Tinh Hoa

Lý do khiến bà Merkel đến gặp ông Putin sau 1 ngày Nga mừng chiến thắng ?

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine và tham dự các hoạt động trọng thể kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít.

Đầu năm 2015, bà Merkel khẳng định sẽ tới dự lễ kỷ niệm 70 ngày Chiến thắng Phát xít. Khi Tổng thống Nga ngỏ ý mời bà Thủ tướng tới dự lễ duyệt binh ngày 9/5, bà Merkel nói thẳng: Sẽ tới Nga trong một ngày nào đó, trừ ngày 9/5.

Vì sao bà Merkel đến muộn?

Trong ngày hôm nay (10/5), bà Merkel tới thủ đô của Nga, qua đó phá vỡ một rào cản ngăn cách đã hình thành kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine hồi năm ngoái: Phần lớn các lãnh đạo phương Tây đều tẩy chay, không tới Nga vì cho rằng Moscow đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine.

Nhưng lối hành xử như thời “Chiến tranh Lạnh” này lại không phù hợp với các nhà lãnh đạo Đức. Tờ Wall Street Journal nói rằng các lãnh đạo Đức thấy mình có trách nhiệm phải tôn vinh sự hy sinh của người Nga cách đây hàng thập kỷ, trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức.

Chuyến đi của bà Merkel một lần nữa cho thấy vai trò ngày càng lớn của Đức trong việc cân bằng ngoại giao toàn cầu, đồng thời nó cũng làm lộ ra một nước Đức vẫn oằn lưng vì gánh nặng quá khứ.

“Người ta ngày càng đòi hỏi nước Đức phải nhận nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong các vấn đề quốc tế. Nhưng các vai trò đó cũng khiến nước Đức đối đầu nhiều hơn với những di sản lịch sử của mình” – Joerg Forbrig, một chuyên gia về Đức thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ đánh giá – “Chuyến viếng thăm Nga của bà Merkel phần nào cho thấy điều đó.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin

Với bà Merkel, sự mâu thuẫn giữa việc vừa phải tôn vinh, vừa phải phản đối Nga có các khía cạnh rất cá nhân. Bà đã lớn lên ở Đông Đức, từng giành chiến thắng tại một cuộc thi nói tiếng Nga năm lên lớp 9, thường trò chuyện với những người lính Liên Xô đóng gần nhà và rất mê văn hóa Nga. Nhưng bà cũng có những trải nghiệm khác, khiến bản thân giảm cảm tình với nước Nga.

Trong chuyến thăm nước Nga lần này, khắc phục khủng hoảng Ukraine và khả năng khôi phục sự hợp tác giữa Nga và Đức sẽ là đề tài chính của cuộc hội kiến được tổ chức trong điện Kremlin ngày Chủ nhật giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Nhà lãnh đạo Đức đến Moscow để tham gia các hoạt động trọng thể kỷ niệm mốc 70 năm Chiến thắng. Trước khi hội đàm, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau tới đặt vòng hoa tại Nấm mồ Chiến sĩ Vô danh.

Đức là quốc gia châm ngòi cho Chiến tranh thế giới lần thứ 2, và là bên bại trận trong cuộc chiến ấy. Và nước Đức cũng là cái nôi của chủ nghĩa phát xít thời kỳ bấy giờ. Bản thân Ngày Chiến thắng cũng để kỷ niệm việc những người Xô Viết đã chiến thắng chủ nghĩa đen tối này như thế nào.

Việc đối diện giữa gánh nặng lịch sử, sứ mệnh hiện tại và tương lai đang đặt gánh nặng lên Thủ tướng Đức Merkel. Nhưng trong hoàn cảnh đó, bản lĩnh của người Đức cũng đang được “người đàn bà thép” này thể hiện.

Bà Merkel cùng các lãnh đạo Nga và thế giới đặt vòng hoa tại Mộ chiến sĩ vô danh ở Moskva hồi năm 2010

Mong muốn tạ lỗi thay cho tiền nhân

“Chúng ta không thể đóng chặt quyển sách về lịch sử của mình” – bà Merkel nói trong ngày 2/5 vừa qua khi nói về chuyến đi tới Nga.

Merkel cho biết dù có những khác biệt với Nga trên vấn đề Ukraine, bà vẫn cảm thấy mình phải có trách nhiệm tham gia lễ đặt vòng hoa cùng Tổng thống Putin, để “tưởng nhớ hàng triệu người chết trong Thế chiến thứ 2”, với trách nhiệm thuộc về nước Đức.

Không phải lúc nào bà Merkel cũng tránh các lễ duyệt binh của Nga. Năm 2010, bà đã dự một buổi lễ như thế, khi lính Anh, Mỹ sánh vai cùng lính Nga tiến bước trên Quảng trường Đỏ, thể hiện sự đoàn kết thời hậu “Chiến tranh Lạnh”. Năm nay bà không tới dự lễ duyệt binh vì quan hệ giữa phương Tây với Nga vẫn đang căng thẳng.

Nhưng bà vẫn muốn tạ lỗi thay cho các lãnh đạo của nước Đức phát xít. Vì thế, bà sẽ tham gia lễ đặt vòng hoa để tưởng nhớ những người đã khuất. Các sử gia nói rằng Liên Xô đã mất hơn 20 triệu người trong Thế chiến thứ 2.

Sau lễ đặt vòng hoa, bà Merkel và ông Putin sẽ có một bữa ăn trưa quy mô nhỏ và một cuộc họp báo ngắn. Rõ ràng người Đức không muốn chuyến đi của bà Merkel gây ra sự chú ý quá mức và tạo ra các tác động chính trị không mong muốn.

Về phần mình, người Nga muốn nhiều người biết tới chuyến đi và nhân cơ hội để cải thiện quan hệ với phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hồi tháng 3 rằng chuyến đi của bà Merkel đặc biệt có ý nghĩa, giúp chấm dứt các chiến dịch chống Nga ở phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay đến đặt vòng hoa tại Ngiã trang Liệt sĩ Vô danh ở Moscow. Ảnh: AFP

Ông Putin và bà Merkel tiếp tục tập trung bàn luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong cuộc gặp mặt diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo tới đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Moscow.

“Chúng ta cần phối hợp để cố gắng cùng nhau tìm ra giải pháp ngoại giao cho tình thế phức tạp hiện nay”, AFP dẫn lời bà Merkel nói, liên hệ tới tình trạng giao tranh dai dẳng giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai miền đông, bất chấp một lệnh ngừng bắn được ký hồi tháng hai tại Minsk.

Tổng thống Putin đồng thời lên tiếng kêu gọi Nga và Đức cần bắt tay để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho “những vấn đề” tồn tại giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về mối quan hệ song phương, cũng như những bất đồng giữa Moscow và Liên minh châu Âu (EU).

Nga hôm qua tổ chức lễ diễu binh lớn nhất trong lịch sử kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít. Buổi lễ có sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ cùng nhiều vũ khí, khí tài quân sự hiện đại, lần đầu xuất hiện, như siêu xe tăng Armata T-14.

Bà Merkel, giống như nhiều lãnh đạo phương Tây khác, không xuất hiện tại lễ kỷ niệm.

Phương Tây luôn phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và cho rằng Moscow hậu thuẫn phe ly khai, làm sâu sắc thêm căng thẳng ở miền đông Ukraine. Nga, trong khi đó phủ nhận mọi cáo buộc.

Bà Merkel nhiều tháng trở lại đây luôn đóng vai trò là người trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Điện Kremlin và phương Tây liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine.

MaiLan(Tổng hợp WSJ, Sputnik, TTXVN)

Theo Tamnhin.net