“Sắc đẹp với mục đích cao cả” là tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Tuy nhiên, nếu mục đích của một thí sinh nào đó tham dự cuộc thi là lên tiếng cho những con người đang bị đàn áp bức hại nghiêm trọng tại Trung Quốc thì sẽ như thế nào?
2 năm trước, cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã tuyên bố cắt bỏ phần thi áo tắm sau 63 năm gắn bó. Vào thời điểm đó, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu thế giới, Julia Morley, đã giải thích quyết định phản ánh sự tôn trọng của ban tổ chức cuộc thi dành cho tâm hồn của các thí sinh.
“Tôi thấy mình không cần phải nhìn những cô gái sải bước trong bộ bikini. Điều đó không có ý nghĩa gì với họ cả. Và cũng không có tác dụng gì với chúng ta”, Morley trả lời phỏng vấn Elle. “Tôi không quan tâm việc một thí sinh sở hữu phần hông lớn hơn 1 – 2 cm so với thí sinh khác. Chúng ta thực sự đâu cần xem xét phần hông của họ. Chúng ta chỉ muốn nghe những gì họ nói” – bà tiếp tục.
Lời nói thật đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.
Chỉ cần hỏi Anatasia Lin
Dưới đây là bài viết của biên tập viên Jeff Jacoby của Thời báo Boston Globe thuật lại cuộc phỏng vấn ngắn ngủi giữa anh và Hoa hậu Anatasia Lin tại Washington.
*****
10 ngày trước tôi đã có 1 bài viết về Lin, nữ diễn viên người Canada gốc Hoa, đương kim Hoa hậu Thế giới Canada. Hai năm liên tiếp, Lin là đại diện của Canada tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới – nền tảng cho mục đích của cô là nâng cao nhận thức toàn cầu về cuộc đàn áp thảm khốc các tù nhân lương tâm đang diễn ra tại Trung Quốc.
Lin, sinh ra tại Hồ Nam Trung Quốc, lớn lên trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng Cộng sản và giáo lý của Đảng. Là một thủ lĩnh học sinh ở trường, cô tham gia vào việc tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công – một môn tu luyện thiền định cổ xưa, dạy con người đề cao tâm tính chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Tuy nhiên, chỉ sau khi di cư đến Canada, cô mới phát hiện ra sự thật rằng: Các học viên Pháp Luân Công không phải là “tà giáo” như cách Đảng tuyên truyền: mà họ chính là những nạn nhân của một chế độ nguy hiểm; họ đã và đang bị tra tấn, bị giết hại, bị cưỡng bức mổ cướp sống nội tạng đáp ứng cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng và các mục tiêu chính trị tại Trung Quốc.
Qua thời gian, cô trở nên mạnh mẽ hơn và thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Cô đóng các vai chính trong nhiều bộ phim nêu bật về nhân quyền, và gần đây nhất là bộ phim của đạo diễn Leon Lee “The Bleeding Edge” (Lưỡi dao rỉ máu) đã giành được nhiều giải thưởng. Cô quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới để mang những thông điệp của mình tới những vùng đất khác nhau.
Chính phủ Trung Quốc cấm Lin tham gia Chung kết Hoa hậu Thế giới, được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sanya, đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực kiểm soát Lin của chính phủ Trung Quốc đã gây ra tác dụng ngược đầy ngoạn mục. Các phương tiện truyền thông bị hút vào câu chuyện của cô Hoa hậu người Canada kể về các tù nhân lương tâm đang bị bức hại nghiêm trọng tại Trung Quốc. Cô có thêm cơ hội để nói về vấn đề nhân quyền tại nhiều hội nghị và diễn đàn như Liên minh Oxford, Câu lạc bộ báo chí Quốc gia Washington và Diễn đàn tự do Oslo.
Tuy nhiên, mục tiêu của cô vẫn là sân khấu cuộc thi Hoa hậu Thế giới, nơi có hàng tỷ khán giả truyền hình quốc tế. Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Washington vào ngày 18/12, khi ấy Lin sẽ được tự do lên tiếng về cuộc đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ban tổ chức cuộc thi đã xuất hiện và yêu cầu cô không được nói về bất kể vấn đề gì phản đối chính phủ Trung Quốc.
Tôi gọi cho Lin ở Toronto cách đây 1 tháng, và đề nghị phỏng vấn cô ấy tại Washington trong thời gian 3 tuần nghỉ ngơi của các thí sinh ở đó. Cô ấy sẵn sàng đồng ý, nhưng yêu cầu sắp xếp thời gian phỏng vấn của tôi gửi tới ban tổ chức liên tục bị từ chối. Morley có thể tuyên bố rằng “chúng ta chỉ muốn nghe những gì họ nói”. Tuy nhiên, họ lại đang cố gắng ngăn chặn bất kể tiếng nói nào từ Lin.
Tôi đã đến Washington bằng mọi cách và cố gắng tiếp cận Lin trong tiền sảnh của khách sạn nơi cô ấy ở. Cô ấy đồng ý nói chuyện trong một vài phút, nhưng với điều kiện là chúng tôi ngồi ở tiền sảnh và không giấu diếm bất kỳ ai.
Cô không thể tưởng tượng được ban tổ chức đang cố gắng ngăn chặn mục đích của cô khi tham gia cuộc thi Hoa hậu: lên tiếng cho tự do và lòng tự trọng của các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. “Tôi không quan tâm đến những thứ này – tóc, trang phục”, cô nói. “Tôi chỉ đang cố đợi đến giây phút được lên tiếng cho những con người không thể lên tiếng”.
Một lúc sau, Lin im lặng. Một nhân viên của ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới nhìn thấy chúng tôi nói chuyện, và yêu cầu một lời giải thích. Tôi đang định trả lời thì Lin đã nhanh chóng nói không chút mảy may: “Đây là một biên tập viên đến từ Thời báo Boston Globe để nói chuyện với tôi”. Người nhân viên ngay lập tức gọi thêm người. Chẳng mấy chốc đã có 3 người, 2 trong số họ giận dữ nói rằng cô ấy đã không tuân thủ nội quy cuộc thi, người còn lại giữ tôi và nói cuộc phỏng vấn sẽ được sắp xếp vào ngày mai. Tất nhiên là không rồi.
Đây là năm thứ 2, Lin đại diện cho đất nước mình tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Kể từ năm 2003, cuộc thi đã được tổ chức tại Sanya 6 lần. Cuộc thi đã thu về hàng triệu USD phí cấp phép từ chính quyền Trung Quốc, đồng thời gặt hái nhiều khoản lợi nhuận từ các hợp đồng quảng cáo. Theo trang web của cuộc thi, “Nhà tài trợ và đối tác” năm 2016 của cuộc thi là các chi nhánh của một công ty Trung Quốc.
“Tài chính của cuộc thi Hoa hậu Thế giới luôn luôn có cái gì đó bí ẩn”, Richard Macauley và Heather Timmons nói trên Quartz hồi năm ngoái. Đây không phải là bí ẩn gì bởi vì kinh phí tổ chức cuộc thi đến từ Trung Quốc. “Sắc đẹp với mục đích cao cả” là một sứ mệnh. Tuy nhiên, nó đang cố tình loại bỏ một thí sinh có mâu thuẫn với Bắc Kinh, ngay cả khi cô ấy đang ở trong một khách sạn tại Washington, DC.
Theo Boston Globe