Các loại thuốc trừ sâu hiện nay dù được dán nhãn là không độc hại, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Bài viết sau sẽ chỉ cho các bạn biết các loại thuốc thay thế hoàn toàn thiên nhiên lại an toàn và tiết kiệm.
Các hóa chất độc hại này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn là nguyên nhân chính gây ra cái chết hàng loạt của ong. (Ảnh: Pixabay)Mặc dù nhiều loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ được dán nhãn là không độc hại, “có khả năng phân hủy sinh học”, nhưng khoa học gần đây đã chỉ ra rằng điều này hoàn toàn ngược lại.
Ví dụ thuốc diệt cỏ Glyphosate nổi tiếng của hãng Monsanto đã được chứng minh rằng có thể tiêu diệt các tế bào sống của con người. Ngoài ra, sản phẩm này còn liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe như bệnh ung thư, chứng tự kỷ, bệnh tim và trầm cảm.
Các hóa chất độc hại này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn sụt giảm bầy đàn (CCD – Colony Collapse Disorder), hiện tượng xảy ra khi số lượng đàn ong bị chết hàng loạt.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng: Khi một con ong đậu lên bông hoa được phun nhiều loại thuốc trừ sâu, chúng sẽ bị các hóa chất trong thuốc tấn công hệ thần kinh trung ương. Hậu quả là con ong sẽ bị mất phương hướng và trí nhớ của nó cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Con ong bị ngộ độc sẽ không tìm được đường trở về tổ, vì thế bầy ong sẽ bị sụt giảm.
Do ong là loài thụ phấn chính cho khu vườn của chúng ta, nên mọi người không nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có thể giết chết chúng. Nhất là khi có không ít các lựa chọn thay thế khác mang lại sự an toàn cao, dễ sử dụng và tiết kiệm về mặt chi phí. Chúng có thể đang được cất ngay trong tủ đựng thức ăn của nhà bạn.
Dầu Neem
Dầu neem được chiết xuất từ cây xoan Ấn Độ (Azadirachta indica). Loài cây thường xanh này có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ.
Dầu neem được ca ngợi như người bạn tốt nhất của người làm vườn. Nó cho hiệu quả cao trong việc đẩy lùi nhiều loại sâu bệnh như ve, rệp, nấm mốc,…
Dầu neem hữu cơ khi được sử dụng ở liều lượng vừa phải sẽ không gây nguy hiểm cho người hoặc con ong thụ phấn.
Không giống như thuốc trừ sâu hóa học, dầu neem có khả năng phân hủy sinh học một cách nhanh chóng và không để lại dư lượng lâu. Dầu Neem khá đậm đặc. Vì vậy, bạn hãy pha loãng đúng cách, tốt nhất hàm lượng dầu neem trong nước không được quá 3%.
Giấm
Do tính chất axit nên cả giấm rượu vang trắng và giấm táo đều có thể được sử dụng để làm thuốc diệt cỏ hiệu quả.
Bạn cần đổ đầy giấm vào bình xịt rồi tiến hành phun, hoặc tưới trực tiếp lên loại cỏ dại mà bạn muốn diệt. Bạn cũng có thể tạo một ít hỗn hợp rượu giấm với 4 lít giấm, một cốc muối Epsom và một muỗng xà phòng thực vật Castile.
Muối Epsom
Muối Epsom là một giải pháp lý tưởng cho bất kỳ khu vườn hữu cơ nào. Nó hoàn toàn an toàn, không độc hại và thân thiện với ong.
Ngoài việc là một loại phân bón giàu magiê cho cây cà chua và hạt tiêu, muối Epsom còn là một thứ hiệu quả để đuổi những sinh vật gây hại như sên và ốc ra khỏi cây cối của bạn.
Cách làm là bạn chỉ cần rắc muối xung quanh gốc cây bị sên, ốc tấn công. Hoặc phun hỗn hợp muối Epsom được pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1 vào lá cây đang bị các loài sâu bọ và bọ cánh cứng tàn phá.
Hoa cúc
Trong hoa cúc có chứa một hợp chất chống côn trùng gọi là “pyrethrin”. Do đó, có thể trồng hoa cúc trong vườn để đẩy lùi sâu bệnh, hoặc pha thành trà để phun lên lá cây. Lưu ý sau khi trà để nguội mới được sử dụng.
Tiêu, tỏi và hành tây
Giống như việc phun hạt tiêu lên người sẽ khiến da chúng ta trở nên khó chịu, thì ở nồng độ nhẹ hơn nó cũng có thể tiêu diệt côn trùng.
Bạn có thể dùng một ít ớt hoặc hạt tiêu habanero kết hợp cùng tỏi (hoặc hành tây) và nước nghiền nát trong máy xay sinh tố. Sau đó đun sôi, để nguội và chuyển sang một thùng chứa. Thêm vào một chút nước để đảm bảo rằng bạn không đốt cháy cây cối. Và thế là bạn đã có một hỗn hợp “thuốc trừ sâu” thân thiện với môi trường rồi. Một lưu ý nhỏ là bạn cần đeo găng tay và kính bảo vệ mắt khi chế tạo hỗn hợp này.
Xà phòng sinh học Castile
Với hoạt tính dịu nhẹ và không độc hại, xà phòng sinh học Castile có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên nếu biết rằng đây chính là một loại thuốc trừ sâu mạnh mẽ. Hiệu quả mà nó có được là nhờ các axit béo có trong xà phòng dầu ô liu.
Hãy pha chế một dung dịch 2% xà phòng cùng với nước. Sau đó có thể đổ thêm một ít dầu ăn, giấm, dầu neem, hoặc hạt tiêu vào là bạn đã có một hỗn hợp thuốc trừ sâu hiệu quả mà an toàn.
Giấy nhôm
Giấy nhôm có thể được tái sử dụng để đẩy lùi rệp hoặc bọ chét trong khu vườn của bạn.
Bạn hãy cắt mỏng giấy nhôm thành các sợi dài và quấn chúng quanh gốc cây bị sâu bọ tấn công. Ngoài ra, bạn cũng có thể xé nhỏ nó và trộn với lớp đất phủ xung quanh cái cây của bạn. Phản xạ ánh sáng sẽ đánh lừa côn trùng gây hại và đuổi chúng đi.
Tinh dầu
Một thành phần quan trọng của nhiều loại thuốc chống côn trùng tự nhiên được dùng cho cơ thể là dầu khuynh diệp. Đây cũng là một phương pháp hiệu quả để xua đuổi các côn trùng có hại ra khỏi khu vườn của bạn.
Các loại tinh dầu khác như cam, bạc hà và hương thảo cũng có thể được sử dụng.
Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần rắc một vài giọt tinh dầu xung quanh khu vực bị sâu bọ tàn phá. Hoặc đổ thêm chúng vào một chai xịt đầy nước, sau đó phun trực tiếp lên loài thực vật đang bị sâu bọ phá hoại.
Hồng Liên, theo GC