Truyền thông không đưa tin, sự im lặng của thể chế, sự tự kiểm duyệt và mối lo sợ về việc Bắc Kinh trừng phạt là một trong những lý do khiến nhiều người, trong đó có cả những người trong ngành y tế, không hay biết gì về các hoạt động sát hại người vô tội để lấy nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc.
Những lý do đó đã được trình bày tại một cuộc thảo luận bàn tròn hôm 09/06, trong một sự kiện trực tuyến có tiêu đề “Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức từ Người sống – Quá khứ, Hiện tại, Tương lai.” Được đài EpochTV và NTD phát sóng, hội nghị bàn tròn này được một nhóm vận động các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) có trụ sở tại Hoa Kỳ tổ chức.
Ông G. Weldon Gilcrease, phó giáo sư y khoa tại Đại học Utah kiêm phó giám đốc của DAFOH cho biết tại hội nghị bàn tròn: “Theo kinh nghiệm của tôi, chưa đến 10% trong toàn bộ cộng đồng y tế thực sự biết được thu hoạch nội tạng cưỡng bức là gì. Và thậm chí còn ít hơn thế, trên thực tế, chỉ một phần nhỏ trong số đó có bất kỳ sự hiểu biết nào về sự tồn tại của một tòa án hoặc khối dữ liệu lớn về vấn đề đó.”
Chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ cung cấp cho thị trường ghép tạng trong hơn một thập niên qua. Vào năm 2019, một ban hội thẩm độc lập, còn được gọi là Tòa án về Trung Quốc nhận thấy rằng hoạt động này đang diễn ra “trên quy mô đáng kể” ở Trung Quốc. Tòa án này kết luận rằng những hành động như vậy là tội ác chống lại loài người, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính.
Ông Martin Elliott, một thành viên của Tòa án về Trung Quốc kiêm giáo sư phẫu thuật lồng ngực tại Đại học College London nói rằng, việc xem xét các bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng khiến ông ấy cảm thấy “kinh hoàng.”
Ông nói: “Chúng tôi gần như không muốn tin vào điều đó và tiếp cận một cách rất thận trọng đối với bằng chứng này, một tài liệu vô cùng quan trọng, được thu thập bởi những người rất dũng cảm trong một thời gian dài.” “Nhưng cuối cùng, sự chênh lệch giữa số lượng những người hiến tạng không chính thức với số lượng các ca cấy ghép, cùng với thời gian chờ đợi ngắn, các giao dịch tài chính bị phơi bày qua các cuộc điện đàm, đã khiến chúng tôi không thể kết luận điều gì khác ngoài việc điều này thực sự đang diễn ra.”
Ông Gilcrease kể về cách mà trường đại học nơi ông làm việc từ chối đề nghị của ông về việc tổ chức một cuộc trò chuyện với cộng đồng cấy ghép cũng như cộng đồng luật pháp địa phương về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau khi Tòa án về Trung Quốc công bố kết quả của họ.
“Vì vậy, khi tôi đến gặp một trong các quan chức lãnh đạo cao cấp của chúng tôi và nói rằng, ‘hãy nhìn xem, ít nhất là chúng ta cần ngồi xuống và bàn về vấn đề này, và về khả năng đồng lõa của chúng ta… trong việc đào tạo những người đến đây từ Trung Quốc, để học cách ghép tạng, sau đó quay trở lại Trung Quốc và dính líu đến các tội ác chống lại loài người [mà điều đó] có khả năng là các hành vi diệt chủng từ việc sát hại người vô tội để lấy nội tạng,” ông Gilcrease cho biết.
Ông tiếp tục: “Về căn bản, tôi đã được thông báo rằng không còn nghi ngờ gì nữa, rằng điều đó [nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức] đang diễn ra. Nhưng có một lo ngại là nếu chúng tôi nói ra bất cứ điều gì với tư cách là một trung tâm y tế, thì Trung Quốc sẽ gửi tất cả sinh viên của họ đến Texas [thay vì Utah]. Đó là phản hồi mà tôi đã nhận được.”
“Do đó, tôi nghĩ rằng thực sự có sự lo sợ về hành động trả đũa kinh tế. Tôi nghĩ rằng có sự lo sợ về hành động trả đũa về mặt chuyên môn,” ông Gilcrease kết luận.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý về chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990 với ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu học viên, nhưng điều này được xem là một mối đe dọa đối với sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Năm 1999, các học viên trở thành mục tiêu của một chiến dịch bức hại trên toàn quốc do cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động. Ông này đã thành lập một văn phòng tương tự Gestapo, được gọi là “Phòng 610” để thực hiện chiến dịch thanh trừng của mình.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ về căn bản đã trở thành một ngân hàng nội tạng lớn không tự nguyện [hiến tặng] cho ngành công nghiệp ghép tạng của chính quyền Trung Quốc. Nguồn cung nội tạng đã biến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng vì các bệnh viện Trung Quốc thường đưa ra thời gian chờ đợi ngắn để thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân, nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển có thiết lập hệ thống hiến tạng.
ông David Beyda, chủ tịch kiêm giáo sư đạo đức sinh học và chủ nghĩa nhân văn y tế tại Đại học Arizona cho biết trong [cuộc họp] bàn tròn cho biết:“Những điều tôi đã chứng kiến trong cộng đồng của chúng tôi là các cá nhân đã tự kiểm duyệt khi tham gia vào cuộc thảo luận [về thu hoạch nội tạng cưỡng bức] này” .“Đôi khi điều đó [sự kiểm duyệt] là ở cấp độ thể chế.”
Ông Beyda cảnh báo rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc này, nhưng cũng có các vấn đề về sự đồng lõa với tội ác của chế độ đó. Ông giải thích: “Quý vị càng tự kiểm duyệt cá nhân mình, thì quý vị càng trở nên đồng lõa.”
“Vì vậy, ở cả hai phía, chúng ta đều có một người nhận nội tạng, người này cũng có lỗi và đồng lõa trong vụ sát hại người [vô tội], tương tự như các bác sĩ phẫu thuật đang làm việc này.”
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Ghép tạng của Mỹ kết luận rằng, các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc và các nhân viên y tế khác đã làm việc như những “đao phủ” cho ĐCSTQ. Nghiên cứu này ghi chép lại các ca [ghép tạng] từ 71 ấn phẩm khoa học bằng tiếng Trung, cho thấy hoạt động mua bán nội tạng diễn ra trước khi bệnh nhân được tuyên bố là chết não.
Theo ông Jacob Lavee, người sáng lập Đơn vị Cấy ghép Tim tại Trung tâm Tim mạch Leviev ở Israel và là giáo sư phẫu thuật danh dự tại Đại học Tel Aviv, một số chuyên gia y tế không thể tin rằng những người đồng cấp Trung Quốc của họ sẽ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông Lavee bày tỏ: “Sau tất cả các bằng chứng được Tòa án về Trung Quốc thu thập được, và sau hàng trăm bài báo được công bố về nó, các đồng nghiệp của chúng tôi vẫn rất khó để tin rằng các đồng nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc lại tham gia vào những hành động tàn bạo này.”
Ông Alejandro Centurion, một nhà thần kinh học và một thành viên DAFOH, đã kêu gọi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) cần có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề này.
Theo ông Centurion, hiệp hội AMA đã không đưa ra một “tuyên bố chính thức” về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc ngoài một “tuyên bố sơ sài” vào năm ngoái (2021) và hiệp hội này “rất hời hợt” khi không đề cập đến Tòa án về Trung Quốc.
Ông Centurion nói:“Vì vậy, chúng ta cần thấy sự lãnh đạo từ hiệp hội AMA. Tôi thực sự sẽ thúc giục họ làm như vậy”, đồng thời ông cho biết thêm rằng thật đáng khích lệ khi thấy Hiệp hội Y khoa Anh và Canada đưa ra lập trường lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông Torsten Trey, giám đốc điều hành của DAFOH, đã kêu gọi nhiều người hơn lên tiếng phản đối sự tàn bạo này.
Ông Trey nói: “Việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống không thể được chấp nhận trong cộng đồng toàn cầu ngày nay dưới bất cứ hình thức hay lý do nào, và mọi bác sĩ cũng như mọi cá nhân đều phải đưa ra quyết định.”
“Liệu bản thân tôi có muốn sống trong một thế giới mà chính phủ có thể tùy tiện sát hại người vô tội để lấy nội tạng hay tôi cần lên tiếng ngay bây giờ?”
“Tôi cho rằng đã đến lúc phá vỡ sự im lặng.”
Theo Epoch Times Tiếng Việt