Có phần hơi khó tin, nhưng sự thật là, ở thế kỷ 21 này vẫn có những nơi giống như trại hành quyết của Đức Quốc xã – dùng để xử tử người dân một cách có hệ thống. Đó là các bệnh viện và hệ thống nhà tù Trung Quốc. Mức độ phi nhân tính còn được đẩy lên đỉnh điểm khi cái chết của họ mang đến lợi nhuận khổng lồ cho hệ thống.
***
Nếu bạn từng ghép tạng ở Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ qua, thì rất có thể tạng ấy được thu hoạch từ một tù nhân bị xử tử hoặc thậm chí của những người dân lương thiện vô tội. Vì thiếu hụt nguồn cung nội tạng nên cánh cửa cho việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp và mổ cướp nội tạng đã được mở toang. Rất nhiều tù nhân bị cướp tạng không phạm tội giết người hoặc buôn ma túy, mà họ là những tù nhân lương tâm bị bắt giữ vì bất đồng chính kiến hay vì kiên định với đức tin của mình như các học viên Pháp Luân Công, các Kitô hữu, tín đồ Phật giáo Tây Tạng, ngừi Duy Ngô Nhĩ,…
Nhân chứng trong hệ thống mổ cướp nội tạng lên tiếng
Bác sĩ y khoa Vương Ngọc Tề (Wang Guoqi) từng phục vụ cho Quân đội Trung Quốc tại một nhà tù ở tỉnh Hà Bắc. Vào tháng 10/1995, ông đã chứng kiến những vụ hành quyết ghê rợn khiến ông bị ám ảnh cả đời. Khi phạm nhân vẫn còn thở thoi thóp, các bác sĩ được đưa đến thu hoạch nội tạng của anh ta để mang đi cấy ghép.
“Công việc của tôi là lấy da và giác mạc từ cơ thể của hơn một trăm tù nhân bị xử tử, và thỉnh thoảng nạn nhân cố ý vùng vẫy để không bị mổ”, Vương Ngọc Tề trình bày với Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 6/2001.
Hơn hai thập kỷ qua, đã có những người rời khỏi Trung Quốc, đến thế giới tự do để tiết lộ thông tin về bí mật đen tối này. Họ đã đứng lên làm nhân chứng cho những vụ việc kinh hoàng tương tự.
Luật sư David Kilgour là đồng tác giả của báo cáo Kilgour-Matas – bản báo cáo kết quả điều tra độc lập về cáo buộc cưỡng bức mổ nội tạng ở Trung Quốc. Ông đã trò chuyện và lấy thông tin từ Anne (bí danh). Cô là vợ cũ của một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc – người đã lấy 2.000 giác mạc của các tù nhân Pháp Luân Công.
Cô Anne nhớ lại: “Thông thường các học viên Pháp Luân Công sẽ bị tiêm một mũi thuốc gây suy tim. Lúc đó, họ bị đưa vào phòng phẫu thuật để lấy nội tạng. Nhìn bề ngoài, tim của họ đã ngừng đập do bị tiêm thuốc nhưng não vẫn hoạt động. Sau đó họ bị đưa đến các phòng phẫu thuật khác để lấy tim, gan, thận… Sau khi nội tạng và da bị lấy đi, thi thể chỉ còn lại xương và thịt. Cuối cùng những cái xác sẽ bị ném vào lò thiêu của bệnh viện”.
Hệ thống thu hoạch nội tạng đẫm máu
Hệ thống thu hoạch nội tạng này vẫn còn bị che phủ dưới tấm màn bí mật nên hầu như không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh được quy mô của tệ nạn này. Hiện tại vẫn chưa rõ vấn đề thu hoạch nội tạng lan rộng đến đâu.
Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận thu hoạch nội tạng từ các tù nhân giai đoạn những năm từ 1990 đến 2000. Tuy nhiên, họ khẳng định tình trạng này đã kết thúc vào năm 2015. Chính quyền Trung Quốc hiện cho biết họ đã chuyển sang chương trình ghép tạng hoàn toàn hợp pháp chỉ sử dụng tạng từ người hiến tặng tự nguyện.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng số liệu thống kê mang lại cho chúng ta một đáp án khác, và thực tế việc thu hoạch nội tạng vẫn còn đang tiếp diễn.
Video: Bác sỹ Trung Quốc kể lại chuyện mổ cướp nội tạng
Từ năm 2000, Trung Quốc đã nhanh chóng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng về số lượng ca phẫu thuật với hơn 1 triệu ca ghép. Nhưng số lượng tạng được tình nguyện hiến tặng ở nước này vẫn còn tương đối ít. Theo văn hóa của quốc gia này, người Trung Quốc muốn được “toàn thây” sau khi chết, nên thường thì họ không thích hiến tạng. Vậy nguồn nội tạng đến từ đâu?
Ông Sarah Cook, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp cho Đông Á tại Freedom House, nói với tạp chí IFL Science rằng: “Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ thực hiện khoảng 10.000 ca cấy ghép mỗi năm nhưng điều đó có vẻ rất không thực tế khi chúng ta nhìn vào các yếu tố như công suất giường bệnh của bệnh viện và lượng nội tạng họ đưa vào cấy ghép. Đó là con số có thể tính được ở một vài bệnh viện, và trong thực tế, có hơn 200 bệnh viện thực hiện cấy ghép”.
“Khi xem xét các báo cáo ở địa phương và các bệnh viện đặc biệt cho thấy họ đã thực hiện bao nhiêu ca cấy ghép, chúng ta sẽ ước tính được con số trong khoảng 60.000 đến 100.000 ca”.
Học viên Pháp Luân Công – đối tượng chủ yếu bị khai thác
Học viên Pháp Luân Công đã liên tục trở thành đối tượng chủ yếu bị khai thác nội tạng, cùng với những nhóm người bị đàn áp khác như dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Phật tử Tây Tạng.
Có hơn 70 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ đại diện cho cộng đồng tín ngưỡng lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Phật giáo.
Về cơ bản, Pháp Luân Công dạy cho các học viên tọa thiền và các bài công pháp để họ tự tu luyện. Họ lấy việc hành động hoàn toàn ôn hòa và phi bạo lực là kim chỉ nam, tuy nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đẩy Pháp Luân Công về phía đối lập. Và vì vậy, họ phải chịu giám sát, giam cầm, tra tấn và xử tử trên diện rộng mà không cần xét xử.
Ngoài ra, việc các học viên Pháp Luân Công có một cơ thể cực kỳ khỏe mạnh còn một điều khá hữu ích cho chính phủ Trung Quốc.
Ông Cook nói: “Họ là nhóm người bị phỉ báng và ai cũng biết rằng họ có sức khỏe rất tốt. Ngay cả chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận điều đó”.
“Họ không hút thuốc, không uống rượu, và họ luyện tập khá nhiều. Có sẵn một quần thể tù nhân vốn bị phỉ báng lại có sức khỏe tốt, nên đó là cơ hội lớn cho chính phủ Trung Quốc”.
Bị ĐCSTQ liệt vào “phần tử nguy hiểm”, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị kiểm tra sức khỏe một cách có hệ thống. Đặc biệt, họ bị xét nghiệm máu khi đang bị giam giữ. Điều này cho thấy chính quyền đã dùng cách này để thăm dò sức khỏe và nhóm máu của họ để phục vụ cho cấy ghép.
Trên en.minghui.org – trang web của Pháp Luân Công, một học viên tên là Chen Ying đã kể lại những ký ức kinh hoàng về những lần bị tống vào các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc:
“Tôi đã bị giam giữ bất hợp pháp 3 lần và mỗi lần đều bị bắt phải nộp kết quả kiểm tra sức khỏe. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi phải hoàn tất quy trình khám sức khỏe. Câu trả lời của canh ngục là: ‘Đó là kiểm tra thường quy’. Cách họ tiến hành thăm khám khiến tôi cảm thấy họ làm vậy không phải vì quan tâm đến sức khỏe của tôi, mà thực chất là thông qua kết quả khám, họ muốn có được thông tin quan trọng nào đó”.
Giết người – Ghép tạng theo yêu cầu
Việc nhận được tạng ghép một cách nhanh chóng cũng cho thấy rằng có tồn tại hệ thống ghép tạng theo yêu cầu. Nếu bạn không đến Trung Quốc, để có một nội tạng được hiến, bạn phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm. Vì các mô hoặc nội tạng sau khi lấy ra khỏi cơ thể chỉ có thể tồn tại trong vài giờ, nên những người nhận nội tạng sẽ phải chờ bệnh viện gọi cho họ mỗi khi có người tình nguyện hiến tạng vừa mới qua đời.
Tuy nhiên ở Trung Quốc, thật dễ để có tạng mà ghép, chỉ cần bạn có tiền! Đôi khi chỉ mất vài tuần, có khi vài ngày. Thậm chí người ta có thể “đặt” đơn hàng cấy ghép trong vòng một vài tuần. Điều này cho thấy rõ ràng là có hẳn một hệ thống sẵn sàng hành quyết theo yêu cầu để bệnh nhân nhanh chóng nhận được nội tạng “tươi”.
Năm 2017, Công ty Phát thanh truyền hình Chosun Hàn Quốc đã cho phát hành một bộ phim tài liệu chấn động. Phim tài liệu này điều tra về tin đồn rằng dưới các tầng hầm của một số bệnh viện ở Trung Quốc có trung tâm bí mật giam giữ các tù nhân trước khi mổ lấy nội tạng. Mặc dù bộ phim không thể chứng minh chắc chắn sự hiện diện của các tầng hầm bí mật này, những thật bất ngờ, người ta lại khám phá ra một sự thật động trời khác: Nhiều bệnh viện Trung Quốc được cấp phép sử dụng một sáng chế có tên “máy làm chết não” (máy kích thích não tổn thương nguyên phát – Primary brain stem injury). Đó là cỗ máy phi nhân tính, có khả năng khiến con người chết não nhưng vẫn duy trì nội tạng “sống”.
Ngành du lịch ghép tạng của Trung Quốc
Nội tạng người vốn là sản phẩm kinh doanh béo bở. Theo báo cáo Kilgour -Matas, giá của các cơ quan nội tạng người trong năm 2006 được điều tra như sau:
Thận: 62.000 USD
Gan: 98.000 – 130.000 USD
Phổi: 170.000 USD
Tim: 160.000 USD
Giác mạc: 30.000 USD
Lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn, nguồn cung “tươi sống” và dồi dào, thời gian chờ đợi ngắn và có sự phối hợp của các bệnh viện, vì thế ngành du lịch ghép tạng cưỡng bức ở Trung Quốc đã thu hút các doanh nghiệp quốc tế đến hợp tác. Quy mô ngành này vẫn còn mơ hồ vì nó hoạt động theo kiểu thị trường chợ đen. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo động rằng, hệ thống ghép tạng của Trung Quốc đang đang phục vụ cho nhu cầu của các công dân ở các quốc gia khác. Du lịch ghép tạng đặc biệt phổ biến ở các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, xa hơn là Trung Đông, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Hệ thống “tạng tươi đổi tiền tươi” vẫn đang vận hành?
Kể từ khi Trung Quốc tiết lộ bí mật về hệ thống cấy ghép vào những năm 2000, quốc gia này ngày càng bị thế giới lên án. Đáp trả lại, Trung Quốc tuyên bố họ đã cải cách và không còn sử dụng nội tạng của các tù nhân bị xử tử kể từ năm 2015.
Sự thật có giống với những gì ĐCSTQ tuyên bố hay không?
Giữa tháng 6 năm nay, sau hơn 1 thập kỷ thế giới lên án tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, cuối cùng thì đã có một tòa án độc lập lên tiếng chống lại tội ác chống lại loài người này. Tòa án Độc lập Điều tra về Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức từ Tù nhân Lương tâm tại Trung Quốc được tổ chức tại London đã đưa ra phán quyết rằng: “Tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng đã được tiến hành trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm qua trên quy mô đáng kể”.
Và rằng: “Tòa án không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các cơ sở hạ tầng chủ chốt liên quan đến ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc đã bị dỡ bỏ và không có lời giải thích thỏa đáng nào về nguồn cung cấp nội tạng sẵn có. Tòa kết luận việc mổ cướp nội tạng cưỡng bức vẫn còn tiếp diễn cho đến hôm nay”.
Thiên Hoa (Theo IFL Science)