Tinh Hoa

Máy tính siêu nhỏ thế hệ đầu tiên có kích thước bằng ‘hạt gạo’

Máy tính siêu nhỏ thế hệ đầu tiên có tên ‘Smart Dust’ – Bụi thông minh, vừa mới được các nhà nghiên cứu thuộc đại học Michigan trình làng trong tuần vừa qua, với những nguyên mẫu có kích thước chỉ bằng hạt gạo.

Được mang tên Michigan Micro Mote (M3), chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới cũng có đầy đủ tính năng như những máy tính cá nhân chúng ta thường hay sử dụng. Chúng có thể được dùng làm trái tim (hay khối óc) cho những robot tí hon, giúp chúng len lỏi vào các ngóc ngách, thu thập thông tin hoặc thậm chí thực hiện các nhiệm vụ ở cấp độ vi tế mà máy móc loại lớn chưa thế tiếp cận được.

Triển vọng ứng dụng vào tương lai

Tạm thời, người ta có thể tìm thấy lợi ích ngay trước mắt từ loại máy tính siêu nhỏ này như ứng dụng vào y học, các ngành công nghiệp tương lai, lặn lội vào các giếng dầu để ‘truy tìm’ các túi dầu mỏ.

Và ưu điểm của M3 là hầu như không tiêu tốn nhiều năng lượng để hoạt động, chúng có thể hấp thu nhiệt chuyển hóa thành năng lượng, sử dụng pin năng lượng mặt trời hoặc thậm chí chỉ cần nguồn ánh sáng yếu ớt. Tất cả các thành phần của M3 được bố trí theo dạng lớp và giao tiếp với nhau thông qua giao thức M-Bus. Theo đó, chỉ cần 2 lớp giao tiếp với nhau, thiết bị sẽ tạo thành một hệ thống cảm biến. M3 nhận thông tin dưới dạng xung ánh sáng tần số cao và dữ liệu đầu ra sẽ được chuyển đi dưới dạng sóng radio.

Toàn bộ hệ thống M3 có thể thu thập và truyền dữ liệu trong phạm vi 2 mét. Hiện tại, chiếc máy tính siêu nhỏ M3 đã được sản xuất, nhưng các nhà nghiên cứu đang tìm cách hạn chế tối đa các kích thước tổng thể của nó, và họ hài hước gọi nó là “smart dust” (bụi thông minh).

Nhóm Michigan cho biết, một triển vọng khác của M3 là có thể dùng chúng để theo dõi sự chuyển động của các vật thể nhỏ trongn những cấu trúc lớn như cầu đường, nhà cao tầng, vì nó có thể được cài cắm vào hầu hết các thiết bị hàng ngày, biến chúng thành một mạng lưới tìm kiếm dạng ‘Google’ tương tác với hầu hết mọi thứ; chẳng hạn, bạn sẽ không còn lo lắng với dạng câu hỏi ‘không biết tôi bỏ quên chìa khóa xe ở đâu rồi?‘ .

Thật thú vị khi thế giới vật chất ngày càng phát minh ra các món đồ to lớn lại đồng thời xu hướng siêu nhỏ . Hãy chờ xem cách mà công nghệ vi tính ‘smart’ và ‘droid’ tác động đến con người tương lai.

Bruce Phan, theo Vision Times