Giang Thanh là người vợ thứ tư của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, khi Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh là một trong những người lãnh đạo quan trong trong thời kỳ này. Năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh phát động chính biến quân sự, bắt giữ “Tứ nhân bang” (hay bè lũ bốn tên), Giang Thanh bị liệt vào người đứng đầu “Tứ nhân bang”.
Năm 1981, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập phiên tòa đặc biệt để tiến hành cái gọi là xét xử công khai đối với “Tứ nhân bang”, đồng thời nhận định họ đều là thành viên của “tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh”, đem tội lỗi của Cách mạng Văn hóa đổ lên đầu họ, và xử tội hình tương ứng. Giang Thanh bị xử tử hình nhưng được hoãn thi hành 2 năm, sau đó được sửa thành án tù chung thân. Ngày 14/5/1991, Giang Thanh tự sát, thọ 77 tuổi.
Đối với phán quyết của tòa án tối cao, Giang Thanh quyết không phục tùng. Còn về đơn khởi tố của công tố viên, tại phiên tòa, Giang Thanh từng tự biện hộ cho mình, và chỉ công tố viên là “điên đảo thị phi, lẫn lộn trắng đen; bẻ cong, bóp méo lịch sử, che dấu bịa đặt sự thực”. Dù lời biện hộ của Giang Thanh nhiều lần bị ngắt, nhưng từ những nghi ngờ này, chúng ta vẫn có thể hiểu được một số sự thật, có thể hiểu được phiên tòa xét xử lần này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xác thực là “bẻ cong, bóp méo lịch sử”.
Ai mới phải là người gánh vác tội lỗi của Cách mạng Văn hóa
Đối với việc “Tứ nhân bang” phải gánh chịu tội lỗi chủ yếu của Cách mạng Văn hóa, trong lời thanh minh của Giang Thanh có nói, bản thân từ lúc phát động Cách mạng Văn hóa năm 1966 đến lúc Mao Trạch Đông chết, từng việc mà bà ta làm, đều là chấp hành chỉ thị và chính sách của trung ương do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo. Giang Thanh chất vấn: “Các vị có thừa nhận Đại hội 9 và Đại hội 10 (ĐCSTQ) hay không? Nếu không thừa nhận, thì là tách rời khỏi bối cảnh lịch sử quan trọng, che dấu sự kiện lịch sử to lớn…”
Giang Thanh không phục, xác thực là cũng có đạo lý. Cách mạng Văn hóa là do Mao Trạch Đông phát động, tất cả những điều mà Giang Thanh làm đều là tuân theo chỉ thị của Mao Trạch Đông.
Còn về sự xuất hiện của cụm từ “Tứ nhân bang” là sau Cách mạng Văn hóa, và chính từ miệng Mao mà ra. Ngày 17/7/1974, tại Hội nghị Bộ Chính trị ĐCSTQ, Mao Trạch Đông nói: “Cô ta (Giang Thanh) được coi là bang Thượng Hải chứ sao. Các vị cần chú ý đấy, không nên làm thành tông phái 4 người đấy.” Cuối tháng 12/1974, Mao lại nói với Vương Hồng Văn: “Ông không nên làm thành tứ nhân bang”.
Trong định nghĩa về “Tứ nhân bang” của Mao, Giang Thanh từng nhậm chức Tổ phó Tiểu tổ lãnh đạo Cách mạng Văn hóa Trung ương, một chức mang nhiều tiếng xấu mà ai cũng biết, sau Đại hội 9 ĐCSTQ, Giang Thanh được bầu chọn làm Ủy viên Bộ Chính trị; Trương Xuân Kiều, là lãnh tụ Công xã Thượng Hải trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Tổ phó Tiểu tổ lãnh đạo Cách mạng Văn hóa Trung ương, sau được bầu chọn làm Thường ủy Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện; Vương Hồng Văn, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, là kẻ đứng đầu tổ chức phe phái công nhân tạo phản lớn nhất Thượng Hải, sau Đại hội 10, trở thành Phó chủ tịch nước, Thường ủy Bộ Chính trị, là người được Mao có ý bồi dưỡng thành người kế nhiệm; Diêu Văn Nguyên, do biên soạn bài tuyên cáo nổi tiếng bắt đầu Cách mạng Văn hóa, về sau được bầu chọn làm Ủy viên Bộ Chính trị. Bốn người này đều ỷ lại vào sự đề bạt và bảo vệ của Mao Trạch Đông, và lòng trung thành của họ đối với Mao cũng có thể dễ dàng thấy được.
Điều rất hiển nhiên là, “Tứ nhân bang” hình thành sau Đại hội 10 ĐCSTQ (năm 1973). Họ không cần phải nhận trách nhiệm chủ yếu cho việc phát động Cách mạng Văn hóa, mặc dù họ dựa vào Cách mạng Văn hóa mà leo lên đỉnh cao trong vũ đài chính trị, và cũng làm không ít việc xấu. Giống như Giang Thanh đã nói trong phiên xét xử, bà ta chẳng qua chỉ là con chó của Mao Trạch Đông, Mao bảo cắn ai thì cắn người đó.
Còn chính quyền Trung Quốc thì thừa nhận: “Tứ nhân bang” là trợ thủ chủ yếu tư tưởng chính trị được Mao Trạch Đông quán triệt vào thời kỳ cuối Cách mạng Văn hóa. Mặc dù là trợ thủ, nhưng vẫn cần nghe lời người đứng đầu. Dưới sự gợi ý của Mao Trạch Đông, năm 1974, “Tứ nhân bang” phát động “cuộc vận động phê bình Lâm Bưu, phê bình Khổng Tử”, đồng thời, được Mao ngầm cho phép, “Tứ nhân bang”chuyển hướng cuộc vận động này sang người đang bị bệnh nặng phải nằm viện – Chu Ân Lai.
Năm 1975, vẫn dưới sự chỉ đạo của Mao, “Tứ nhân bang” lại triển khai các cuộc thảo luận về bất bình đẳng xã hội, quyền lực chính trị và liên quan đến vấn đề ví dụ như chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, phương châm giáo dục, đưa công nghệ nước ngoài vào, lão cán bộ phục chức, v.v. “Tứ nhân bang” phê phán quyền lợi giai cấp tư sản không kiêng nể gì, đề xuất cần hạn chế đối với giai cấp tư sản, và cần phải tiến hành chuyên chế độc tài. Không có Mao làm hậu thuẫn, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình sẽ không coi “Tứ nhân bang” ra gì.
Hiển nhiên, ĐCSTQ đem tội lỗi phát động Cách mạng Văn hóa đổ lên đầu “Tứ nhân bang” là có nguyên nhân và mục đích. Bởi vì đã hại chết biết bao nhiêu người Trung Quốc, Cách mạng Văn hóa đã mang đến đại tai nạn cho người Trung Quốc, nên cần phải có người gánh vác tội lỗi, nhưng nếu đem tội lỗi này đổ cho Mao, ĐCSTQ liệu có thể đứng vững được không? Vì để kéo dài thọ mệnh của ĐCSTQ, nên ĐCSTQ đã có ý đẩy trách nhiệm mà Mao phải gánh cho kẻ khác, và kiểm soát việc xét lại Cách mạng Văn hóa, mục đích cũng chính là che dấu bản chất tàn ác của ĐCSTQ, để nó có thể tiếp tục gây hại cho Trung Quốc.
Cách mạng Văn hóa: Thảm họa bị lãng quên…
Chuyện hoang đường thời Cách mạng Văn hóa: Hậu quả vì không khóc khi Mao Trạch Đông qua đời
Những tội danh hoang đường trong thời Cách mạng Văn hóa
Lâm Bưu và Giang Thanh là chiến hữu thân mật?
Đơn khỏi tố Lâm Bưu và Giang Thanh đều quy hai người này là “tập đoàn phản cách mạng”, về cáo buộc này, Giang Thanh phản bác: “đơn khởi tố này của các vị coi kẻ muốn giết chết tôi là Lâm Bưu thành thành viên và trong cái mà các vị gọi là tập đoàn, sao lại có thể để người mưu hại và người bị mưu hại ngồi cùng chỗ được?”, “tôi và Lâm Bưu có cuộc chiến một mất một còn, khi tôi đấu tranh với tên bán nước này, thì không biết được các vị đang ở đâu cơ đấy!”
Đúng như lời Giang Thanh nói, trong Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu và “Tứ nhân bang” chưa từng có mối quan hệ hợp tác thực sự. Ngược lại, giữa hai bên đều đầy những xung đột. Nghe nói, Lâm Bưu rất muốn bài xích vị trí trong Tiểu tổ lãnh đạo Cách mạng Văn hóa Trung ương của Giang Thanh, nhiều lần ủng hộ ý đồ Hoàng Vĩnh Thắng đánh bại Giang Thanh, còn Giang Thanh cũng hận Lâm Bưu đến xương tủy.
Hơn nữa, Cách mạng Văn hóa bùng nổ về cơ bản không liên quan gì đến Lâm Bưu, có thể đả đảo Lưu Thiếu Kỳ và cất nhắc Lâm Bưu chỉ có bản thân Mao. Trong vấn đề đối đãi với phát động Cách mạng Văn hóa và trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một mặt Lâm Bưu biểu thị ủng hộ Mao, mặt khác lại ký 8 điều trong Quân ủy, chủ trương quân đội không tham gia Cách mạng Văn hóa, cần xử lý công việc công bằng, biểu thị rõ thái độ thực sự của mình.
Năm 1969, Lâm Bưu trở thành người sẽ kế nhiệm Mao, bắt đầu cùng với Mao trong xây dựng quan hệ với Mỹ và làm thế nào xây dựng lại cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ, ví dụ như có thiết lập chức vụ chủ tịch nước đã gây chia rẽ. Người đa nghi như Mao đã bắt đầu hoài nghi Lâm Bưu muốn lật đổ ông ta, nghi ngờ Lâm Bưu muốn cướp quyền lực từ tay mình. Đặc biệt là sau đó, Mao phát động vận động phê bình Trần Bá Đạt, Lâm Bưu không hoàn toàn nghe theo Mao, mà lựa chọn thái độ tiêu cực là không tham gia hội nghị để phản đối, điều này khiến Mao càng hoài nghi Lâm Bưu hơn. Từ đó Mao bày ra âm mưu hạ bệ Lâm Bưu. Chu Ân Lai cũng một lần nữa lựa chọn trợ giúp cho Mao, đến lúc cả nhà Lâm Bưu chết không còn xương cốt cũng vẫn không hiểu ra.
Ngày 13/9/1971, Lâm Bưu ngồi máy bay và bị rơi ở Mông Cổ. Sau đó, Mao lại bắt đầu một cuộc thanh trừng mới. Hơn 20 quan chức quân đội cấp cao ủng hộ Lâm Bưu đang trên đường đào thoát đến Hồng Kông cũng bị Mao bắt lại, trong 21 Ủy viên Bộ Chính trị, có 11 người bị xóa bỏ chức vụ, còn Lâm Bưu bị chụp mũ với hàng loạt tội danh như âm mưu ám sát Mao, xây dựng độc tài quân sự cực tả.
Do đó, ĐCSTQ đem gộp Lâm Bưu và “Tứ nhân bang” lại để đánh, mục đích chỉ có một, đó chính là bẻ cong lịch sử, che dấu tội ác của mình.
Phủ nhận từng nói “Đặng Tiểu Bình là Hán gian”
Trong lời biện hộ của mình, Giang Thanh chỉ ra, đơn khởi tố đã biên tạo ra một số tội danh không có căn cứ, ví như nói Giang Thanh từng nói Đặng Tiểu Bình là Hán gian. “Tội Hán gian cần có sự thực, tôi không có tài liệu nào nói ông ấy là Hán gian. Tôi đã nói lời này lúc nào cơ chứ? Không có, tôi chưa từng nói lời này. Chính là những lời đồn thổi thôi”, “giữa tôi và Đặng Tiểu Bình có tranh đấu, trước giờ tôi không phủ nhận điểm này, nhưng tôi không nói thì sao có thể thừa nhận được chứ?”
Liên quan đến câu nói “Đặng Tiểu Bình là Hán gian”, lịch sử của ĐCSTQ không hề đề cập đến, còn bên ngoài Trung Quốc có kênh truyền thông căn cứ vào hồ sơ của Liên Xô xác nhận chỉ là bịa đặt. Còn con gái của Đặng Tiểu Bình là Đặng Dung từng nhớ lại, trước mặt con gái, Đặng Tiểu Bình trước giờ chưa hề nói đến bố mình (bố của Đặng). Vậy Đặng Tiểu Bình đang cố gắng tránh né điều gì?
Tài liệu cho biết, bố của Đặng Tiểu Bình là Đặng Văn Minh, là nhân vật phong lưu tại Quảng An đầu thế kỷ 20, từng lấy 4 người vợ, mẹ đẻ của Đặng Tiểu Bình là vợ thứ 2 của Đặng Văn Minh. Đặng Văn Minh từng làm Cục trưởng dân quân tự vệ Quảng an, sau trở thành người đứng đầu phân hội Hiệp Hương của Hiệp hội Ca Lão, đã từng trấn áp vài lần ĐCSTQ kích động bạo loạn, giết nhiều thổ phỉ cộng sản. Một ngày năm 1963, trên đường về quê bái Phật, bị thổ phỉ hoặc kẻ địch giết hại. Về sau Đặng Tiểu Bình kể lại, cuộc sống thủa nhỏ là cuộc sống quý công tử rất tự do và rất giàu có, bố của Đặng Tiểu Bình từng làm tổng ban cảnh vệ huyện Quảng An.
Giới phân tích cho rằng, bố của Đặng Tiểu Bình bị giết hại tại quê nhà, nếu như giết hại bố của Đặng Tiểu Bình chính là ĐCSTQ, bản thân mình lại là lãnh đạo của ĐCSTQ, nếu trở về quê nhà, Đặng Tiểu Bình sẽ rất khó xử?
Những quan chức cấp cao khác trong ĐCSTQ gánh vác trách nhiệm gì?
Đối với tội danh của “Tứ nhân bang” trong đơn khởi tố, Giang Thanh hỏi ngược lại Đặng Tiểu Bình và quan các quan chức cấp cao khác trong đảng: “Sau khi trung ương đảng trao cho tôi quyền lãnh đạo, tôi vẫn luôn luôn làm việc trong phạm vi quyền hạn của mình, vậy làm sao có thể nói là tôi phi pháp chứ? Nói như vậy, Mao được các vị tôn làm người đứng đầu trung ương đảng rốt cuộc là ở vị trí nào? Rốt cuộc các vị có thừa nhận báo cáo chính trị và hàng loạt những văn kiện quan trọng cùng những lời phát biểu phê chuẩn của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai được Đại hội 9 và Đại hội 10 thông qua?”
“Tất cả những gì tôi làm, Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong bao gồm tuyệt đại đa số các vị hiện tại đều đã từng trăm miệng một lời ủng hộ, tham gia; các vị làm thế nào để giải thích những hành vi khi xưa của các vị?”.
“Những lời vu cáo của các vị đối với Ủy viên Trung ương, Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 8, đúng là những chuyện kỳ lạ chưa từng có từ trước tới giờ. Trong Cách mạng Văn hóa, quần chúng đối với cơ quan các cấp và lãnh đạo các cơ quan đã đề xuất rất nhiều vấn đề, tiết lộ nhiều việc làm xấu trong lịch sử, tôi là một Tổ phó tiểu tổ lãnh đạo Cách mạng Văn hóa Trung ương, đã đòi Khang Sinh danh sách những người có vấn đề, nên đã trở thành chứng cứ hãm hại. Lẽ nào nói, quần chúng cách mạng tiết lộ những vấn đề đó, đều là do Giang Thanh tôi tự làm ra sao? Lẽ nào tại Hội nghi Lư Sơn, những tài liệu vạch Trần Bành Đức Hoài, đều là do Giang Thanh tôi tự đặt kế hoạch và làm ra sao? Rõ ràng là do trung ương đảng định án cho họ, tôi xem xong tài liệu liền nói với họ, liền thành Giang Thanh tôi vu cáo, điều này có thể thuyết phục lịch sử và người đời sau không?”.
“Theo các vị nói, 10 năm Cách mạng Văn hóa, hàng trăm triệu quần chúng tham gia cuộc vận động này, tất cả những người tiết lộ đi theo phe tư bản và phản đồ, đặc vụ cho đến tất cả những kẻ đầu trâu mặt ngựa, tất cả đều là giả, tất cả đều là án oan, án giả, án sai, đều là do Giang Thanh tôi tính toán sắp đặt, điều này có khả năng không? Đây chẳng phải là phủ nhận năng lực và tài hoa của các vị sao? Nếu Giang Thanh tôi có bản sự lớn thế này, sao lại phải ngồi ở ghế bị cáo này?”.
“Tài liệu phản đồ của Lưu Thiếu Kỳ, là ông ta 3 lần bị bắt, rồi ngồi tù viết ra, lẽ nào là tôi tự biên tạo ra? Ông ta ra tù như thế nào, ngay cả khi chỉnh phong Diên An, các vị hiện tại trong Trung ương đều đưa ra hoài nghi của mình, còn có tố giác…”
Đúng như những lời của Giang Thanh nói, mặc dù bà ta làm nhiều việc xấu theo chỉ thị của Mao, nhưng những quan chức cấp cao của ĐCSTQ đi theo Mao như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, v.v, chẳng phải là đang nối giáo cho giặc. Vậy họ gánh vác trách nhiệm như thế nào?
Lời kết
Tội ác của Giang Thanh trong thời Cách mạng Văn hóa là không có gì để nghi ngờ, dù những lời biện hộ có sự tách khai bản thân mình ra khỏi trong đó, nhưng những sự thực Giang Thanh tiết lộ cũng không dễ bị phớt lờ. Theo tác giả bài viết, ĐCSTQ lẫn lộn Lâm Bưu và “Tứ nhân bang” lại với nhau, mục đích duy nhất chính là bóp méo lịch sử, che dấu tội ác của ĐCSTQ. Còn ĐCSTQ cũng hiểu rất rõ ràng, một ngày lớp mặt nạ của Mao được rạch ra, chính là thời khắc ĐCSTQ sụp đổ.
Theo Trithucvn