Hôm 22/1, hàng trăm người dân Tokyo tham gia diễn tập sơ tán trong trường hợp một tên lửa Triều Tiên sắp phóng tới, lần đầu tiên kể từ khi Thế Chiến II kết thúc.
Cuộc diễn tập được tổ chức tại Công viên giải trí Tokyo Dome, một ga tàu điện ngầm và một khu trung tâm thương mại.
“Chúng tôi có thông tin một vụ phóng tên lửa vừa diễn ra. Xin hãy bình tĩnh sơ tán vào trong các tòa nhà hoặc lòng đất“, tiếng loa vang lên trong cuộc diễn tập sơ tán tại một công viên ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 22/1, AFP đưa tin.
Một nhân viên công viên chạy xung quanh hét lớn “một tên lửa đã được phóng”. Khoảng 250 người dân, dân văn phòng nhanh chóng sơ tán vào các tòa nhà bê tông được gia cố và ga tàu điện ngầm gần đó.
Tại công viên giải trí, những người quản lí công viên dừng ngay lập tức các hoạt động. Những người tham gia sẽ rời ngay bàn tham quan, bình tĩnh di chuyển đến tầng hầm.
Vài phút sau đó loa phát thanh phát đi thông điệp thứ hai: “Tên lửa đã đi qua. Tên lửa dường như đã bay qua vùng Kanto ra Thái Bình Dương“.
Đây là lần đầu tiên một cuộc diễn tập sơ tán để đối phó với các cuộc tấn công quân sự được chính phủ Nhật Bản tổ chức ở thủ đô Tokyo từ sau Thế Chiến II. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực ở mức cao, liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Triều Tiên từng dọa “nhấn chìm” Nhật Bản, đồng minh chiến lược của Mỹ tại khu vực, hoặc biến nước này thành “tro tàn”.
Các cuộc diễn tập sơ tán đã quen thuộc với người dân Nhật Bản nhưng thường mô phỏng xảy ra thảm họa tự nhiên, hỏa hoạn…
“Tôi nghĩ có diễn tập vẫn tốt hơn. Tôi cầu nguyện sẽ không có tên lửa tấn công phóng từ Triều Tiên“, Shota Matsushima, 20 tuổi, sinh viên đại học, gần khu vực diễn tập, nói.
Tuy nhiên, số khác lại phản đối. “Tôi không muốn tham gia diễn tập và tôi phản đối bởi nó giống như một cách thúc đẩy chiến tranh vậy“, Ikie Kamioka, 77 tuổi, cựu giáo viên tiểu học, cho biết. Ông là một trong số hàng chục người biểu tình phản đối diễn tập.
Năm 2017, Triều Tiên phóng 2 tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản, rơi xuống vùng biển gần nước này, làm dấy lên cả sự lo sợ lẫn giận dữ. Mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa, hệ thống báo động toàn quốc Nhật Bản sẽ kích hoạt, cảnh báo người dân thông qua điện thoại di động cùng các loa phát thanh.
Nhiều người cho rằng hệ thống báo động vô dụng bởi họ có quá ít thời gian để sơ tán và những cơ sở có thể trụ được một cuộc tấn công hạt nhân không nhiều.
Tú Văn (t/h)