Tinh Hoa

Mạo hiểm cả sinh mạng, doanh nhân TQ liều mình phơi bày cuộc bức hại tàn khốc

Đối mặt với những bất công tàn nhẫn ở quê nhà Trung Quốc, doanh nhân thành đạt Vu Minh đã nỗ lực tìm mọi cách nói cho thế giới biết những gì anh thấy, không quản ngại cả sinh mạng của chính mình.

Câu chuyện hơn 10 năm dài đằng đẵng với bao đắng cay, khổ nhục giờ đây mới được anh kể lại… (Ảnh: The Epoch Times)

Để phơi bày sự tra tấn diễn ra trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, Vu Minh đã đạo diễn một kế hoạch đào thoát khỏi một trại cưỡng bức lao động ly kỳ không khác gì một tác phẩm Hollywood; anh cũng viết các bài báo kể lại việc các tù nhân bị lạm dụng để in ấn sách lậu, ăn cắp sở hữu trí tuệ tác giả; anh hợp tác với những luật sư nhân quyền tị nạn Trung Quốc để đòi công lý thông qua hệ thống toà án Trung Quốc; và giờ khi đã tị nạn ở Mỹ quốc, anh bắt đầu kể lại câu chuyện của mình.

*****

Đầu tháng 8/2008, trong khi cả thế giới choáng ngợp trước lễ khai mạc hoành tráng và ấn tượng của Thế vận hội Bắc Kinh, doanh nhân 35 tuổi Vu Minh đang nằm bẹp trong một bệnh viện thuộc Trại cưỡng bức lao động khét tiếng Mã Tam Gia sau khi bị tra tấn tàn khốc trong thời gian dài.

Anh bị sốc dùi cui điện thế cao, bị nhốt trong một cái chuồng sắt đặc biệt suốt 3 tháng, không thể đứng, cũng không thể ngủ. Có lần anh bị kéo xuống dưới cầu thang trong thế úp mặt, đầu va vào từng bậc thang. Đó là lần thứ 3 anh bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bức ảnh tái hiện cảnh học viên Pháp Luân Công bị tra tấn bằng hình thức giam trong lồng nhỏ tại các nhà tù ở Trung Quốc. (Ảnh: minghui.org)

Trước kia, Vu Minh vốn là một doanh nhân thành đạt ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh miền Đông Bắc Trung Quốc. Doanh nghiệp thời trang của anh thuê hơn 100 nhân công và tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1.000 người nữa tại 6 nhà cung cấp là các công ty quốc doanh. Thế nhưng, cuộc đàn áp tàn khốc những người tu luyện Pháp Luân Công đã khiến cuộc đời anh rơi vào bi kịch triền miên.

Vụ đào tẩu bất thành, Vu Minh suýt mất mạng

Khi Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 sắp tới gần, Vu Minh thấy ngày một nhiều người bị đưa vào trại vì những tội danh hoang đường như “lên kế hoạch ăn cướp” hay “chuẩn bị ăn trộm”. Theo một báo cáo của tờ Epoch Times, để đảm bảo “sự an toàn” của Bắc Kinh trước Thế vận hội 2008, hơn 3 triệu người đã bị trục xuất khỏi thủ đô, hơn 60.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 1 triệu người bị tống vào các trại cưỡng bức lao động.

Trong trại, việc tra tấn và khủng bố gia tăng nhằm “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công – ép buộc họ phải từ bỏ đức tin, khai tên những học viên khác, và tuyên bố trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vu Minh không thể chịu nổi khi chứng kiến những người vô tội bị hành hạ tàn nhẫn như vậy. Anh tin rằng thế giới bên ngoài nên được biết sự thật đang diễn ra ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đăng cai Olympics, đó là: Thay vì cải thiện nhân quyền như mong đợi của cộng đồng quốc tế, chính quyền Trung Quốc lại gia tăng đán áp và thậm chí là giết người vì đại hội thể thao ấy.

Vu quyết định phải phơi bày chuyện này. Nhưng làm cách nào? Anh có một kế hoạch.

Theo đó, hai học viên Pháp Luân công sẽ trốn khỏi trại, sau đó họ sẽ tiếp cận với các nhà báo nước ngoài tới Bắc Kinh để đưa tin về Thế vận hội, với hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý tới những gì đang diễn trong trại.

Nhờ an ninh lỏng lẻo trong bệnh viên, Vu đã xoay sở để có được điện thoại di động, một ít tiền mặt và quan trọng hơn cả là một lưỡi cưa. Vì nhiều người trong trại thường được đưa tới bệnh viên rồi đưa trở lại về trại, nên thông qua trao đổi và suy tính, Vu đã có thể điều phối việc vượt trại từ trong bệnh viện.

Anh tìm được người ở bên ngoài sẽ tiếp ứng cho hai người đào tẩu sau khi họ rời khỏi trại, anh còn tìm được một người khác sẽ thuê cho họ chỗ trú ẩn trong khi cảnh sát điên cuồng truy bắt. Còn một điều khác phải xem xét: Sau khi hai người học viên trốn thoát, những lính canh đang làm nhiệm vụ cùng 22 người tù cùng phòng giam chắc chắn sẽ bị liên can và tra tấn tàn bạo.

Là một người tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, làm việc gì cũng phải nghĩ cho người khác trước, Vu Minh không muốn điều đó xảy ra. Anh muốn dùng thiện tâm để đối xử với những người ngoài cuộc vô tội ấy. Vậy là anh tìm cách lấy được một ít thuốc ngủ. Anh nói với bác sĩ rằng anh không ngủ được. Khi được cho thuốc ngủ, anh giả vờ nuốt chúng trước mặt y tá, nhưng thực ra là giấu nó vào tay kia.

Bằng cách này anh đã tích lũy đủ thuốc để khiến tất cả người cùng phòng giam và lính canh ngủ gục vào ngày trốn trại. Nếu họ ngủ khi vụ đào tẩu diễn ra, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm vì không ngăn chặn nó.

Ngày 11/8/2008, kế hoạch triển khai. Những thanh chắn bằng sắt tại cửa sổ buồng giam bị cưa đứt, hai học viên leo ra từ tầng 3 của tòa nhà và tụt xuống nhờ một dây thừng làm từ chăn. Mọi thứ diễn ra trót lọt. Họ được đúng người đón đúng lúc, đúng thời điểm, cho tới khi… Người thứ hai thuê chỗ trú ẩn cho họ không xuất hiện.

Không ai biết lý do tại sao. Vu vì thế phải sắp xếp để vợ mình đón hai người trốn trại và giấu họ trong nhà, mặc dù biết như thế là vô cùng nguy hiểm. Ba ngày sau, hàng trăm cảnh sát, một số có mang theo súng, bao vây toàn bộ khu dân cư quanh nhà Vu và đưa cả 2 người trốn trại cùng vợ anh đi.

Vụ trốn trại suýt thành công trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh từ một trại cải tạo “kiểu mẫu” đã khiến những lãnh tụ cao nhất tức giận. Sự vụ này bị xem là một “trường hợp nghiêm trọng”, ít nhất 7 cảnh sát đã bị sa thải và 2 phó trại bị trừng phạt. Vu và hai học viên trốn trại bị tra tấn tàn bạo.

Vu bị treo lên một cánh cửa, hai cánh tay duỗi ra, chân không chạm đất. Anh bị treo như vậy trong hơn 1 tháng, cả ngày lẫn đêm. Đôi khi anh được thả để đi vệ sinh, có khi cảnh sát không thả anh ngay cả khi anh muốn đi vệ sinh. Vậy nên anh ăn ít thức ăn và uống ít nước được nhồi vào mồm mình nhất có thể. Anh gần chết vì đòn tra tấn này.

Hình vẽ mô tả cảnh Vu Minh bị tra tấn bằng hình thức treo hai tay sau khi nỗ lực trốn khỏi Mã Tam Gia. (Ảnh: minghui.org)

Hai người còn lại bị tra tấn còn thảm khốc hơn. Trại cưỡng bức được cấp hạn ngạch 2 người chết sau vụ việc này, có nghĩa là họ có thể tra tấn 2 người tới chết mà không phải chịu trách nhiệm. Lúc đó, Vu chuẩn bị được thả vào ngày 2/9. Nếu anh không lên kế hoạch trốn trại, anh sẽ được thả trong khoảng 20 ngày nữa. Sau vụ trốn trại suýt thành, ngoài việc tra tấn suýt chết, ba người bị giam thêm 1 năm nữa.

Khi được hỏi liệu nỗ lực này có đáng giá không, đặc biệt là khi nó không thành công, Vu trả lời không hề lưỡng lự: “Có, đáng giá chứ. Chúng tôi phải làm thế. Hơn 10 học viên Pháp Luân Công quanh tôi đang phải chịu tra tấn tới chết trong cuộc bức hại này. Làm sao có thể định giá giá trị của mạng sống đây? Tôi không bao giờ hối tiếc vì đã mạo hiểm tính mạng mình để ngăn nhiều người hơn bị giết”.

Cái giá quá đắt cho sự tự do

Từ năm 2009, sau khi được thả lần thứ 3, Vu bắt đầu làm việc với một số luật sư mà sau này nổi tiếng trong cộng đồng luật sư bảo vệ nhân quyền, bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù.

Cuối tháng 8/2013, trong khi đang tham dự lễ cưới của cháu mình, Vu lại bị bắt lần thứ 4 cùng 10 học viên khác, nhằm “đề phòng” họ sẽ khiếu nại khi lãnh đạo Tập Cận Bình ghé thăm thành phố ngày hôm sau. Mặc dù được một số luật sư nhân quyền bào chữa nhưng anh vẫn bị tuyên y án 4 năm tù.

Vu Minh, bị còng tay đưa đến tòa án tại Thẩm Dương ngày 20/11/2014. (Ảnh: minghui.org)

Sau những chuỗi ngày đằng đẵng tiếp tục bị tra tấn, ngược đãi tàn khốc, Vu được thả vào năm 2017. Mãi đến cuối năm 2018, anh mới tìm được cách trốn sang Thái Lan, nơi anh xin được thị thực sang Mỹ.

Ngày 27/1/2019, sau gần 12 năm sống trong các trại cưỡng bức lao động và nhà tù khét tiếng với đủ loại khổ ải, cuối cùng Vu Minh đã đoàn tụ với vợ, con gái và con trai ở San Francisco.

Tuy vậy, vào đúng ngày Vu được tự do, luật sư của anh là Vương Toàn Chương, sau khi bị bắt giữ bí mật hơn 3 năm, đã bị kết án 4 năm rưỡi trong tù. Dư Văn Sanh, một luật sư bào chữa cho Vương Toàn Chương, hiện cũng đang bị giam tại Trung tâm Giam giữ Từ Châu.

Vu Minh ở Washington ngày 19/2/2019. Sau 12 năm bị giam giữ và tra tấn gần chết vì đức tin của mình, anh đã được đoàn tụ với vợ, con nhờ sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ. (Ảnh: The Epoch Times)

*****

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là môn tu luyện Phật gia thượng thừa, do ông Lý Hồng Chí, Sư phụ của pháp môn sáng lập. Pháp môn lấy việc đồng hoá với đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ làm căn bản, lấy đặc tính tối cao của vũ trụ làm chỉ đạo, là chiểu theo nguyên lý diễn hoá của vũ trụ mà tu luyện.

Nhờ sự cải thiện đáng kinh ngạc về cả sức khỏe lẫn tinh thần, nên dù được phổ truyền ra công chúng vào năm 1992, nhưng đến năm 1999, số người theo học môn tu luyện này đã lên đến gần 100 triệu.

Tuy nhiên tháng 7/1999, vì sự đố kỵ và lo sợ số lượng lớn người tập Pháp Luân Công sẽ làm điều gì đó ngoài vòng kiểm soát của Đảng, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã huy động toàn bộ nguồn lực của Đảng và Nhà nước để đàn áp Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp đã cướp đi vô số sinh mạng, gây bao thảm kịch cho hàng triệu người dân Trung Quốc và vẫn còn tiếp diễn đến tận ngày nay.

Hạ Chi (Theo The Epoch Times)