Bộ Quốc phòng Lithuania đã khuyến cáo người dân vứt bỏ điện thoại của Trung Quốc sản xuất do phát hiện các thiết bị này có khả năng tự động kiểm duyệt.
Mới đây Bộ Quốc phòng Lithuania đã đưa ra khuyến cáo với người dân nước này rằng nên tránh mua hoặc thậm chí vứt bỏ smartphone có xuất xứ từ Trung Quốc. Lý do là các nhà chức trách quốc gia thuộc vùng Baltic đã phát hiện nhiều thiết bị công nghệ đến từ Trung Quốc có tích hợp công cụ tự động kiểm duyệt.
Cụ thể, Trung tâm an ninh mạng của Lithuania đã phát hiện nhiều dòng điện thoại của hãng Xiaomi bán ở Châu Âu, được tích hợp sẵn tính năng phát hiện, kiểm duyệt các từ khóa và nội dung liên quan đến chính trị Trung Quốc. Tổng có 449 từ khóa và vẫn chưa dừng lại ở con số này.
Cũng theo cơ quan này, tính năng trên được tìm thấy ở dòng Mi 10T 5G, hiện Xiaomi đã vô hiệu hóa tính năng khi bán ở Châu Âu. Tuy nhiên, nó vẫn có thể được hãng tái kích hoạt từ xa vào bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên mua điện thoại của Trung Quốc, nếu có thể hãy vứt bỏ cả điện thoại đã mua của nước này càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania, Margiris Abukevicius thông báo.
Không chỉ vậy, Trung tâm an ninh mạng Lithuania còn chỉ ra rằng điện thoại Xiaomi đang đánh cắp dữ liệu người dùng (đã được mã hóa) tới một máy chủ ở Singapore. Dòng P40 5G của Huawei cũng có một lỗ hổng bảo mật, OnePlus thì hiện vẫn an toàn, không có lỗi nào.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện của Huawei tại khu vực Baltic đã phủ nhận các cáo buộc của Lithuania và khẳng định điện thoại của hãng không hề đánh cắp thông tin khách hàng. Về phía Xiaomi, đến nay hãng công nghệ này vẫn chưa có động thái gì.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc phải đối mặt với các cáo buộc như trên.
Trước đó vào năm 2016, New York Times cũng đã đưa tin rằng chiếc điện thoại của Trung Quốc được bán với giá 50 USD ăn cắp thông tin của người dùng.
Năm 2020, nhà cung cấp dịch vụ bảo mật Secure-D phát hiện trong các mẫu điện thoại của hãng Tecno ở Thâm Quyến (Trung Quốc) có phần mềm gián điệp. Cụ thể trên chiếc Tecno W2 có hai mã độc tên là Triada và xHelper. Secure-D còn phát hiện từ giữa tháng 3 đến tháng 12/2019 đã có hơn 844.000 giao dịch lừa đảo được thực hiện. Các mẫu điện thoại này chủ yếu được bán ở Ấn Độ, Indonesia và Châu Phi.
Gần đây vào tháng 5/2021, tờ PCMag phát hiện điện thoại Jethro SC490 của Trung Quốc cũng gửi dữ liệu về nơi sản xuất. Mẫu điện thoại này được bán ở Mỹ và Canada với giá 84,99 USD. Sau đó các nhà sản xuất Bắc Mỹ đã phải tự cập nhật phần mềm cho khách hàng để loại bỏ khả năng thu thập dữ liệu người của máy.
Yên Yên (Theo Reuters/CNN)