Tinh Hoa

Malaysia Airlines ra sao sau 1 năm xảy ra vụ MH370?

Nhiều hành khách nói họ không thể gạt ra khỏi đầu những ý nghĩ về hai tai họa liên tiếp xảy đến với Malaysia Airlines chỉ trong vòng có vài tháng…

Hai thảm họa xảy ra chỉ trong vòng 1 năm là một đòn giáng mạnh vào kết quả kinh doanh của Malaysia Airlines.

Một năm sau ngày chuyến bay MH370 biến mất, giới quan sát vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi của Malaysia Airlines từ những tổn thất lớn về tài chính và danh tiếng mà thảm họa này gây ra.

Sáng sớm ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không quốc gia Malaysia mất tích đầy bí ẩn trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Đến nay, bất chấp một chiến dịch tìm kiếm khổng lồ và tốn kém bậc nhất trong lịch sử ngành hàng không, chưa một mảnh vỡ hay dấu vết nào của MH370 được phát hiện. Nguyên nhân của thảm họa đến nay vẫn là một chủ đề cho những đồn đoán và là bí ẩn lớn nhất chưa có lời giải của ngành hàng không thế giới.

Sau khi MH370 mất tích, Malaysia Airlines đã đối mặt với hàng loạt chỉ trích và cáo buộc nhằm vào những sai lầm của hãng trong việc tìm kiếm và đối xử với gia đình của 239 hành khách. Cơn thịnh nộ của dư luận càng gia tăng vào tháng 7/2014 khi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraine.

Hai thảm họa xảy ra chỉ trong vòng 1 năm là một đòn giáng mạnh vào kết quả kinh doanh của Malaysia Airlines. Theo báo cáo tài chính cuối cùng của Malaysia Airlines trước khi rút khỏi niêm yết trên thị trường chứng khoán và chuyển sang cho quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional quản lý vào tháng 12 năm ngoái, hãng hàng không này báo lỗ ròng 160 triệu USD trong quý 3/2014. Khoản lỗ này nâng tổng mức lỗ của Malaysia Airlines trong 9 tháng đầu năm 2014 lên 362 triệu USD.

Lo ngại về an toàn khiến những hành khách như anh Paige Kwok, người Singapore, 28 tuổi, dè chừng với Malaysia Airlines. Những hành khách này nói họ không thể gạt ra khỏi đầu những ý nghĩ về hai tai họa liên tiếp xảy đến với Malaysia Airlines chỉ trong vòng có vài tháng. “Tôi thường tránh bay Malaysia Airlines sau những thảm họa của năm ngoái”, Kwok nói.

Malaysia Airlines không công bố dữ liệu về doanh số vé. Tuy vậy, nhu cầu của hành khách có vẻ vẫn được duy trì. Theo một nhân viên của Malaysia Airlines tại sân bay Changi, hãng này hiện đang vận hành 11 chuyến bay hàng ngày từ Singapore, và 3/4 số ghế trên máy bay được lấp đầy. Malaysia Airlines cũng cho biết, tỷ lệ lấp đầy ghế trên các chuyến bay của hãng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua là 100% nhờ các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Chan Brothers, một trong những công ty lữ hành lớn nhất của Singapore, cho hay, hành khách hiện nay quan tâm nhiều nhất tới các chuyến bay ngắn của Malaysia Airlines. Trong đó, các chuyến bay của hãng này tới Trung Quốc được quan tâm hơn cả, bởi Malaysia Airlines có giá vé bay tới Trung Quốc rẻ nhất.

Tập trung vào các tuyến khu vực và trong nước chính là trọng tâm của Malaysia Airlines trong chương trình tái cơ cấu trị giá 1,6 tỷ USD. Tuần này, quỹ đầu tư quốc gia Khazanah đã công bố báo cáo đầu tiên về tái cơ cấu Malaysia Airlines, trong đó giảm 10% lượng ghế trong các chuyến bay quốc tế; cắt giảm 6.000 việc làm, và đánh giá lại các tuyến bay tới Trung Đông và châu Âu…

Khazanah hy vọng, các biện pháp quyết liệt này sẽ đưa Malaysia Airlines quay về với lợi nhuận vào năm 2017 và trở lại niêm yết trên thị trường chứng khoán Kuala Lumpur.

Tuy vậy, các chuyên gia hàng không nhấn mạnh rằng, Malaysia Airlines đang tỏ ra chậm chạp trong việc thực thi kế hoạch kinh doanh mới. Thực ra, chương trình tái cơ cấu hãng đã được công bố từ tháng 8 năm ngoái, nhưng Malaysia Airlines đến nay vẫn hoạt động trên các tuyến cũ.

Nhiều ý kiến nói rằng, việc giá dầu giảm gần đây sẽ đem đến may mắn cho Malaysia Airlines. Nhà phân tích hàng không Mohsin Aziz thuộc ngân hàng Maybank Investment Bank nhận định: “Nếu giá dầu tiếp tục ở mức hiện tại, Malaysia Airlines thậm chí có thể có lãi trong năm nay”.

Giá dầu thô Brent tại thị trường London đã giảm từ mức gần 100 USD/thùng vào tháng 9 năm ngoái xuống mức thấp nhất 6 năm dưới 50 USD/thùng vào tháng 1 vừa qua. Giá dầu hiện đang ở mức khoảng 60 USD/thùng.

Nhưng không có nhiều chuyên gia hàng không có sự lạc quan như vậy về Malaysia Airlines. Ông Brendan Sobie, Giám đốc phân tích của Centre for Asia Pacific Aviation (CAPA), nói: “Malaysia Airlines đáng đối mặt với nhiều vấn đề về cơ cấu. Giá dầu giảm sẽ cải thiện các con số, nhưng khó có thể giải quyết được các vấn đề dài hạn”.

Trên thực tế, Malaysia Airlines đã gặp khó khăn từ trước 2 thảm họa trong năm 2014. Hãng này đã liên tiếp thua lỗ từ năm 2011 do chi phí hoạt động tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ đồng hương như AirAsia.

Theo VnEconomy