Hôm 21/12, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về nghị quyết phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, kết quả là 128 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12 tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 nước bỏ phiếu phản đối, 35 nước bỏ phiếu trắng và 21 nước không tham gia bỏ phiếu, Reuters cho biết.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Và lời đe dọa này dưỡng như đã có một vài ảnh hưởng tới lá phiếu của các thành viên khi có nhiều nước bỏ phiếu trắng và phản đối nghị quyết này hơn những nghị quyết trước đây của LHQ về các vấn đề Palestine và Israel.
Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour gọi kết quả bỏ phiếu là “bước lùi lớn” đối với Mỹ. Người phát ngôn Tổng thống Palestine mô tả đây là “thắng lợi cho Palestine” còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã cho thấy “sự phi pháp” trong quyết định của ông Trump, kêu gọi Mỹ thu hồi.
Nhìn chung cuộc bỏ phiếu cho thấy Washington đang bị chính các đồng minh phương Tây và khối Ả Rập cô lập trong vấn đề Jerusalem. Một số đồng minh Trung Đông của Mỹ như Ai Cập, Jordan và Iraq – những nước đang nhận viện trợ lớn cả về kinh tế và quân sự từ Mỹ – vẫn quyết định ủng hộ nghị quyết.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố, “Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán về Jerusalem. Không có cuộc bỏ phiếu nào tại Liên Hợp Quốc có thể thay đổi quyết định đó… Tuy nhiên, diễn biến hôm nay khiến Mỹ có cái nhìn khác về Liên Hợp Quốc, về những quốc gia không tôn trọng chúng tôi tại Liên Hợp Quốc“.
Theo bà Haley, khi đóng góp “hào phóng” cho Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng kỳ vọng thiện chí của Washington được công nhận và tôn trọng.
Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Haley đã nói rằng: “Mỹ sẽ ghi nhớ ngày này, thời điểm tại Đại hội đồng LHQ diễn ra cuộc tấn công hiện hữu vào quyền của chúng tôi với tư cách là một quốc gia có chủ quyền”.
“Chúng tôi sẽ ghi nhớ điều này khi chúng tôi một lần nữa lại được kêu gọi đóng góp lớn nhất thế giới cho LHQ và rất nhiều quốc gia thường vẫn kêu gọi chúng tôi phải trả nhiều hơn và sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi vì lợi ích của họ”, bà Haley nhấn mạnh.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả nghị quyết là “vô lý“. “Jerusalem là thủ đô của chúng tôi, đã luôn luôn là như thế và sẽ luôn luôn là như thế. Nhưng tôi đánh giá cao thực tế rằng càng nhiều quốc gia từ chối tham gia vào ‘rạp hát của những điều vô lý’”, ông đăng video phát biểu trên trang Facebook cá nhân.
>> Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel – Một quyết định tôn trọng sự thật lịch sử
Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho biết: “Nghị quyết được thông qua hôm nay chỉ xác nhận các quy định pháp luật quốc tế có liên quan đối với Jerusalem”. Pháp và nhiều đồng minh phương Tây khác của Mỹ đều ủng hộ nghị quyết của LHQ.
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có ràng buộc pháp lý, nhưng nó cũng sẽ là sức ép quốc tế lớn đối với các động thái tiếp theo của các bên liên quan đến vấn đề Jerusalem nói riêng và xung đột Israel – Palestine nói chung.
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Trong khi Israel coi toàn bộ Jerusalem làm thủ đô không bị chia cắt, với lý do Jerusalem đã là thủ đô của Do Thái trong suốt hơn 3.000 năm qua.
Tú Văn (t/h)