện chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng mà ông Giang Trạch Dân và phe cánh của ông là mục tiêu chính.
Giới quan sát cho rằng việc ba thế hệ chính quyền họ Kim có mối quan hệ thân thiết với ông Giang Trạch Dân là một phần lý do của việc ông Tập Cận Bình vẫn giữ thái độ khá lạnh nhạt đối với ông Kim Jong-un.
Theo Trithucvn