Trong tương lai, việc răn đe các hoạt động đe dọa, áp bức tại những khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông là một mục tiêu quan trọng mà Lục quân Mỹ cần phải đạt được.
Sau nhiều năm chủ yếu thực hiện các chiến dịch chống khủng bố, nổi dậy ở Trung Đông và gần như bị loại ra khỏi chiến lược “Tác chiến Không Biển” của Lầu Năm Góc ở châu Á, Lục quân Mỹ giờ đây có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực quan trọng này. Mới đây, tổ chức tư vấn được chính phủ Mỹ tài trợ CNA Corp đã đưa ra bản báo cáo kêu gọi Lục quân Mỹ điều chỉnh lực lượng để đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á, chủ yếu là để răn đe và đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. Lục quân Mỹ có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc răn đe Trung Quốc ở châu Á
Bản báo cáo dày 92 trang này cho rằng Lục quân Mỹ cần phải sẵn sàng cho những trận đánh lớn với quân đội Triều Tiên, đồng thời hỗ trợ Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân chuẩn bị đối phó với tham vọng đẩy Mỹ ra khỏi châu Á của quân đội Trung Quốc. Báo cáo này cho rằng Lục quân Mỹ có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á. Theo đó, việc răn đe các hoạt động đe dọa, áp bức tại những khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông là một mục tiêu quan trọng mà Lục quân Mỹ cần phải đạt được. “Trong trường hợp các biện pháp răn đe khác thất bại và điều không lường trước được xảy ra, Lục quân Mỹ cần phải có khả năng dồn lực lượng vào khắp khu vực châu Á để duy trì hòa bình và ổn định”, báo cáo của CNA nhấn mạnh. Lục quân Mỹ hiện có khoảng 80.000 quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 20.000 quân đồn trú ở Hàn Quốc và 22.500 quân ở Hawaii, tuy nhiên lực lượng này đang ngày càng giảm do chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ. Lục quân Mỹ hiện có khoảng 80.000 quân ở châu Á-Thái Bình Dương
Theo CNA, mặc dù Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất hiện nay của Mỹ ở châu Á, các hành động quân sự tiềm tàng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông cũng là những tình huống nguy hiểm cần có sự góp mặt của lực lượng Lục quân Mỹ. Theo đó, Lục quân Mỹ có thể cung cấp khả năng phòng không và chống tên lửa cho lực lượng Mỹ và đồng minh ở châu Á, đồng thời đóng vai trò “đột phá khẩu” chủ chốt trong khu vực để ngăn chặn việc đối phương chiếm giữ bất cứ vị trí chiến lược nào. Ngoài ra, các phương tiện thông tin liên lạc của Lục quân cũng sẽ rất hữu ích trong trường hợp khủng hoảng nổ ra. Trong thời điểm hiện nay, các khả năng trên của Lục quân hầu như không được tận dụng trong chiến lược “Tác chiến Không Biển” của quân đội Mỹ. Chiến lược này chủ yếu tập trung huy động lực lượng Hải quân và Không quân phá vỡ các hệ thống vũ khí “chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực” của Trung Quốc như tên lửa, tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh và chiến tranh mạng. Lục quân hầu như bị “ra rìa” trong chiến lược “Tác chiến Không Biển” của Mỹ
Theo chiến lược “Tác chiến Không Biển” này, Mỹ sẽ sử dụng các loại máy bay ném bom tầm xa phối hợp với hải quân tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc nhằm nhanh chóng đè bẹp và đánh bại Bắc Kinh trong bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai. Vài năm sau, Lầu Năm Góc bổ sung thêm lực lượng Thủy quân lục chiến vào chiến lược này, nhưng việc sử dụng bộ binh gần như bị loại trừ. Tuy nhiên có vẻ như Lầu Năm Góc đã nhận ra thiếu sót trong việc “bỏ rơi” Lục quân, nên trong năm nay, chiến lược này đã được đổi tên là “Can dự Vùng quốc tế Toàn cầu và Liên hợp Cơ động” (JAM-GC).
|
Theo Dân Việt