Đã bao giờ bạn nghe nhắc đến hay tận mắt thấy chồn thải ra hạt cà phê chưa nào? Có lẽ sẽ khiến bạn vô cùng kinh ngạc lẫn tí “rợn người” vì chẳng hiểu làm thế nào người ta lại có thể dùng phân chồn thải ra để làm nên thức uống cao cấp ấy. Tuy nhiên, chất thải từ phân chồn trông đáng sợ thôi nhưng nó lại đắt nhất và là ”cực phẩm” trong thế giới cà phê đấy!
Loài chồn vốn sành ăn, chúng chỉ chọn những hạt ngon. Vào đến hệ thống tiêu hóa của chồn, chất axit trong dạ dày sản xuất ra một loại men để đến khi rang hạt lên, mùi vị cà phê sẽ biến đổi kỳ ảo.
Những người đã trải nghiệm loại cà phê này kể lại rằng, nó có vị ngon khác thường, ngọt đắng nhẹ, chua chua như trái cây quyện cùng vị thuốc lá. Nếu thêm từng chút đường một cho đến khi cà phê chuyển màu thành nâu vàng, tách cà phê còn thoang thoảng hương vị socola dịu nhẹ. Hương thơm nồng nàn, quyến rũ khiến bất cứ ai cũng trở nên say đắm.
Trên đời này chỉ có chồn hương (cầy vòi đốm) mới “cho ra” loại cà phê thượng lưu này với số lượng có hạn, có tiền chưa chắc mua được. Ở Việt Nam, cà phê chồn chủ yếu phục vụ cho các hội nghị lớn hay làm quà biếu các nguyên thủ quốc gia khác khi họ đến viếng thăm.
Được biết, trước đó, vào thế kỷ 17 khi Indonesia bị Hà Lan đô hộ, dân bản địa bị cấm không được khai thác cà phê vì mục đích cá nhân. Hệ quả, cà phê rụng đầy đường mà chẳng ai dám động tới ngoại trừ lũ chồn. Và họ tình cờ phát hiện hạt cà phê qua “cổng sau” của chúng trở thành loại đồ uống thơm ngon hơn hẳn cà phê bình thường.
Tuy nhiên, từ đó vòng xoáy bất hạnh của loài chồn bắt đầu. Là thú hoang dã nên việc bị nuôi nhốt công nghiệp, suốt ngày phải ăn quả cà phê đã khiến sức khỏe và tâm lý của chúng bị tổn hại nghiêm trọng. Một số con sau khi được thả ra sau nhiều năm bị bóc lột thậm tệ cũng không còn sức sống. Chỉ có ở những trang trại uy tín, tình trạng sức khỏe của chồn mới được đảm bảo trong điều kiện nuôi nhốt.
Xuân Nhạn (tổng hợp)
Xem thêm: