Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra vào ngày 21/5, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra bản dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ngay sau đó, số lượng tìm kiếm và tải xuống mạng riêng ảo (VPN) ở Hồng Kông đã tăng vọt. “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đã làm cho người Hồng Kông thêm lo ngại về bảo mật internet.
NordVPN – nhà cung cấp VPN tiết lộ, số lượt tải xuống VPN ở Hồng Kông đã tăng 120 lần so với ngày hôm trước. Một phát ngôn viên của NordVPN cho biết, để đối phó với các trường hợp khẩn cấp, các máy chủ mới đã được lắp đặt khẩn cấp tại Đài Loan.
Lần cuối cùng NordVPN thấy số lượt tải xuống lớn ở Hồng Kông là vào tháng 10/2019, lúc ấy ĐCSTQ đang thúc đẩy “Điều luật dẫn độ”, dẫn đến phong trào phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông.
Trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ, cảnh sát Hồng Kông đã gửi đi 5.325 yêu cầu đến các công ty công nghệ để bàn giao dữ liệu người dùng, tăng hơn 1.000 yêu cầu so với nửa đầu năm trước đó, trong đó có yêu cầu Facebook giao nộp địa chỉ IP và tài liệu của bài đăng trên Facebook của Chu Đình (Agnes Chow) một nhà hoạt động xã hội ở Hồng Kông trong một cuộc biểu tình vào ngày 12/6/2019.
Surfshark, một nhà cung cấp VPN khác cũng nói rằng, sau khi ĐCSTQ chính thức đưa ra “Luật An ninh Quốc gia”, doanh số tại Hồng Kông đột nhiên tăng vọt, doanh số trong vòng một giờ đồng hồ đã tương đương với cả tuần trước. “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của người dùng Hồng Kông. Rõ ràng người dân Hồng Kông đã cảm thấy an toàn của họ bị đe dọa trực tiếp”, Naomi Hodges, cố vấn an ninh mạng Surfshark cho hay.
Theo Ray Walsh, một chuyên gia của ProPrivacy VPN, một nhóm ủng hộ quyền riêng tư kỹ thuật số nói rằng, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng dịch bệnh để tăng cường kiểm soát đối với Hồng Kông. Người dân Hồng Kông sợ rằng việc liên lạc với thế giới bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng nên họ đã tìm đến dịch vụ VPN.
Dịch vụ VPN có thể cho phép người dùng truy cập các trang web thông qua các máy chủ ảo, nên sẽ không bị giới hạn bởi khu vực, cũng có thể ẩn vị trí IP thực của người dùng, mã hóa thông tin được truyền bởi người dùng, bảo vệ người dùng khỏi bị theo dõi bởi bất kỳ tổ chức hay chính phủ nào, không để lại các hồ sơ trực tuyến trên máy chủ. Nhiều người dân ở Trung Quốc đại lục đã vượt qua “bức tường lửa” của ĐCSTQ bằng cách dùng VPN.
Một chuyên gia mạng khác nhắc nhở người dân Hồng Kông rằng, họ phải luôn học cách sử dụng phần mềm mã hóa mới để ngăn ngừa tai họa, họ cũng có thể xem xét việc xóa nhật ký trò chuyện và rời khỏi các nhóm trên mạng v.v.
VPNPro, một tổ chức nghiên cứu về bảo mật thông tin, vào năm ngoái đã từng công bố một báo cáo điều tra cho thấy, 97 nhà cung cấp VPN lớn trên toàn thế giới là do 23 công ty mẹ nắm giữ, nhưng 6 trong số 23 công ty mẹ này là công ty tư nhân của Trung Quốc, và họ sở hữu 29 nhà cung cấp VPN.
Một người ở Thâm Quyến từng tham gia kinh doanh VPN ở địa phương tiết lộ rằng, các công ty Trung Quốc bắt đầu tự mình thành lập hoặc mua lại các công ty VPN ở nước ngoài kể từ năm 2015. Sau khi các công ty VPN này được sáp nhập vào công ty Trung Quốc, mặc dù họ vẫn tiếp tục thu phí, nhưng người dùng ngày càng gặp khó khăn khi vượt tường lửa.
Như đã đề cập trong báo cáo trên, mục đích của việc mở rộng các công ty VPN của ĐCSTQ là để tăng độ khó cho người dùng vượt tường lửa, đồng thời thu thập và phân tích các loại trang web mà người dùng truy cập, nội dung và thời gian, kết nối danh tính người dùng, thiết lập dữ liệu người dùng VPN, tăng cường giám sát.
Sau khi ĐCSTQ đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ngoài từ khóa “VPN” được tìm kiếm tăng vọt trên Google ở Hồng Kông, “di cư” và “Đài Loan” cũng trở thành hai từ khóa tìm kiếm phổ biến khác, trong đó, số lượng tìm kiếm cho từ khóa “di cư” tăng hơn bốn lần trong đêm ngày 21 và từ “Đài Loan” tăng gấp đôi.
Minh Huy (Theo Epoch Times)