Một hãng hàng không đã áp dụng phương pháp tái chế dầu ăn thành nhiên liệu cho các chuyến bay của mình để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường đang tăng cao tại Trung Quốc.
Ngày 21/3, báo chí Trung Quốc đưa tin hãng Hainan Airlines của nước này đã trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng nhiên liệu tái chế từ dầu ăn thu thập từ các nhà hàng.
Theo Tân Hoa Xã, một chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không này đã thực hiện chặng bay từ Thượng Hải tới Bắc Kinh bằng cách sử dụng hỗn hợp 50-50 nhiên liệu thông thường và nhiên liệu chiết xuất từ dầu ăn tái chế do tập đoàn năng lượng Sinopec cung cấp.
Chiếc máy bay chở theo 156 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn này đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 2 tiếng rưỡi và đã đáp xuống sân bay Bắc Kinh an toàn.
Sinopec, vốn đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận vì đã góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở Trung Quốc, đặc biệt là từ khi bộ phim tài liệu “Dưới Mái Vòm” kể về điều kiện sống khổ sở của người dân dưới bầu không khí ô nhiễm được phát sóng trên CCTV.
Được biết, Trung Quốc không phải là nước đầu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học từ dầu ăn tái chế. Chuyến bay hoàn toàn bằng năng lượng sinh học đầu tiên được một chiếc máy bay thực hiện vào năm 2012 ở thủ đô Ottawa của Canada, và kể từ đó một số hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu trộn nhiên liệu sinh học với xăng truyền thống cho các chuyến bay thương mại của mình, chẳng hạn như Qantas của Úc và Air Canada.
Việc lạm dụng dầu ăn bẩn trong công nghiệp thực phẩm đã trở thành một vấn nạn ở Trung Quốc, khi báo chí nước này phanh phui hàng loạt đường dây thu thập dầu ăn bẩn từ cống rãnh để tái chế đưa vào các nhà hàng. Theo các nhà khoa học, sử dụng dầu ăn bẩn để chế biến thực phẩm có nguy cơ gây ra nhiều hiểm họa cho sức khỏe con người, trong đó có cả bệnh ung thư.
Theo Dân Việt