Đối mặt với cuộc chiến thương mại liên tục leo thang và kinh tế Trung Quốc đang chững lại, chính quyền Trung Quốc bắt đầu quản lý nghiêm ngặt việc đưa tin về kinh tế vì lo lắng rằng, chúng sẽ gia tăng “rối loạn”.
Ngày 29/9, New York Times cho biết, tờ báo này có được một bản sao chỉ lệnh nội bộ mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gửi cho các kênh truyền thông của Trung Quốc, chỉ lệnh này chỉ rõ ra, cần phải “quản lý nghiêm” việc lựa chọn 6 chủ đề về kinh tế để đưa tin. Những chủ đề này liên quan đến sự phát triển của kinh tế Trung Quốc như “kinh tế Trung Quốc đình trệ do lạm phát”, “nạn dân mới”, “tiêu dùng giảm”, v.v.
Bản tin liệt kê ra, 6 phạm vi chủ yếu để được đưa vào “quản lý nghiêm” gồm có: (1) Số liệu kinh tế không nhắc đến dự đoán kinh tế Trung Quốc đối mặt với áp lực đi xuống rõ rệt; (2) Rủi ro nợ của chính quyền địa phương đã trở thành ẩn hoạn; (3) Ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại Trung – Mỹ đã dần dần thể hiện ra bên ngoài; (4) Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong nước giảm; (5) Dự kiến kinh tế đình trệ do lạm phát tăng cao đang nóng lên; (6) Mượn sự kiện là điểm nóng xã hội để thổi phồng cuộc sống khó khăn của người dân.
Ngoài “quản lý nghiêm” việc đưa tin, thông báo này còn yêu cầu xóa các bình luận được gọi là “chê bai kinh tế Trung Quốc” dưới các bản tin.
New York Times cho rằng, chỉ lệnh mới này của chính quyền ĐCSTQ cho thấy, lãnh đạo ĐCSTQ ngày càng lo lắng đất nước có thể sẽ rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Bản tin còn dẫn quan điểm của ông Trương Minh – Giáo sư Chính trị học đã nghỉ hưu của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, có thể là hình thế kinh tế chính trị của Trung Quốc hiện nay tương đối “nghiêm trọng”, và ĐCSTQ lo sợ người dân xuất hiện “khủng hoảng thêm nữa”.
Ông Trương Minh cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang mở rộng thẩm tra sách lược. Ông nói: “Trên thực tế, họ (chính quyền Trung Quốc) đang lo lắng về rối loạn. Nhưng truyền thông không thể nói về chủ đề này, có thể gây rối loạn hơn nữa”.
New York Times cũng đã phỏng vấn một phóng viên tài chính Trung Quốc nổi tiếng; vị này cho biết, trong một năm qua, họ không thể không sử dụng “ngữ khí ôn hòa” để đưa các tin tức về kinh tế nhằm tránh “rước họa”.
Trên thực tế, ngày 29/9, trang Weixin của Cục Bản quyền Quốc gia Trung Quốc có đăng thông tin, cục này sẽ nhắm vào vấn đề truyền tải các thông tin quy phạm trên mạng, đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin Internet như Weixin, NetEase, Phoenix New Media, TenCent, v.v.
Trước đó khoảng nửa tháng, các trang tin về tài chính tại Trung Quốc Đại lục như Caxin, kênh tài chính của NetEase và trang tin của Phoenix New Media liên tiếp bị cơ quan quản lý của chính quyền ĐCSTQ yêu cầu “điều chỉnh và cải cách”. Trong đó, trang tin trên Weibo của Caixin đã bị yêu cầu dừng lại 2 tuần để cập nhật.
Dù chính quyền Trung Quốc có đẩy mạnh việc kiểm soát các “thông tin trái chiều” liên quan đến kinh tế Trung Quốc đến đâu thì cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ dẫn đến sự xung kích đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị lộ ra. Mặc dù những số liệu kinh tế có thể đã được chính quyền ĐCSTQ “xử lý”, nhưng giới quan sát cũng có thể phát hiện được dấu vết cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy thoái.
Ví dụ như: Trong giai đoạn sắp bùng nổ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, dự trù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ 6.8% trong năm 2017 xuống còn 6.5% trong năm 2018; tháng 7/2018, dự trù doanh thu bán lẻ sẽ giảm mạnh so với hàng hóa xuất khẩu, đạt mức thấp nhất trong 14 năm qua.
Bên cạnh đó, trong tháng 7/2018, sản xuất của các nhà máy Trung Quốc cũng giảm 6%; tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm rõ rệt, tốc độ tăng trưởng trong đầu tư nhà máy và các tài sản cố định lần đầu tiên suy giảm trong suốt 19 năm qua; do nhu cầu yếu từ các nhà máy thép Trung Quốc, giá quặng sắt toàn cầu năm 2018 đã giảm 14%, giảm 60% so với mức đỉnh năm 2010.
Nhà Kinh tế học Nomura gần đây đã công bố một bản báo cáo nói rằng: “Chúng tôi dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên khốn khó hơn”.
Nhà Kinh tế học của Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) lại chỉ ra trong một bản báo cáo của mình rằng, chính phủ Trung Quốc đã coi “tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại là rủi ro ngắn hạn”.
Còn một sự thực mà chính quyền Trung Quốc không thể che giấu được là, từ khi bùng nổ chiến tranh thương mại, thị trường cổ phiếu Phố Wall đã tăng mức kỷ lục, nhưng thị trường cổ phiếu Trung Quốc năm 2018 là thị trường biểu hiện xấu. Đến giữa tháng 8/2018, chỉ số điểm chuẩn thị trường đã giảm 25% so với mức đỉnh tháng 1/2018.
Ngoài ra, xu thế giảm giá đồng Nhân dân Tệ so với Đô la Mỹ cũng rõ ràng hơn, mặc dù điều này có thể giúp cho nhà xuất khẩu sản xuất các đồ chơi, đồ điện gia dụng và các sản phẩm khác có giá rẻ hơn, nhưng cơ quan quản lý Trung Quốc đồng thời cũng lo lắng, giảm giá đồng Nhân dân Tệ có thể sẽ dẫn đến nguồn vốn chảy ra nước ngoài, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn.
Tỷ trọng xuất khẩu thương mại của kinh tế Trung Quốc chiếm 38% (năm 2005) giảm xuống đến hiện nay còn 19%. Mặc dù Bắc Kinh đang nỗ lực khích lệ các nhà xuất khẩu Trung Quốc tránh thị trường Mỹ và chuyển sang các thị trường xuất khẩu khác, nhất là thị trường châu Á và châu Phi, nhưng đối với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc mà nói, thực ra đây là một thách thức to lớn, bởi vì năng lực tiêu dùng của người tiêu dùng tại thị trường châu Á và châu Phi không thể sánh với thị trường Mỹ được; sản phẩm, chủng loại, gia cả hàng hóa cũng có sự khác biệt rất lớn.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ bằng cách thu thuế quan đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ Đô la Mỹ, ông Trump đã phát biểu, chính phủ Mỹ có thể sẽ mở rộng trừng phạt bằng cách thu thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá lên đến 250 tỷ USD.
Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ gần đây cũng cho biết, nếu kế hoạch thu thuế quan đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc của Mỹ được thực thi, vậy thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm ít nhất 0,2% và đến năm 2019 có thể sẽ giảm 1,9%.
Theo Trithucvn