Naoko Nobutomo một đạo diễn nổi tiếng người Nhật, đã ghi lại hành trình bị mất trí nhớ của người mẹ trong suốt 15 năm. Cô đã biến nó thành một bộ phim tài liệu vô cùng xúc động kéo dài 101 phút với những cảnh quay chân thực về một người mẹ toàn năng, có lòng tự tôn mạnh mẽ. Kể cả khi bà đã già và mất trí nhớ, vẫn không muốn bất kỳ ai giúp đỡ, hay nhìn thấy sự yếu đuối của mình.
Naoko sinh ra và lớn lên tại thành phố Kure, thuộc tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, hiện cô đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Tokyo.
Bắt đầu từ năm 18 tuổi, Naoko đã rời khỏi gia đình và theo đuổi ước mơ sự nghiệp của mình. Cách 2 năm cô mới về nhà 1 lần nhưng điều may mắn là cả ba mẹ Naoko đều rất ủng hộ quyết định của cô, họ chưa từng than vãn hay yêu cầu cô bất cứ điều gì, kể cả việc Naoke muốn toàn tâm, toàn ý dấn thân vào nghệ thuật và không lập gia đình.
Trong mắt Naoko, ba mẹ đều là những người rất tuyệt vời, mẹ cô chính là tấm gương cho cô về một người phụ nữ hoàn hảo theo đúng nghĩa đen. Bà là người rất tài giỏi và mạnh mẽ, luôn quán xuyến mọi việc trong gia đình chu đáo, tỉ mỉ. Quần áo của cô từ nhỏ cho đến lớn cũng do chính tay bà tự may lấy, còn tài nấu ăn thì cũng ngon không kém.
Đặc biệt, chính bà là người đã khơi nguồn ước mơ cho Naoko, bởi từ khi còn trẻ, bà đã có niềm đam mê với máy ảnh và nghệ thuật, thời bấy giờ rất hiếm người phụ nữ nào sở hữu nhiều máy ảnh chuyên dụng, nhưng mẹ Naoko thì khác, bà là người đã mở đường đến với thế giới nhiếp ảnh cho Naoko.
Chưa kể mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn quyết tâm theo học thư pháp. Vào năm 2007, khi ấy mẹ Naoko đã 78 tuổi, bà đã nhận được giải thưởng lớn tại triển lãm thư pháp ở Tokyo. Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất cuộc đời khiến bà không bao giờ quên được.
Có thể nói, mẹ Naoko là một người phụ nữ tài năng từ việc trong nhà đến việc xã hội. Trong mắt Naoko, dường như không có điều gì mà mẹ mình không thể làm tốt được.
Nhưng điều quý giá nhất với Naoko, chính là tình yêu bất diệt của bà dành cho mình. Còn nhớ năm 2006, Naoko mắc chứng bệnh ung thư vú phải làm hóa trị, người mẹ già đã lặn lội đến bệnh viện chăm sóc cho cô. Cũng như bao bà mẹ khác, mặc dù trong lòng rất xót xa khi thấy con mình đau đớn. Nhưng mẹ Naoko thì khác, bà vẫn giữ nguyên sự mạnh mẽ của mình, và một tinh thần lạc quan để động viên Naoko, trở thành một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con gái.
Trong một đợt xạ trị cuối cùng, tóc Naoko đã rụng gần hết, cô buồn rầu hỏi mẹ rằng:
“Trông con thế nào?”
Bà chợt nhìn sâu vào mắt cô và trả lời:
“Con lúc nào cũng dễ thương”.
Sau đó cô nhìn mình trong gương và bất giác bật cười. Cô biết mẹ nói thật, vì trong mắt bà, cô mãi là đứa con gái xinh đẹp nhất dù trông cô có như thế nào.
Người phụ nữ có lòng tự tôn cao
Năm 2014, mọi chuyện dần thay đổi kể từ khi cô phát hiện mẹ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đãng trí. Bà thường hay không thể nhớ nổi mình muốn làm gì, hay nói gì trước đó. Các bác sĩ chẩn đoán, bà đã mắc chứng bệnh Alzheimer (chứng suy giảm trí nhớ của người già).
Thời điểm này, Naoko muốn đưa ba mẹ đến viện dưỡng lão để được chăm sóc vì cô không thể thường xuyên bên cạnh họ, tuy nhiên cả hai đều từ chối lời đề nghị này vì không muốn phải dựa dẫm vào người khác.
Thương ba mẹ cô tiếp tục ngỏ ý xin nghỉ việc để về quê nhà chăm sóc cho cả hai, nhưng ông bà luôn từ chối. Bà không bao giờ muốn bản thân ảnh hưởng đến giấc mơ của con mình.
“Về làm gì, nhà cửa lại chật chội và bận rộn thêm”, bà nói.
Tuy nhiên, cô đã sắp xếp lại thời gian để thường xuyên được về nhà cùng ba mẹ lâu hơn. Cứ 2-3 tháng một lần, cô lại trở về nhà một lần.
Nhưng căn bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn khi tuổi tác của bà càng lớn, bà không thể khống chế được hành vi, lời nói của mình và thường xuyên ngủ quên ở bất cứ đâu. Có lần bà đã ngủ gục trước một đống quần áo bẩn trong khi mang đồ đi giặt khiến cả nhà phải tìm bà khắp nơi.
Nhưng khi bị hỏi vì sao bà lại ngủ ở đó, thì bà liền chống chế rằng: “Mẹ không muốn lãng phí hóa đơn tiền điện cho đống quần áo này nên định giặt tay.”
Căn bếp là niềm tự hào của bà, nơi bà thường nấu những món ăn ngon để phục vụ chồng con. Nhưng ngày nay, bà đã không thể làm gì khác, trí nhớ bà đã không còn minh mẫn để tự tay nấu ăn. Điều duy nhất bà có thể làm là cố gắng giữ vệ sinh cho nó luôn được sạch sẽ. Bà chưa bao giờ muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác, có lẽ bà đã quá quen với việc tự lập hoàn toàn, và cảm giác thật sự tổn thương khi bản thân trở nên vô dụng.
Nhưng cho đến một ngày bà đã khóc òa lên và chấp nhận để Naoko thấy mặt yếu đuối của mình.
“Mẹ không biết chuyện này thế nào, cái gì mẹ cũng không biết. Mẹ đã trở thành người ngu ngốc rồi”.
“Mẹ đã đem đến sự phiền phức cho con. Mẹ xin lỗi, đã làm cho con lo lắng”, bà nói thêm.
Có khi bà không thể thức dậy vào buổi sáng, bà đã khóc như một đứa trẻ khiến ba của Naoko vô cùng đau lòng. “Cơ thể không nghe lời tôi, tôi không đứng dậy được, tôi không biết tại sao, có chuyện gì xảy ra với tôi thế”.
Kể từ khi bà mắc bệnh, ba Naoko là người đã đứng ra gánh vác mọi thứ trong nhà và chăm sóc cho vợ. Ông đã 95 tuổi và lớn hơn vợ 9 tuổi, cũng bị mắc chứng nghễnh ngãng của tuổi già. Tuy nhiên bằng một tình yêu vô cùng to lớn với vợ, ông từ một người đàn ông không biết việc bếp núc hay làm việc nhà đã tập dần để chăm sóc ngược lại cho vợ.
Người cha già đã học từ việc gọt táo, nấu ăn, dọn dẹp,… mọi thứ mà bà Naoko từng làm cho ông khi bà còn khỏe mạnh.
Tấm lưng còng ấy mỗi ngày thường tự tay xách những túi đồ ăn nặng nề, đổ rác, thậm chí ông đã học được cách vá đồ khi nhìn thấy tấm chăn của bà bị rách một lỗ, ông còn cẩn thận phân thuốc cho bà và nhắc nhở bà hãy uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Ông cứ lặng lẽ chăm sóc bà như thế mà chưa một lần than vãn.
“Ba tôi gọi những việc làm này là định mệnh và ông nói rằng đó là những khám phá mới của cuộc sống”, Naoko chia sẻ.
Nhận thấy không thể kéo dài tình hình như vậy mãi được, ba mẹ cô đã quá già để tự mình làm mọi thứ như vậy. Naoko kiên quyết thuê người chăm sóc đến để đỡ đần cho hai ông bà.
Mặc dù đã chấp nhận để người khác chăm sóc, nhưng bà vẫn không muốn đánh mất sự tự tôn của mình. Mỗi ngày trước khi người giúp việc đến để dọn dẹp nhà cửa giúp bà. Bà đều thức dậy từ trước để thay quần áo và làm tóc gọn gàng, bà không muốn để người khác thấy mình yếu đuối.
“Mẹ bây giờ lẫn rồi, con hãy chăm sóc mẹ nhé”
Đến năm 2017, bà bỗng gọi điện cho Naoko và nghẹn ngào nói với cô rằng:
“Mẹ bây giờ lẫn rồi, con hãy chăm sóc mẹ nhé”.
Đọc những dòng tin nhắn của mẹ, Naoko không sao kìm được nước mắt. Cuối cùng người phụ nữ kiên cường ngày nào cũng đã chấp nhận tựa vào cô, như trước kia cô từng nương tựa vào mẹ.
Ngày hôm đó, khi Naoko bước chân về nhà, vẫn là mẹ nhưng đã già yếu với một vết bầm mới trên mặt. Cô hốt hoảng hỏi ba vì sao mẹ bị thương nhưng chính ông cũng chẳng rõ bà đã vô tình va chạm vào đâu, còn bản thân bà cũng chẳng thể nhớ.
Có lúc bà òa khóc “Tôi muốn chết, sống thế này để làm gì!”.
Rồi những lúc như thế, ba của Naoko chỉ có thể động viên vợ rằng:
“Chúng ta hãy bên nhau sống tốt, bởi nếu ai rời đi trước thì người còn lại sẽ cô đơn”.
Câu nói tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là nguồn động lực to lớn cho bà tiếp tục kiên trì. Bà quay sáng nhìn chồng mỉm cười rồi cù lét ông. Cả hai vợ chồng thế là cùng phá ra cười.
“Mẹ tôi từ một người phụ nữ toàn năng giờ trở thành một đứa trẻ đáng yêu”, quan sát tình yêu của ba mẹ, Naoko chia sẻ.
Toàn bộ khung cảnh suốt 15 năm đó của ba mẹ, đã được Naoko ghi hình lại toàn bộ trong những lúc cô về thăm gia đình. Sau đó, những thước phim này đã được cô làm thành thành tập phim tài liệu có tên “Tôi bị mất trí nhớ, xin hãy chăm sóc tôi”
“Mỗi khi rảnh, tôi đều về quê thăm ba mẹ và lấy máy ảnh ghi lại khoảnh khắc đời thường của hai người”.
Đến cuối năm 2019, bộ phim của cô đã giành được “Giải thưởng kỷ lục phim Văn hóa” từ Cơ quan Văn hóa Nhật Bản.
Chúc Di (t/h)