Chiếc CASA cất cánh từ Hà Nội đến điểm phát hiện áo phao nghi của phi công Trần Quang Khải thì đột nhiên mất tín hiệu trên vùng biển Hải Phòng vào trưa 16/6.
Bước sang ngày thứ ba tìm kiếm phi công Trần Quang Khải (43 tuổi) mất tích trên chiếc Su-30, máy bay tuần thám CASA 8983 xuất phát đi làm nhiệm vụ lúc 9h10 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) chở theo 9 người. Cầm lái chính là đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân.
12h30, lực lượng tìm kiếm phát hiện vật thể màu vàng nghi là áo phao hoặc dù của phi công Khải ở Đông Nam đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Chiếc CASA trên đường tìm kiếm đến gần khu vực trên, chuẩn bị hạ độ cao thì bị mất liên lạc.
Vị trí máy bay biến mất khỏi hệ thống tại tọa độ 19o25’40″N-107o19’54″E, cách nam Tây Nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý.
Ngay khi sự cố xảy ra, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển tìm mọi biện pháp triển khai tàu cao tốc đến khu vực máy bay mất liên lạc, đồng thời báo cho tàu, thuyền, ngư dân trên vịnh Bắc Bộ tham gia cứu nạn.
Ông Lê Văn Thành, Bí thư thành ủy Hải Phòng cho biết, gần 13h thành phố nhận được tin báo từ Bạch Long Vỹ về việc có một máy bay mất tích tại khu vực này. Dù chưa có văn bản chính thức của Bộ Quốc phòng, thành phố đã tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Tùng chỉ huy.
Bộ đội biên phòng Hải Phòng điều tàu tuần tra cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ phối hợp với hải quân, ngư dân đến vùng được đánh dấu. Lực lượng của các đồn biên phòng Cát Bà, Cát Hải cũng được tăng cường. Tuy vậy đến tối 16/6, các tàu chưa tiếp cận được vị trí như thông báo.
Chiến dịch tìm kiếm phi công Su-30 và chiếc CASA mất tích được huy động lên đến 2.700 người thuộc các lực lượng của Quân khu 4, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phòng không không quân, chưa kể ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng. Hơn 250 phương tiện gồm 14 máy bay, 183 tàu… quần thảo cả ngày lẫn đêm trên vùng trời, vùng biển.
Hơn 21h, bộ đội biên phòng Bạch Long Vỹ vẫn chưa tiếp cận được vị trí nơi chiếc máy bay CASA gặp nạn. Trời tối, biển động, sóng lớn, gió to khiến công tác cứu hộ cứu nạn khó khăn hơn. Song, các lực lượng của huyện đảo quyết tâm trắng đêm cứu nạn.
22h, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng phát đi thông báo máy bay CASA-212 số hiệu 8983 của Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không – Không quân bị mất liên lạc lúc 12h30, trên đó chở 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp.
Ngay sau khi CASA mất tích, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan trong toàn quân bàn biện pháp xử lý. Mục tiêu là tiếp tục tìm kiếm phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải và tìm kiếm máy bay CASA-212 với phương châm huy động toàn bộ lực lượng cả trong và ngoài quân đội nỗ lực tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Quân chủng Phòng không – Không quân và các đơn vị được chỉ đạo ổn định tư tưởng bộ đội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. “Qua đường dây nóng, Bộ Quốc phòng đã liên hệ với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để cùng tìm kiếm, tạo điều kiện cho tàu, máy bay Việt Nam hoạt động ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc bộ”, thông báo nêu.
CASA-212 là dòng máy bay vận tải quân sự đa dụng thế hệ thứ tư, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám biển, tuần tra biên giới… CASA có thể hạ độ cao xuống 100m so với mặt biển, được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80 km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu bất kể ngày, đêm. Dưới thân máy bay được trang bị camera “mắt thần”.
Chiếc CASA mất tích là máy bay thứ ba được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển do hãng Airbus sản xuất. Việt Nam hiện có 3 chiếc CASA-212 mang số hiệu 8981, 8982, 8983.
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 bỗng biến mất khỏi màn hình radar cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).
Một ngày sau, thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía Đông Bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường về đất liền an toàn. Thượng tá Trần Quang Khải vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày tìm kiếm.
Theo Vnexpress