Mỹ vẫn đang tiếp tục bóp nghẹt và cô lập chính quyền Maduro bằng nhiều chế tài hơn. Tuy nhiên, sau hơn một tuần, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn đứng vững nhờ bàn tay hỗ trợ cả công khai và bí mật của Nga và Trung Quốc.
Sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi nhanh chóng thể chế tại Venezuela. Câu hỏi đặt ra là tại sao Nga, Trung Quốc lại ra sức giúp ông Maduro chống Mỹ?
Trao đổi về vấn đề nêu trên với Fox News, ông Joseph Humire, giám đốc điều hành của Trung tâm Xã hội Tự do An toàn, một nhóm nghiên cứu toàn cầu độc lập nhận định: “Nga và Trung Quốc đang sử dụng Venezuela làm một cuộc xung đột ủy nhiệm để thách thức Mỹ. Đây không đơn thuần chỉ là hỗ trợ kinh tế. Nga và Trung Quốc đang dùng đòn bẩy hỗ trợ kinh tế của họ để thiết lập sự hiện diện công nghiệp-quân sự tại Venezuela”.
“Đó là một ván cờ địa chính trị”, ông Humire khẳng định.
Nhưng nếu đó là một ván cờ, thì đó là một ván cờ đi kèm với mối đe dọa quân sự lớn và nghiêm trọng, chứ không chỉ còn là một trò chơi đơn thuần, bởi vì Trung Quốc và Nga sẽ mất rất nhiều nếu ông Maduro bị thay thế bằng một chính phủ do Mỹ hậu thuẫn.
Là những người khởi xướng cuộc chơi này, Trung Quốc đã đặt cơ sở theo dõi qua vệ tinh tại Căn cứ Không quân Capitán Manuel Rios tại Guarico, trong khi Nga có hệ thống tấn công mạng trực tuyến tại Căn cứ Hải quân Antonio Diaz “Bandi” ở La Orchilla – một hòn đảo phía Bắc Caracas.
Chuyên gia Humire chỉ ra rằng: “Điều này bổ sung khả năng không gian và không gian mạng mà chế độ Maduro chưa có. Đối với Nga và Trung Quốc, việc gây áp lực lên Mỹ thông qua Venezuela giúp họ bổ sung thêm đòn bẩy cho các tham vọng khu vực của họ, với Nga là ở Đông/Trung Âu và với Trung Quốc là Đài Loan và Biển Đông”.
Hơn nữa, Venezuela nợ Trung Quốc và Nga tổng cộng hơn 120 tỷ USD. Theo các chuyên gia địa chính trị, cả Bắc Kinh và Moscow đều đang lo lắng rằng nếu Maduro bị lật đổ, ngân sách vốn đã eo hẹp của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Mối quan hệ chặt chẽ của Nga với Venezuela bắt đầu từ khi ông Hugo Chavez lên cầm quyền tại quốc gia Nam Mỹ này năm 1999 và tiếp diễn trong các năm tiếp theo. Venezuela luôn là một trong số ít nước trên thế giới luôn ủng hộ sự dính líu của Nga tại Syria và Ukraine. Nhưng điều quan trọng nhất, công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft có lợi ích đặc biệt sâu rộng trong chính quyền Maduro.
Năm 2017, Rosneft đã nắm giữ gần 50% cổ phần của công ty dầu mỏ Citgo của Venezuela có trụ sở tại Mỹ – đây là công ty con của tập đoàn dầu mỏ nhà nước Venezuela, PDVSA. Citgo được coi như tài sản thế chấp cho các khoản nợ của Venezuela với Rosneft và về cơ bản mang lại cho Nga ảnh hưởng chiến lược tại Mỹ Latinh – khu vực mà Mỹ từng có tiếng nói đáng kể.
Ông William Ogborn, chuyên gia về thông tin chiến lược và ngoại giao công chúng, cố vấn cho nhiều cơ quan chính quyền Mỹ, trong đó có Hạ viện và Bộ Quốc phòng, nói với Fox News rằng: “Cả hai nước [Nga, Trung Quốc] đều mất đồng minh chiến lược tại Nam Mỹ, và cả hai có nguy cơ không thể thu được nợ của Venezuela” nếu ông Maduro bị thay thế bằng lực lượng thân Mỹ.
Theo một quan chức tình báo Mỹ giấu tên, mối đe dọa về “cuộc chiến bất đối xứng” đang bùng lên mạnh mẽ khi mà cuộc khủng hoảng tại Venezuela ngày càng lan rộng, đặc biệt vì Nga cung cấp nhiều vũ khí cho đồng minh của họ tại Venezuela, vượt trội so với phe đối lập.
Chuyên gia tình báo nêu trên nói thêm rằng: “Một số khách hàng của Nga có máy bay cũ, Venezuela có loại tiên tiến. Có một sự ban phát vô tội vạ [vũ khí] cho các tập đoàn tội phạm và những kẻ khủng bố hoặc chuyển cho các kẻ thù khác của Mỹ như Nicaragua. Ở mức tối thiểu, họ có thể quấy rối Mỹ, nếu không muốn nói là có thể gây ra nhiều vấn đề. Điều này là đáng ngại hơn rất nhiều so với Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba trước đây”.
Ông Brett Bruen, giám đốc quan hệ toàn cầu của chính phủ Mỹ nhận định: “Giống như ông Bashar al-Assad [của Syria], ông Maduro đã phụ thuộc vào ông Putin rồi. Bây giờ ông ta đã trở thành tay sai bị khống chế, buộc phải tuân theo ý chí của Moscow và phải nhường tiếp cận [Venezuela] nhiều hơn cho tham vọng quân sự và tình báo của Điện Kremlin. Vì những chính sách và chế tài trước đây của Mỹ, Venezuela đã xoay trục sang mua vũ khí của Moscow. Không quân, hải quân và các lực lượng mặt đất [của quân đội Venezuela] phần nhiều do các đại lý vũ khí Nga cung cấp”.
Về phần mình, Trung Quốc đã bơm khoảng 65 tỷ USD vào Venezuela từ năm 2008, hầu hết đều là các khoản cho vay nợ, được đảm bảo bằng các hợp đồng trả nợ bằng dầu mỏ, trong đó Bắc Kinh kiểm soát hiệu quả việc khai thác dầu tại Venezuela để thu hồi nợ.
Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu Mỹ Latinh tại Viện nghiên cứu Chiến lược của Đại học Chiến tranh Quân sự Mỹ cho hay: “Ngoài ra, Trung Quốc đã giúp Venezuela xây dựng các nhà máy sản xuất xe ô-tô Trung Quốc (Chery) và điện thoại (Huawei và ZTE), xây dựng đường sắt, nâng cấp bến cảng và các cơ sở hạ tầng khác, và bán cho chế độ này hàng triệu đồ gia dụng Haier trong cuộc bầu cử 2012 để giúp chế độ mua chuộc người ủng hộ”.
Trung Quốc cũng bán một lượng lớn thiết bị quân sự cho Venezuela, trong đó có xe bọc thép VN-4 và các phương tiện cơ giới quân sự khác trang bị cho Cảnh vệ Quốc gia để đàn áp người biểu tình năm 2014, 2017 và các cuộc biểu tình hiện nay.
Ông Ellis nói với những vũ trang này, “cũng như radar phòng không, phi cơ chiến đấu K-8, máy bay vận tải quân sự, súng phóng lựu đạn tự hành, và xe phóng hỏa tiễn và hàng hoạt các thiết bị khác, cho thấy vai trò của Trung Quốc trong việc bán vũ khí cho Venezuela đã tăng lên trong những năm gần đây khi Caracas hết tiền mặt để mua quân trang của Nga. Đặc biệt, lực lượng Lính thủy đánh bộ và Cảnh vệ Quốc gia Venezuela hiện nay đều đã mua chịu quân trang của Trung Quốc”.
Ngoài Nga, Trung Quốc, ông Maduro cũng nhận được sự ủng hộ của Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số chính phủ cánh tả như Mexico và Bolivia. Những nước này đều có lợi ích chính trị và kinh tế gắn chặt với đảng cầm quyền của ông Maduro và họ không muốn một lực lượng khác thay thế sự lãnh đạo đảng xã hội chủ nghĩa tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Theo Trithucvn