Trước tình hình người Trung Quốc “núp bóng” mua đất ở vị trí nhạy cảm, pháp luật còn sơ hở để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân đề nghị sớm xây dựng luật An ninh kinh tế.
Hôm qua 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh cho năm 2020, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng pháp luật đang có “khoảng trống”, “điểm sơ hở” để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, nhất là vấn đề nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc) núp bóng mua đất ở vị trí nhạy cảm về mặt quân sự, kinh tế đe dọa an ninh chủ quyền của Việt Nam.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề cập đến báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng, theo đó, Bộ Quốc Phòng cho rằng hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ, quân sự.
Cũng theo ĐB Nghĩa, vấn đề này đã chất vấn lên bộ trưởng Bộ TN&MT và bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì.
Cùng mối quan ngại với đại biểu Nghĩa, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội viện 7 nguy cơ lớn với đất nước và đề xuất Chính phủ cần bắt đầu gấp rút nghiên cứu ban hành Luật An ninh về kinh tế.
Pháp luật có kẽ hở
Nghiên cứu dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) hiện nay, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng ông thấy dự luật chưa đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 58 của Chính phủ.
Được biết, Nghị quyết 50 đề cập tới vấn đề kiểm soát đầu tư nước ngoài liên quan an ninh quốc phòng. Còn Nghị quyết 58 của Chính phủ giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu bổ sung quy định về quốc phòng- an ninh trong xem xét và cấp giấy chứng nhận với dự án đầu tư mới, hoạt động góp vốn mua cổ phần.
“Chúng ta cần có bộ luật triển khai Nghị quyết 50, 58 của Chính phủ, coi đó như bộ lọc đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia”, Đại biểu Nghĩa phát biểu.
Ông Nghĩa phân tích thêm, Luật Đầu tư giao cho Quốc hội phê duyệt các dự án ảnh hưởng lớn môi trường nhưng dự án lớn ảnh hưởng an ninh quốc phòng không thấy hỏi ý kiến Quốc hội.
Ngoài ra, việc sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng biên giới từ 50 ha phải hỏi ý kiến Quốc hội nhưng ở mức dưới đó thì không thấy hỏi ai, do các tỉnh, thành phố quyết định.
“Ở vùng nhạy cảm, chỉ cần 5-10 ha đã là vấn đề. Như báo cáo Bộ Quốc phòng vừa rồi chỉ ra một loạt đất được mua ở khu vực sân bay…”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cần xây dựng luật An ninh kinh tế
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân 7 nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế của đất nước. Cụ thể:
- Nguy cơ thứ nhất là về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.
- Nguy cơ thứ hai đó là những bất ổn về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa.
- Nguy cơ thứ ba là về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế mà thấy rõ qua việc hợp tác đó để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm để thao túng kinh tế.
- Thứ tư là nguy cơ tham nhũng chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, các khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất.
- Thứ năm là vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt là các khu công nghiệp xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của người dân.
- Thứ sáu là an ninh về văn hóa xét từ về góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài.
- Nguy cơ cuối cùng, theo ông Vân, đó là tác động từ toàn cầu hóa sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Vân nói: “Chúng ta có thể thấy đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các doanh nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ về du lịch hay các hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thể hiện qua nhiều công cụ tác động đến chủ quyền quốc gia. Hay các dự án bất động sản ven biển… Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế”,
“Thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ hổng về toàn cầu hóa. Đại dịch vừa qua đã buộc các quốc gia phải thắt chặt lại an ninh kinh tế theo cách riêng của mình. Đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn các tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể phá vỡ đi độ liên kết của các quốc gia trong hoạt động kinh tế.
Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có thể đạo luật này là tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất nhằm xử lý các vấn đề an ninh kinh tế”.
Từ Thức(t/h)