Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện loài cá mới sống ở sông Mêkông, địa phận Việt Nam. Điều đặc biệt là, con đực thuộc loài cá này có bộ phận sinh dục nằm phía dưới đầu và chìa ra một “cái lưỡi cưa” để dễ dàng giao phối với con cái.
Theo tạp chí New Scientist, đó là cá Phallostethus cuulong, đặt theo tên tiếng Việt sông Cửu Long của Việt Nam. Đây chỉ là loài thứ 22 trong chi cá Priapiumfish – được lấy theo tên của vị thần tình dục và sinh sản cổ đại Hy Lạp Priapus. Tất cả chúng sống tại các dòng sông Đông Nam Á. Trong chuyến công tác tại Việt Nam năm 2009, nhà khoa học Koichi Shibukawa làm việc tại Quỹ Môi trường tự nhiên Nagao, Nhật đã phát hiện loài cá mới này. Ông nhìn thấy một con đang bơi tại một con kênh thuộc sông Mêkông và bắt nó. Sau này, trong quá trình hợp tác, nghiên cứu với các đồng nghiệp tại ĐH Cần Thơ, ông Shibukawa mới xác nhận đây là một loài cá mới. Cá đực có chiều dài cơ thể khoảng 2cm.
Các nhà khoa học chưa thấy quá trình giao phối của một cặp cá Phallostethus cuulong. Nhưng dựa trên những quan sát ở các loài cá Priapiumfish khác, họ cho rằng “cái lưỡi cưa” chìa ra ở phần dưới đầu của con đực để “thu hút bạn tình”, dễ dàng giữ chặt và phóng tinh vào bộ phận sinh dục con cái trong quá trình giao phối. “Chúng tôi cũng không biết lý do tại sao các loài cá Priapiumfish phát triển tuyến sinh dục đặc biệt như thế”, nhà khoa học Lynne Parenti làm việc tại Viện Smithsonian, Mỹ cho biết trên New Scientist. Chúng thuộc về một gia đình cá gọi là Atherinomorpha – trong đó vây ngực của cá đã tiến hóa thành chức năng “vận chuyển tinh trùng”, ông Parenti cho biết thêm. Thiên Nhiên |
Theo VietnamNet