Lịch sử đã ghi nhận những toà nhà chọc trời không hoàn toàn là những biểu tượng cho nền kinh tế thịnh vượng. Thay vào đó, toà nhà càng cao, chi phí đầu tư càng lớn lại trở thành “điềm báo” cho một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc vừa hoàn thành tòa nhà Shanghai Tower cao 632m, tòa nhà cao nhất nước này và cao thứ hai thế giới (sau Dubai’s Burj Khalifa). Nhân sự kiện này, Business Insider đã tổng hợp các toà nhà gắn liền với “những ngày buồn” của kinh tế thế giới và e ngại về một cuộc suy thoái tiếp theo đang đến rất gần.
Equitable Life Building (1873) – “Trường khủng hoảng” 1873–1878
Tòa nhà Equitable Life Building được xây dựng tại New York vào 1873 cao 43,3 m và là tòa nhà cao nhất thế giới thời điểm đó, mở màn cho cuộc suy thoái dài của kinh tế Mỹ 1873-1878. Hàng loạt ngân hàng sụp đổ, thị trường chứng khoán rơi xuống đáy, lãi suất duy trì dưới mức trung bình.
Auditorium (1889) và New York World (1890) – Cuộc khủng hoảng ngân hàng 1890
Tòa nhà Auditorium của Chicago cao 82m, hoàn thành 1889 và tòa nhà New York World cao 94m hoàn thành năm 1890, trùng hợp với cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Anh, kéo theo suy thoái kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính 1890 là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất nhất thế giới.
Masonic Temple, Manhattan Life Building và Milwaukee City Hall (1893) – Cuộc khủng hoảng đường sắt 1893
Đây là một cuộc khủng hoảng trầm trọng của nước Mỹ khi nhiều công ty đường sắt đóng cửa, cùng với giá cả, tiền lương và lợi nhuận đều rơi xuống mức thấp. Vô số các cuộc đình công, bạo động kéo theo lạm phát và khủng hoảng vàng.
Park Row Building và Philadelphia City Hall (1901) – Thị trường chứng khoán sụp đổ trên sàn NYSE năm 1901
Đúng vào năm xây dựng Park Row Building 119m và Philadelphia City Hall 156m, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ.
Singer Building và MetLife Building (1907) – Cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ 1907-1910
Tòa nhà Singer Building cao 186,5m đặt tại New York và Metropolitan Life Building cao 214m đã “đổi lấy” sự khủng hoảng tài chính 1907 khi chỉ số NYSE giảm 50% và gây ra cuộc hoảng loạn ngân hàng.
Lãi suất tăng đến 125% nhưng người gửi tiền vẫn tháo chạy khỏi các ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng tại Mỹ đã đóng cửa khẩn cấp hoặc hạn chế rút tiền để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ. Tình trạng thiếu tiền mặt diễn ra trên toàn nước Mỹ, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tổng sản lượng giảm 11%.
40 Wall Street (1929), Chrysler (1930) và Empire State Building (1931) – Cơn đại suy thoái 1929-1933
40 Wall Street cao 282,5m, Chrysler building 318m và Empire State Building cao 381m. Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào “ngày thứ 3 đen tối” 1929 khi thị trường chứng khoán ở Phố Wall sụp đổ. Hậu quả lan rộng toàn thế giới và được xem như “đêm trước” của Thế Chiến II.
World Trade Center (1972-1973) và Sears Tower (1974) – Khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới giai đoạn 1973-1975
Toà tháp thứ 1 của World Trade Center được xây xong vào năm 1972, toà thứ 2 hoàn thành năm 1973, còn Sears Tower hoàn thành năm 1974 tại Chicago, trùng hợp với sự bùng nổ khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới 1973-1975.
Giá dầu tăng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xảy ra hiện tượng đầu cơ cổ phiếu, bất động sản, tàu và máy bay trên thế giới.
Đây cũng là 1 trong 7 cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn nhất thế giới khi trong 1 năm giá dầu tăng 86%, và người dân phải xếp hàng dài chỉ để chờ được mua một lượng xăng quy định sẵn.
Thêm vào đó, chỉ số FT30 của Sở giao dịch chứng khoán London bốc hơi 73% giá trị khiến đô la Mỹ mất giá. Thị trường chứng khoán Mỹ mất đến 97 tỷ đô la trong 1,5 tháng, GDP giảm 3,2%, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 9%. Những ngày tồi tệ của kinh tế toàn cầu kéo dài đến tận những năm 1980.
Petronas Towers (1997) – Cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997
Khủng hoảng bắt đầu tại Thái Lan rồi lan ra các nước có nền kinh tế mạnh trong khu vực. Hậu quả của là sự sụp đổ thị trường chứng khoán, tài sản bị sụt giá, nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người rơi xuống ngưỡng nghèo.
“Dư chấn” của khủng hoảng tiền tệ này còn gây ra những căng thẳng về chính trị trong khu vực, lan rộng ra toàn thế giới.
Taipei 101 (1999) – Bong bóng dot-com năm 2000 – 2003
Toà cao ốc cao 509 m được bắt đầu xây dựng năm 1999 và hoàn thành năm 2004. Trong suốt thời gian xây dựng toà nhà chọc trời này, bong bóng dot-com vỡ sau khi có sự bùng nổ công nghệ và suy thoái vào những năm 2000.
“Năm 2000, thị trường đã trượt dốc 50 – 70% khi bong bóng vỡ”, Vincent Chan, chuyên gia đến từ ngân hàng Credit Suisse cho biết.
Burj Khalifa (2010) – Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2010
Toà nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2010, cao 828m. Đây cũng là thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2010, một cuộc khủng hoảng đa lĩnh vực gồm chứng khoán và bất động sản.
Ngân hàng Lehman Brothers bị “xoá sổ” và trở thành vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ. Hàng loạt tổ chức tài chính phá sản, thất nghiệp gia tăng…
Khủng hoảng tại Mỹ khiến các nền kinh tế gắn bó mật thiết với Mỹ như châu Âu, Nhật, Mỹ Latinh… đều suy thoái trầm trọng. Các bất ổn cũng gây ra khủng hoảng giá lương thực toàn cầu, sản xuất đình trệ. Những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn kéo dài đến nay.
Sky City Trung Quốc tạm dừng vì sợ “lời nguyền”?
Trung Quốc có tham vọng xây toà nhà Sky City, ở thành phố Trường Sa, Hồ Nam cao nhất thế giới với 838m gồm 220 tầng, dự kiến mất 628 triệu USD để hoàn thành. Tuy nhiên, toà nhà này nay đã bị cho tạm dừng xây dựng trong bối cảnh Trung Quốc bất ổn về cả kinh tế, chính trị.
Theo Business Insider, Trung Quốc muốn tránh “lời nguyền” toà nhà cao kỷ lục này gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, vốn chỉ mới vừa phục hồi một cách chậm chạp, yếu ớt.