Mã Hiểu Hồng – Chủ tịch công ty Hồng Tường Liêu Ninh, bởi nghi có dính líu đến buôn lậu vật liệu phát triển vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên đã bị bắt, dấy lên sự quan tâm theo dõi của các giới truyền thông cả trong và ngoài nước Trung Quốc.
Giới truyền thông Nhật Bản cho hay, Mã Hiểu Hồng có quan hệ mật thiết với ông Jang Sung-taek – nhân vật quan trọng số 2 của Triều Tiên, đã từng là “cầu nối” quan trọng trong giao dịch của ông Jang ở Trung Quốc.
Trang web Yomiuri.co.jp của Nhật Bản ngày 22/9 đã trích dẫn thông tin từ một nhân sĩ thạo tin cho rằng, với tư cách từng là đối tác mậu dịch Trung – Triều của ông Jang Sung-taek ở Trung Quốc, Mã Hiểu Hồng đã không từ thủ đoạn thông qua mua bán than đá mà kiếm được bộn tiền phi nghĩa.
Năm 2013, ông Jang Sung-taek bị người cháu của mình là Kim Jong-un – Ủy viên trưởng đảng Lao động Triều Tiên xử tử, rất nhiều xí nghiệp Trung Quốc đã mất đi con đường mậu dịch với Triều Tiên, nhưng bên phía Triều Tiên vẫn luôn duy trì mối quan hệ thương mại với Mã Hiểu Hồng.
Nhân sĩ thạo tin này còn cho biết, khi phía Mỹ đưa ra chứng cứ liên quan với phía Trung Quốc vào tháng trước, lãnh đạo phía Trung Quốc biểu hiện rõ ràng cơn thịnh nộ, mặt biến sắc tựa như “không còn giọt máu”, lập tức lệnh cho bộ công an bắt giữ Mã Hiểu Hồng. Ngoài ra, Mã Hiểu Hồng còn bị tình nghi theo nghề gián điệp.
Ngày 19/9, Trung tâm nghiên cứu chính sách Á Châu tại Hàn Quốc và Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tại Washington công bố một bản báo cáo, từ năm 2011 đến 2015, công ty Hồng Tường và Bắc Triều Tiên đã trao đổi tổng giá trị lên tới 532 triệu USD.
Theo dữ liệu hải quan tổng hợp từ các nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, công ty công nghiệp Hồng Tường đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên Aluminum oxide. Chỉ trong tháng 9/2015, công ty này đã xuất khẩu sang Triều Tiên lượng aluminum oxide với giá trị hơn 250.000 USD. Vật liệu này được dùng để chế tạo lò quay ly tâm, một bước vô cùng quan trọng để làm giàu Uranium.
Ngày 15/9, trên trang Weibo của cục công an tỉnh Liêu Ninh đăng tải thông tin, các hoạt động thương mại của Hồng Tường trong một thời gian dài bị nghi ngờ là “tội phạm kinh tế nghiêm trọng” và đã bị công an Liêu Ninh tiến hành điều tra. Tài sản của công ty và Mã Hiểu Hồng cùng người thân đã bị đóng băng.
Mã Hiểu Hồng trước đây là một nhân viên tạm thời của một công ty bách hóa, tháng 1/2000 đã thành lập công ty Hồng Tường, từ đây đã bắt đầu 17 năm mậu dịch biên giới Trung – Triều. Về sau xí nghiệp này đã phát triển thành tập đoàn doanh nghiệp Hồng Tường Liêu Ninh, có 6 công ty gia đình, tổng số vốn lên đến trên hàng trăm triệu nhân dân tệ, với hơn 680 nhân viên. Trên trang web của công ty này còn xưng là “cầu nối vàng kết nối Triều Tiên và thế giới”.
Vì vậy, Mã Hiểu Hồng được xem là “người phụ nữ giàu có nhất vùng Đan Đông”. Năm 2013, Mã Hiểu Hồng được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh, tuy nhiên tháng 9/2016, Mã Hiểu Hồng do dính líu vào vụ việc hối lộ mua phiếu bầu nên đã từ chức.
Ông Chu Hiểu Huy – bình luận viên thời sự chính trị, cho rằng với năng lực của xí nghiệp tư nhân của Mã Hiểu Hồng, nếu như không có thế lực lớn mạnh chống lưng đằng sau thì không thể tạo dựng quan hệ với chính phủ và quân đội Triều Tiên, cũng không thể mua và xuất khẩu vật liệu cấm của chính phủ.
Ông cho biết, Chu Vĩnh Khang – cựu Thường ủy phe cánh Giang Trạch Dân, từng nhậm chức chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật, kiêm bộ trưởng Bộ Công an luôn ủng hộ thế lực nhà họ Kim ở Triều Tiên, đồng thời thông qua “tiếp máu” cho Triều Tiên để giúp họ khiêu khích gây hấn trên chính trường quốc tế, tạo nên cục diện khó khăn cho Tập Cận Bình.
Vì vậy, Chu Vĩnh Khang cùng với tay chân ở Đan Đông, Liêu Ninh rất có khả năng là trợ thủ sau lưng việc xuất khẩu cấm phẩm sang Triều Tiên của công ty Hồng Tường. Vụ việc này giờ đây đã gây chấn động chốn quan trường Liêu Ninh, và có thể khiến chốn quan trường tỉnh Liêu Ninh lại một phen dậy sóng.
Theo Epochtimes.com