Cá mái chèo khổng lồ (Regalecus glesne) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm bắt gặp vì chúng sống ở sâu dưới lòng đại dương. Người Nhật tin rằng nếu cá mái chèo xuất hiện thì rất có thể sẽ có động đất xảy ra.
Cá mái chèo khổng lồ được coi là sống ở độ sâu khoảng 1.000m so với mặt nước biển. Theo các nhà khoa học, cá mái chèo là loài sinh vật sống có xương dài nhất thế giới với chiều dài có thể đạt được là 17m và có thể nặng tới 270kg.
Do rất hiếm gặp, nên các nhà khoa học cũng không có mấy hiểu biết về loài cá này, chỉ biết chúng thường sống ở tầng nước mặt tại những vùng biển sâu. Trước đây, ở Mexico có chụp và quay được cảnh dưới nước về chúng, cho thấy cơ thể cá mái chèo thẳng, khi bơi không hề có động tác uốn trườn mà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động lượn sóng của vây lưng để bơi về phía trước.
Cá mái chèo có thân màu bạc, đôi khi còn được gọi là “vua của cá trích” vì có những đặc điểm bề ngoài tương tự với loài cá nhỏ này. Tuy nhiên, chúng được đặt tên là cá mái chèo vì có phần vây ngực dài như những chiếc mái chèo. Ở Palau, nơi cá mái chèo từng được mô tả trên một con tem vào năm 2000, loài cá còn được gọi là cá gà trống nhờ phần vây mảnh và có màu đỏ. Một số người còn gọi chúng là cá hố (ribbon-fish).
Ngày 8/2/2017, cư dân ở tỉnh Surigao del Norte, miền nam Philippines, đã phát hiện xác một con cá mái chèo khổng lồ trôi dạt vào bờ biển. Hai ngày sau đó, trận động đất mạnh 6,7 độ Richter ngày 10.2 đã khiến hàng ngàn người dân địa phương phải sơ tán.
Ngày 17/4/2016, khách du lịch đi câu cá tại vùng ven biển và Taimali tại Đài Loan, có phát hiện 1 con cá mái chèo dài 3m. Ngày hôm sau xảy ra 1 cơn địa chấn mạnh 4.2 độ Richter. Ngày 19/4/2016, Tại vùng biển Đài Nam Đài Loan tiếp tục có cơn địa chấn mạnh 4.3 độ Richter.
Từ đêm ngày 27 đến rạng sáng ngày 28 tháng 4 năm 2016, toàn bộ khu phía Đông Đài Loan xảy ra địa chấn, người ta ghi nhận đã nhìn thấy 2 con cá mái chèo quanh khu vực ven biển Taimali.
Trên thế giới cũng có những ghi nhận như vậy về loài cá này. Tại vùng biển Hernán Cortés, Mexico, các du khách phát hiện phía xa dường như có 2 con cá khổng lồ đang bị trôi dạt vào bờ, nhưng khi 2 con cá này bơi gần bờ hơn, thì tất cả mọi người đều thấy kinh ngạc.
Một con trong đó đã dừng lại bên một phiến đá ngầm, hiện ra cái đầu màu bạch kim, trên đỉnh đầu có một cái bờm màu đỏ. Con còn lại rẽ sóng bơi lại gần bờ hơn, có thể thấy rõ sống lưng màu đỏ, vẫy vẫy sóng uốn lượn. Một vài du khách can đảm đã lại gần và sờ vào chúng.
Sau đó, họ hợp sức lại vây bắt con cá và cuối cùng cũng đưa được nó lên bờ. Rất nhiều người hiếu kỳ đều đến vây quanh để xem.
Hình dáng kỳ lạ và to lớn của nó khiến nhiều người rùng mình. Cá mái chèo có thể trông giống một con quái vật biển đáng sợ, nhưng chưa bao giờ chúng được coi là nguyên nhân gây nguy hiểm cho con người.
Tại Nhật Bản, cá mái chèo từ lâu được sử dụng làm hình ảnh minh họa trong văn hóa dân gian. Loài cá mái chèo mảnh hơn (Regalecus russelii) so với cá mái chèo khổng lồ được coi là một thông điệp được gửi đến từ cung điện từ thần biển. Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.
Theo Japan Times, có thể có một số cơ sở khoa học để tin vào điều này. Kiyoshi Wadatsumi, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động đất tại tổ chức phi chính phủ e-PISCO, cho biết loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy so với những loài cá sống ở gần bề mặt biển.
Theo daikynguyenvn