Chưa bao giờ người ta có thể thấy được một biến động lớn đến thế trong tình hình chính trị tại Trung Quốc với vô số cú ngã ngựa của hàng loạt quan chức cấp cao, trong chiến dịch được gọi là “đả hổ”, mà trong đó con hổ đáng gờm nhất chính là Giang Trạch Dân.
Khi vây cánh không ngừng bị chặt đứt, nhiều người vẫn đang suy đoán ngày sa bẫy của Giang Trạch Dân, con hổ “béo nhất” trong mạng lưới phe cánh chính trị đối nghịch với đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, việc ông Giang có sa bẫy hỗ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các nước cờ tiếp theo của ông Tập.
Câu hỏi đặt ra là, việc kết tội Giang Trạch Dân có khó không, và liệu nó có vượt ngoài khả năng của Chủ tịch Tập?
Căn cứ vào bản chất của lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cùng truyền thống cai trị trong suốt hơn 60 năm qua, người ta có thể dễ dàng tìm được câu trả lời.
Khi ông Giang được nhắc đến như một con hổ lớn trong chính quyền Trung Quốc, người ta ngầm hiểu ông là người nắm giữ quyền lực lớn mạnh và vững chắc nhất trong bộ máy nhà nước, dù không còn đương quyền.
Điều này được chứng minh khi hàng loạt quan chức ngã ngựa trong suốt thời gian qua đều ít nhiều liên quan đến phe cánh của Giang Trạch Dân, trong đó Chu Vĩnh Khang là thành viên chủ chốt. Cụ thể, trong lĩnh vực quân sự, vị tướng sa cơ danh tiếng nhất là Từ Tài Hậu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đến Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh; Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Vụ trưởng vụ Mặt trận thống nhất. Trong ngành dầu mỏ, nơi cất cánh cho Chu Vĩnh Khang, những cái tên không thể bỏ qua như Vương Vĩnh Xuân, cựu Chủ tịch tập đoàn tập đoàn Dầu khí quốc gia CNPC; Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước; và các quan chức địa phương khác như Lý Xuân Thành, phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên; Lý Hoa Lâm, cựu Thư kí của ông Chu; Kí Văn Lâm, phó Tỉnh trưởng Hải Nam;.…..Điều này khiến người ta liên tưởng đến một hội kín tồn tại trong ĐCSTQ mà Giang Trạch Dân là “giáo chủ”.
Tập đoàn chính trị này trở thành hệ thống khép kín liên kết với nhau bằng lợi ích kinh tế và quyền lực, hoạt động theo kiểu truyền máu cho nhau.
Có lẽ đây là lý do mà Tập Cận Bình phải thực hiện chiến dịch đả hổ với quyết tâm quét sạch những mầm mống thuộc phe cánh của ông Giang, bởi tương lai của Tập Cận Bình sẽ không được đảm bảo nếu như ông không giải quyết tận gốc những quan chức nằm trong hệ thống quyền lực vốn xem mình như một cái gai trong mắt. Một khi phe cánh này chiếm lại được quyền lực, thì Tập Cận Bình chẳng thể yên vị.
Chính sự Trung Quốc là một chiến trường khốc liệt mà “kẻ thắng làm vua, kẻ thua trở thành giặc”.
Vậy, trở lại với câu hỏi “kết tội Giang có khó hay không”, thực tế đây là điều không khó nhưng cũng không dễ.
Không khó vì trong bao nhiêu năm qua, Giang và những người trong gia đình đã thâu tóm cho mình khối lượng tài sản khổng lồ thông qua vô số phương thức mờ ám. Ngoài ra, một tội danh “ghê gớm” mà Giang Trạch Dân đã phạm phải, có thể dễ dàng “đánh bật” ông khỏi ngôi cao quyền lực của mình.
Ngày 9/2, trang Tân Hoa Xã đăng một danh sách tìm thấy tại bảo tàng lưu trữ, liệt kê những thành phần Hán gian thời kỳ 1912 – 1949 tại Ung Ninh, Quảng Tây. Hơn 430 phần tử phản quốc và phạm trọng tội trong suốt Chiến Tranh Chống Nhật được đưa vào trong danh sách này, trong đó có cái tên Giang Trạch Dân. Như vậy, ông Giang từng bị Chính phủ thời bấy giờ truy nã vì tội phản bội. Theo thời báo Epoch Times, Giang Trạch Dân từng là viên chức cấp cao của chính quyền bù nhìn Nhật. Giang được đào tạo để trở thành gián điệp và là trọng tâm điều tra của chính phủ lâm thời. Để tránh bị trừng phạt, Giang vội vàng bay đến Thượng Hải, mai danh ẩn tích tại một ngôi làng Thiên Tích hẻo lánh, thuộc Vĩnh Tân, Giang Tây. Chính phủ bấy giờ đã ban hành lệnh truy nã Giang Trạch Dân. Ngoài ra, cha của ông Giang là Giang Thế Tuấn cũng là tay sai cho Nhật. Điều này được ông Giang ém nhẹm bằng cách khai man lý lịch khi nói rằng bản thân mình được nuôi dưỡng bởi người chú, vốn là một Đảng viên. Có lẽ kỹ năng gián điệp đã giúp Giang biết cách ẩn mình trong một thời gian rất lâu như vậy.
Theo truyền thống của ĐCSTQ, tội phản quốc hay làm tay sai cho Nhật luôn kèm theo hình phạt thảm khốc. Văn hóa và điện ảnh Trung Quốc hiện nay luôn gắn liền với thông điệp kêu gọi bài Nhật, đề cao thù hận đối với sự xâm lược của Nhật Bản trong quá khứ.
Thêm vào đó là phương thức truy xét lý lịch nhiều thế hệ của những thành phần bị quy là đối thủ chính trị hoặc người bất đồng chính kiến, điều này khiến bất cứ ai có lý lịch xấu đều có thể bị ĐCS đưa vào tầm ngắm. Ví như, khi chính quyền tìm cách định tội luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, họ đã tra lý lịch của ông tới tận triều nhà Thanh, mục đích là kiếm cho ra tì vết trong lý lịch dòng họ. Điều này cho thấy Tập Cận Bình hoàn toàn có thể “danh chính ngôn thuận” đánh đổ Giang Trạch Dân nếu ghép ông vào tội phản quốc.
Ngoài ra, trước tòa án một số nước như Tây Ban Nha, Giang Trạch dân còn là tội phạm bị truy nã với tội danh diệt chủng người Tây Tạng, bên cạnh đó ông còn là nhân vật bị kiện tại nhiều nơi trên thế giới do liên quan đến chiến dịch mổ cắp nội tạng người sống, mà trong đó nạn nhân chủ yếu là học viên Pháp Luân Công.
Vậy lý do gì khiến Tập Cận Bình chưa áp dụng điều này với Giang. Vì Giang là cựu lãnh đạo của ĐCS? E rằng không phải vậy. Trong sự kiện Thiên An Môn 1989, Triệu Tử Dương lúc đó đường đường là Bí thư Đảng (chức vị cao nhất trong Đảng), nhưng chỉ vì ủng hộ phong trào sinh viên mà bị dán nhãn cánh tả và cách chức ngay lập tức, sau đó ông bị giam lỏng mãi đến khi qua đời.
Vậy điều gì khiến cho Tập Cận Bình ngần ngại giăng bẫy bắt Giang, khi mà vây cánh của ông này đã bị chặt sạch.
Đây chính là cái khó của Tập Cận Bình, và nó liên quan đến lịch sử phát triển lâu dài của ĐCSTQ.
Trong quá khứ, để bảo vệ thanh danh cho đảng, những cuộc đấu đá nội bộ thường được dùng những cái nhãn như phản cách mạng, cánh hữu để triệt tiêu đối phương. Những cái tên này nay đã không còn hợp thời trong tình hình Trung Quốc hiện tại. Thay vào đó, tội danh tham nhũng được vận dụng thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ một tội danh tham nhũng có lẽ chưa đủ để “quật ngã” “con hổ tinh” như Giang Trạch Dân, nhưng nếu phanh phui các tội ác khác mà ông ta đã phạm, thì người dân sẽ nghĩ thế nào về hình tượng của đảng. Hình tượng với người lãnh đạo từng ra sức kêu gọi lòng yêu nước và trung thành tuyệt đối với nhân dân, lại chính là người phản quốc, và là một kẻ giết người hàng loạt. Định tội Giang Trạch Dân chính là hủy họai hình tượng tốt đẹp mà ĐCSTQ đã dày công xây dựng trong ngần ấy năm.
Điều này cũng cho thấy, “đả hổ” cũng chỉ là một phương thức đấu đá nội bộ, trên cơ bản vẫn là phải bảo lưu hình ảnh và thanh danh của đảng trong mắt người dân. Do đó, “ngậm bồ hòn làm ngọt” hay “nhổ tận gốc” là điều mà Tập Cận Bình phải cân nhắc khi ra các nước cờ tiếp theo.
Tuy nhiên, vấn đề Giang Trạch Dân có rơi vào bẫy hổ hay không cũng chỉ là một câu chuyện thể hiện bản chất của ĐCSTQ.
Một đảng cầm quyền luôn nuôi dưỡng đấu tranh và cuộc chiến phe phái ngấm ngầm, cuộc chiến của những người sống vì quyền lực và danh vọng.
Nói ví dụ vui thế này: Ở khu chợ kia bấy lâu nay có 1 nhóm côn đồ thường xuyên ức hiếp tiểu thương và đòi tiền bảo kê. Một ngày nọ, 1 nhóm khác xuất hiện và đánh cho nhóm côn đồ này 1 trận chí tử, khiến cho nhóm côn đồ trước đó gần như là tan tác hết cả. Lúc này, các tiểu thương tỏ ra vui mừng kháo nhau rằng dường như đã thoát được một mối họa bấy lâu nay. Nhưng họ quên rằng, côn đồ vẫn là côn đồ, nhóm người mới này sẽ lập ra luật lệ mới, vẫn là cướp bóc, đòi tiền bảo kê và có khi lại nhiều hơn.
Điều thực tế là cho dù hoạt động đả hổ diễn ra dường như rất náo nhiệt, nhưng những hệ quả bấy lâu nay của chính quyền về cơ bản không có sự thay đổi, họ vẫn duy trì các trại cưỡng bức lao động, các vụ án oan, bất bình về cưỡng chế đất đai, sự hống hách của nhân viên chấp pháp, nạn ô nhiễm không thể khống chế, hàng giả kém chất lượng tràn lan.
Tuy nhiên, dù Đảng có ra sức giữ gìn thanh danh đến mấy thì giấy cũng không thể gói được lửa. Đặc biệt khi làn sóng những người tuyên bố thoái xuất khỏi đảng đang ngày không ngừng gia tăng. Tính đến tối ngày 14/4, con số người thoái ĐCSTQ đã cán mốc 200 triệu. Điều này cho thấy sự thức tỉnh của người dân trước sự lừa dối tranh đấu và tàn ác của ĐCSTQ. Đây cũng là cột mốc báo hiệu kết quả sụp đổ tất yếu của một chính quyền đang ngày càng không thể giữ nổi mình.
TTT Tổng hợp