Gần đây, một kênh truyền thông Hồng Kông đã giới thiệu sách giáo khoa “giáo dục yêu nước” do Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao cùng các cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đồng biên soạn như: “Phẩm đức và công dân”, “Lịch sử Trung Quốc”… cho thấy truyền bá tẩy não đang được tiến hành với các em học sinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương gần đây, Lão Bách Sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao đã nói về cách đưa giáo dục “yêu nước, yêu Macao” vào nội dung sách giáo khoa của các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Ma Cao.
Ông xác nhận rằng Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao đã ủy quyền cho Nhà xuất bản Giáo dục Nhân Dân (thuộc ĐCSTQ) để chỉnh sửa và xuất bản sách giáo khoa Lịch sử, chuyên cung cấp cho các trường trung học và tiểu học ở Ma Cao sử dụng. Cho đến nay, hơn 60% trường học ở Ma cao đã lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa này.
Lão Bách Sinh tuyên bố, chính phủ đặc khu hành chính Ma Cao rất coi trọng giáo dục đạo đức và giáo dục công dân, cũng như coi trọng việc nuôi dưỡng “cảm giác thân thuộc đối với quốc gia” cho học sinh Ma Cao. Nội dung quan trọng trong sách giáo khoa “Phẩm đức và công dân” mà Sở Giáo dục và Thanh niên Ma cao đã ủy quyền cho nhà xuất bản Giáo dục Nhân Dân biên soạn chính là giáo dục “yêu nước yêu Ma Cao”.
Theo tờ “Apple Daily” Hồng Kông, trong những năm gần đây, chính quyền Ma Cao đã thực hiện “Dự án giáo dục yêu nước ‘tứ vị nhất thể’ cho chính phủ, trường học, gia đình và xã hội”, trong đó bao gồm việc quảng bá sử dụng các tài liệu giảng dạy “yêu nước và yêu Macao” tại các trường học địa phương.
Một nhà giáo dục thâm niên ở Macao chỉ ra rằng, dưới sự đe dọa của chính quyền ĐCSTQ trong nhiều năm, hầu hết các trường tiểu học và trung học ở Ma Cao đã sử dụng đầy đủ sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc do các cơ quan trực thuộc ĐCSTQ tham gia biên soạn.
Theo báo cáo này, Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao đã cố gắng quảng bá “Sách giáo khoa bổ sung lịch sử Ma Cao sơ trung” vào năm 2007, nhưng cuốn sách giáo khoa này đã bị cho là “đạo văn” và gặp phải sự phản đối của ngành giáo dục Ma Cao, cuối cùng đành phải ngưng sử dụng.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao đã liên kết với nhà xuất bản Giáo dục Nhân Dân trực thuộc bộ Giáo dục ĐCSTQ, cùng nhau biên soạn các sách giáo khoa như “Phẩm đức và công dân”, “Lịch sử Trung Quốc”… nội dung của những cuốn sách này bao gồm cả “Hiến pháp quốc gia” và “giáo dục yêu nước” đang hiện hành ở Đại lục.
Ông Vương, người tham gia công tác giáo dục trong nhiều năm qua đã nói với “Apple Daily” rằng, 60% các trường trung học cơ sở ở Ma Cao đã sử dụng sách giáo khoa lịch sử do nhà xuất bản Giáo dục Nhân Dân xuất bản, nhưng bộ sách giáo khoa này mô tả lịch sử không khách quan, thậm chí coi thường sự thật, điều này khiến các giáo viên rất bất mãn.
Ví dụ: “Khi nói về Tần Thủy Hoàng, người viết bày tỏ sự ngưỡng mộ những thành tựu chính trị của ông, ở một mức độ nào đó đã ‘cổ xúy’ cho hệ tư tưởng chính trị độc tài, đồng thời cuốn sách này mô tả Cách mạng Văn hóa là ‘cung cấp tư liệu lịch sử tham khảo cho việc khám phá những đặc sắc của con đường chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sau này’, mà hoàn toàn không đề cập đến phong trào ‘Lục Tứ’ (thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989)”.
Ông Vương cũng tiết lộ rằng: “Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao có ‘quỹ phát triển giáo dục’ cho các trường tiểu học và trung học để xin tài trợ bổ sung, nhưng thành viên của các tổ chức này là các quan chức của Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao và Sở Tài chính, cơ chế vận hành không minh bạch, các quyết định phê duyệt tài trợ hay không tài trợ cũng không rõ ràng”.
Ông nói rằng, Sở Giáo dục và Thanh niên Ma Cao đã lợi dụng quyền phê duyệt các khoản tài trợ để “nới lỏng” yêu cầu phê duyệt đối với những trường học “rất tuân thủ quy tắc, rất vâng lời”, để các trường đó có nhiều “tài nguyên” hơn.
Mặc dù các cơ quan chức năng vẫn để các trường học tự do lựa chọn sách giáo khoa, nhưng trước mắt số trường trung học sử dụng sách giáo khoa Lịch sử phiên bản Đại lục đã lên đến 60%, chính quyền Ma Cao đang cố gắng tăng tỷ lệ này lên 80% để “tạo sự khác biệt trong mắt Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, ông Vương cũng chỉ ra rằng, vì đại đa số các trường tiểu học và trung học ở Ma Cao là trường tư thục nên thực sự rất khó để chính quyền giám sát tính hiệu quả của việc thực hiện “giáo dục yêu nước” ở mỗi trường, vì vậy giáo dục “yêu nước” ở nhiều trường chỉ mang tính chất “hình thức hóa”. Ông nói: “Tóm lại, chỉ cần báo lên cấp trên là đạt chỉ tiêu. Còn việc ‘nhồi nhét’ thế nào thì không ai quan tâm đâu”.
Minh Huy (Theo NTDTV)