Mới đây, một Tiến sĩ động vật học từ Oxford đã tìm thấy loại tôm mới ở Thái Bình Dương có khả năng tạo ra âm thanh lớn hơn cả một buổi biểu diễn nhạc rock. Do đó nó được đặt tên theo một nhóm nhạc rock huyền thoại – Pink Floyd.
Tờ CNN cho biết, Tiến sĩ Động vật học Sammy de Grave từ Đại học Oxford là một trong những người phát hiện ra loài tôm Pink Floyd, đồng thời ông cũng là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của nhóm nhạc rock Pink Floyd.
Chia sẻ về đam mê của mình, de Grave nói: “Tôi đã nghe nhạc của Pink Floyd kể từ album The Wall khi nó được phát hành vào năm 1979, khi đó tôi 14 tuổi. Kể từ đó, tôi đã tới xem rất nhiều buổi trình diễn ngoài trời của họ, bao gồm cả buổi tái hợp ở Hyde Park trong chuỗi các buổi biểu diễn nhạc từ thiện Live8 diễn ra năm 2005“.
Theo tờ Telegraph, de Grave đã dành một thời gian dài tìm kiếm loài sinh vật hoàn hảo để vinh danh ban nhạc này, và cuối cùng ông đã tìm ra loài vật phù hợp với yêu cầu của mình ở quần đảo Las Perlas, trên bờ biển Thái Bình Dương của Panama. Loài tôm mới phát hiện có một càng lớn có thể tạo ra âm thanh lên tới 210 decibel, “to” hơn cả một buổi trình diễn rock. Thậm chí tên khoa học của nó cũng liên quan đến nhóm nhạc này – Synalpheus pinkfloydi.
“Mô tả về loài tôm mới được phát hiện này là cơ hội hoàn hảo để tôi có thể bày tỏ tình yêu với bạn nhạc Pink Floyd”, nhà động vật học này chia sẻ.
Các nhà khoa học cho biết, tôm Pink Floyd sử dụng chiếc càng lớn như một khẩu súng siêu thanh bằng cách đóng hoặc mở rộng cặp càng với tốc độ nhanh, hành động này tạo ra một vụ nổ phát ra âm thanh cực lớn có thể gây choáng thậm chí giết chết con mồi. Ngoài ra, âm thanh do loài tôm này phát ra còn được dùng trong việc giao tiếp, liên lạc với đồng loại.
Đặc điểm nổi bật của nó là cặp càng bất đối xứng. Cụ thể, một chiếc càng của chúng có kích thước lớn trong khi chiếc càng còn lại nhỏ hơn rất nhiều, thậm chí nếu không để ý bạn có thể nghĩ nó chỉ có 1 càng.
Theo nghiên cứu, loài giáp xác này sống phổ biến ở vùng nhiệt đới Đông Thái Bình Dương, nhưng do chúng sống trong môi trường khắc nghiệt nên rất khó có thể tìm thấy.
Tiến sĩ Sammy de Grave không phải nhà khoa học duy nhất đặt tên theo sở thích của mình, từng có một hóa thạch được đặt tên là “Carmenelectra shehuggme” và một loài bọ cánh cứng có tên là “Gelae donut”.
Điều thú vị nhất có thể thấy ở đây là nếu bạn là một nhà khoa học, bạn có thể đặt bất cứ tên gì cho thứ bạn khám phá ra. Vậy nếu khám phá ra một loài mới, bạn sẽ đặt tên cho nó là gì?
Theo GenK