Tinh Hoa

Máy bay quân sự TQ ngang nhiên hạ cánh trái phép xuống đá Chữ Thập

Vào ngày 28/3, chiếc máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc đã ngang nhiên hạ cánh trái phép xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel).

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập ngày 28/3. (Ảnh qua thanhnien)

Theo trang Zing News ISI (cơ quan tình báo hàng đầu của Pakistan, chịu trách nhiệm hoạt động trong việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin an ninh quốc gia từ khắp nơi trên thế giới) cho rằng chiếc Y-8 có thể chở hàng tiếp tế đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc cưỡng chiếm, bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. 

Động thái trên cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông trong bối cảnh thế giới đang tập trung chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19).

Trước đó vào ngày 20/3, Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố khánh thành 2 trạm nghiên cứu trên đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này được đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Một máy bay vận tải Y-8 của Trung Quốc. (Ảnh qua thanhnien)

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định rằng, việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới cho thấy nước này vẫn âm thầm tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, chỉ là cộng đồng quốc tế không để ý do tình hình dịch bệnh Vũ Hán đang hoành hành.

“Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này. Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona”, ông Koh cho hay.

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh qua thanhnien)

Việc Trung Quốc tiếp tục có hoạt động ở Biển Đông dù đang chống đại dịch thực tế đã được thể hiện rõ từ sau khi nước này lên tiếng phản ứng về hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của chiến hạm Hoa Kỳ (USS McCampbell) gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3.

Theo đó, trong ngày này, Trung Quốc đã cho hải quân và không quân tiến hành tập trận chung mô phỏng những cuộc đối đầu trực tiếp với máy bay và chiến hạm nước ngoài ở Biển Đông.

Vũ Tuấn (t/h)