Tinh Hoa

Miền Đông Ukraine: Vũ khí hạng nặng vẫn chưa rút

(PL) – Lo ngại thỏa thuận hòa bình đổ vỡ, Mỹ và châu Âu tăng cường cảnh báo Nga.

Ngày 23-2, quân đội chính phủ Ukraine thông báo chờ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine ngừng bắn hoàn toàn thì mới có thể rút vũ khí hạng nặng theo tinh thần thỏa thuận hòa bình Minsk 2 ký kết hôm 12-2 ở Minsk (Belarus).

Quân đội chính phủ Ukraine di chuyển pháo tự hành tại Artemivsk (vùng Donetsk) ngày 21-2. Ảnh: REUTERS

Hôm trước đó, hai bên quân đội chính phủ và lực lượng ly khai đã cùng thông báo bắt đầu rút vũ khí hạng nặng nhưng không nêu rõ thời gian và địa điểm.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu tăng cường cảnh báo Nga bởi tình hình miền Đông Ukraine vẫn ngun ngún lửa có nguy cơ thiêu rụi thỏa thuận hòa bình Minsk 2. Từ một tuần nay, quân đội chính phủ và lực lượng ly khai liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm ngừng bắn.

Reuters đưa tin hôm 22-2, quân đội chính phủ khăng khăng cho rằng lực lượng ly khai đang tập trung quân đánh Mariupol sau khi đã chiếm cứ điểm chiến lược Debaltseve hôm 18-2.

Mariupol là thành phố lớn cuối cùng ở miền Đông Ukraine còn thuộc quyền kiểm soát của quân đội chính phủ. Đây là thành phố chiến lược nằm ở phía nam giới tuyến.

Nếu chiếm được Mariupol, lực lượng ly khai sẽ lập một đầu cầu trên bộ nối liền với bán đảo Crimea (đã sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014).

AFP đưa tin trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã trả lời báo Bild (Đức) rằng hành động của lực lượng ly khai ở Mariupol đã vi phạm trắng trợn thỏa thuận hòa bình Minsk 2.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (người Ba Lan) thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải mở rộng các biện pháp cấm vận mới về kinh tế đối với Nga.

Ông cho biết EU có thể triển khai cảnh sát để duy trì hòa bình ở miền Đông Ukraine như Ukraine yêu cầu.

Quốc vụ khanh Pháp Harlem Désir khẳng định: “Nếu thỏa thuận Minsk không được tôn trọng,… EU sẽ phải duy trì cấm vận và có thể sẽ tăng nặng thêm”.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo do động thái của Nga trong mấy ngày qua, Mỹ và Anh đã nhất trí sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt rất nặng đối với kinh tế Nga.

Trong khi đó, báo Sunday Times (Anh) nhận định trong xung đột ở miền Đông Ukraine, quân đội chính phủ bị thiệt hại nặng nề là do chỉ huy kém, tình trạng vô kỷ luật và năng lực chiến đấu kém.

Hơn 50% số thiệt mạng về người trong hàng ngũ quân đội chính phủ là do trang bị kém và bắn nhầm vào nhau.

Báo dẫn nguồn từ một cố vấn quân sự Anh là người gốc Ukraine đã từng huấn luyện cho vệ binh Ukraine từ tháng 5-2014 đến tháng 1-2015 cho biết quân đội Ukraine chủ yếu là quân tình nguyện và tân binh.

Có khoảng 30 tiểu đoàn quân tình nguyện và một số đơn vị quân thường trực nhưng mỗi đơn vị có cách đánh riêng, không thể chiến đấu phối hợp và không có tần số điện đài chung nên không thể báo tin cho nhau.

Cuối tuần trước, trả lời đài phát thanh CBC (Canada), Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko cho biết Ukraine đang cần viện trợ tài chính từ Canada và Nhật.

Lộ trình thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk 2

Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được đại diện chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine ký kết tại Minsk (Belarus) ngày 12-2. Thỏa thuận gồm 13 điểm lấy lại phần lớn điều khoản trong thỏa thuận ký kết ngày 5-9-2014 ở Minsk (thỏa thuận Minsk 1).

Lộ trình thực hiện thỏa thuận Minsk 2 như sau:

– Ngày 15-2: Các bên tham gia xung đột ngừng bắn từ nửa đêm 15-2 theo giờ Kiev (22 giờ GMT ngày 14-2) ở các vùng Donetsk và Luhansk. Thỏa thuận Minsk 1 cũng có quy định ngừng bắn nhưng không bên nào tôn trọng. Hai bên đã nhất trí thỏa thuận ngừng bắn mới vào ngày 9-12-2014 nhưng rồi thất bại.

– Ngày 17-2: Các bên tham gia xung đột phải rút hết vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm. Vùng đệm rộng từ 50 km đến 140 km (thỏa thuận Minsk 1 chỉ quy định vùng đệm rộng 30 km) tùy loại vũ khí (pháo binh 50 km, súng phóng lựu 70 km, dàn phóng tên lửa 140 km). Thời hạn rút vũ khí kéo dài 14 ngày (chấm dứt vào ngày 3-3).

Quân đội chính phủ rút vũ khí hạng nặng căn cứ giới tuyến hiện thời. Giới tuyến này đã mở rộng hơn về hướng tây (lực lượng ly khai chiếm thêm) so với giới tuyến ngày 19-9-2014 dùng làm căn cứ cho thỏa thuận Minsk 1. Lực lượng ly khai phải rút vũ khí hạng nặng căn cứ giới tuyến ngày 19-9-2014. Phần giới tuyến dư ra sẽ trở thành vùng đệm mở rộng.

Các bên cũng phải rút hết các tổ chức vũ trang nước ngoài, các thiết bị quân sự và lính đánh thuê ra khỏi Ukraine. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giữ quyền quan sát.

– Ngày 8-3: Tất cả tù binh và con tin phải được phóng thích. Quy định này đã được nêu trong thỏa thuận trước nhưng chỉ được thực hiện một phần.

– Ngày 13-3: Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua luật xác định phạm vi vùng lãnh thổ mà Ukraine không còn kiểm soát từ ngày 19-9-2014.

– Đến cuối năm 2015: Sửa đổi xong hiến pháp Ukraine công nhận quy chế mới phân quyền cho các vùng Donetsk và Luhansk.

Như thỏa thuận trước, thỏa thuận Minsk 2 quy định về đàm phán tổ chức bầu cử địa phương cho các vùng Donetsk và Luhansk phù hợp với luật pháp Ukraine và xác định quy chế mới dành cho các vùng này. Thỏa thuận cũng quy định về phát lệnh ân xá cho các chiến binh tham gia xung đột.

Thỏa thuận Minsk 2 quy định các thể thức cần xác định để mở rộng các quan hệ kinh tế-xã hội giữa các vùng do quân đội kiểm soát và các vùng do lực lượng ly khai kiểm soát. Ukraine phải tái lập mạng lưới ngân hàng ở các vùng xung đột. Sau bầu cử địa phương, quân đội chính phủ sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát biên giới trong các vùng xung đột.

Tiêu điểm

139

binh sĩ Ukraine và 52 tay súng lực lượng ly khai đã được trao trả vào cuối tuần rồi ở làng Zholobok nằm trên giới tuyến ở vùng Luhansk (miền Đông Ukraine).

***

Giao tranh vẫn tiếp diễn. Các binh sĩ của chúng tôi đang giữ vị trí.

Người phát ngôn quân đội Ukraine

HOÀNG DUY

Theo Pháp luật TPHCM