Uỷ ban Tài chính – Ngân sách trong phiên họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 20/10 cho hay nợ công Việt Nam đã chạm trần, trong khi con số này lên tới gần 84,32 tỷ USD theo tính toán của The Economist hôm 1/10.
Theo đó, với dân số khoảng 90,96 triệu, mỗi công dân Việt đang “cõng” 930,43 USD. Không dừng ở đó, The Economist còn chỉ rõ, nợ công của Việt Nam chiếm tới 47,3% GDP, và chỉ sau 1 năm, tổng nợ công trên đầu người đã tăng thêm 83,77 USD (gần 1,8 triệu đồng) tương đương gần 10%/ năm.
Còn trong báo cáo của Chính phủ, nợ công năm 2015 ước đạt 64,5% GDP, dưới trần nợ công mà QH cho phép là 65%GPD.
Đánh giá về vấn đề nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu cộng với 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã là 7% GDP, có nghĩa không hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm đã được Quốc hội quyết định (4,5% GDP).
Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013 thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD. Do đó, mức nợ công hiện nay bằng một nửa tổng thu nhập cả năm của một người dân.
Trước tình hình trên, sẽ rất khó để đáp ứng một số đề nghị về lộ trình tăng lương đảm bảo đời sống cho người về hưu và cán bộ công chức có thu nhập thấp do điều kiện ngân sách còn quá khó khăn, ông Hiển cho hay.
Một số chuyên gia nhận định, để giải quyết vấn đề, Chính phủ cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lạm phát. Đồng thời, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó không bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi cho khởi công, khánh thành các công trình.
Thiên Hà – Theo Dân Trí