Vào trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền ĐCSTQ đã xử lý một nhóm quan chức cảnh sát cấp cao trong chiến dịch chống tham nhũng. Ví dụ, từ ngày 21 đến ngày 28/9, nhiều băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân đã bị ĐCSTQ kết án nặng hoặc truy tố.
ĐCSTQ ngoài mặt hô hào chống tham nhũng nhưng nội bộ bên trong lại hoàn toàn khác. Một người quen thuộc với giới cảnh sát của ĐCSTQ tiết lộ rằng các sĩ quan cảnh sát dưới sự cai trị của ĐCSTQ giành được sự tín nhiệm của cấp trên là nhờ tham nhũng. Một số nhà phân tích chính sự cũng cho rằng tham nhũng không phải là nguyên nhân chính khiến các quan chức cấp cao này ‘ngã ngựa’.
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, luật sư người Mỹ Cao Quang Tuấn tốt nghiệp Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam ở Trung Quốc và từng làm việc tại Đại học Công an Trung Quốc cho biết, khi Vương Tiểu Hồng – Bộ trưởng Bộ Công an đương nhiệm của ĐCSTQ, còn là sinh viên đại học tại Đại học Công an Trung Quốc, thì Cao Quang Tuấn chính là giáo viên lớp hình sự đặc thù của Vương.
Cao Quang Tuấn nói rằng tham nhũng là tiêu chuẩn trong giới cảnh sát của ĐCSTQ, từ cảnh sát bình thường đến cảnh sát cấp bộ. Sau khi làm cán bộ công an, khó tìm được một, hai người không tham nhũng. Nói cách khác, không có ai là không tham nhũng, chỉ là ở những mức độ khác nhau. Ông cũng chỉ ra rằng dưới thời ĐCSTQ, một trong những cách để có được lòng tin của sếp là đưa hối lộ. Điều này đặc biệt đúng trong quân đội, và rất phổ biến trong hệ thống tư pháp của cảnh sát. Ông giải thích: “Anh không tham nhũng thì làm sao tôi tin tưởng được? Nếu một ngày anh báo cáo tôi thì sao?”
Ngụy Kinh Sinh, một trong những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ sớm nhất ở Trung Quốc, cũng cảm thấy như vậy, ông chỉ ra rằng ở Trung Quốc, nếu bạn không tham nhũng, bạn không thể là một quan chức trong giới cảnh sát ĐCSTQ, chỉ có những cảnh sát tham nhũng mới có thể được tin cậy. Để củng cố vị thế của mình, bạn phải thể hiện lòng trung thành với sếp. Có nhiều cách để thể hiện nó, bao gồm cả tiền bạc và mỹ nữ.
Việc mua chuộc bằng tiền bạc và mỹ nữ này đôi khi còn có thể bán đứng người nhà. Cao Quang Tuấn dẫn chứng một ví dụ mà ông biết: Khi một giám đốc của ĐCSTQ muốn được thăng chức làm phó giám đốc Sở Công an, trước tiên ông ta đã đưa vợ của mình cho bí thư thành ủy, sau đó đưa đứa con gái 17 tuổi của mình cho bí thư thành ủy. Cuối cùng, ông giám đốc này cũng được thăng chức Phó giám đốc Sở Công an như ý nguyện, còn con gái ông vì trả thù mà nghỉ học, trực tiếp đi làm gái điếm.
Trường hợp này tương tự như vụ bê bối mà tướng ĐCSTQ Lưu Á Châu từng kể: Cốc Tuấn Sơn, một quan tham có ‘số má’ trong quân đội, hắn đã đem con gái của mình dâng tặng cho Từ Tài Hậu, lúc đó là phó chủ tịch Quân ủy.
Vào ngày 17/9, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Vương Hữu Quần đã viết một bài báo trên The Epoch Times để phân tích những đặc điểm chung của những quan chức ‘ngã ngựa’ của ĐCSTQ: Tất cả bọn họ đều là những kẻ dối trá chính trị. Trong số đó, “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” trên thực tế là dựa vào Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng và những thân tín như Mạnh Kiến Trụ. Tất cả bọn họ đều là một bên tham nhũng một bên cất nhắc trọng dụng, đồng thời tích cực tham dự vào việc bức hại tín ngưỡng. Tất cả đều là những ví dụ điển hình cho việc “Ác hữu ác báo”.
Tử Vi (Theo Sound Of Hope)