Thủ tướng Lebanon cho biết, 2.750 tấn Ammonium Nitrate, sử dụng trong sản xuất phân bón và chế tạo bom, đã được lưu trữ tại cảng mà không có biện pháp an toàn, dẫn đến vụ nổ khiến 135 thiệt mạng và hơn 4000 người bị thương ở Beirut.
Trong một tuyên bố vào ngày 4/8, Thủ tướng Lebanon – Hassan Diab cho biết rằng, hóa chất này được lưu trữ nhiều năm tại một nhà kho gần cảng. Nguồn gốc dẫn đến vụ nổ vẫn chưa rõ ràng.
Theo một báo cáo từ LCBI, lượng Ammonium Nitrate trước đây đã được lưu trữ trên một con tàu mang cờ Moldovan có tên là Rhosus. Tờ báo cho biết số Ammonium Nitrate này thuộc sở hữu của Nga.
Bộ trưởng Nội vụ Lebanon – Mohammed Fahmi nói với các phương tiện truyền thông địa phương rằng, hợp chất gây ra vụ nổ mạnh đã được lưu trữ từ năm 2014 sau khi con tàu bị tịch thu, theo đài Châu Âu Tự Do (Radio Free Europe).
Trong khi đó, Diab lại khẳng định rằng các hóa chất bị tịch thu đã được lưu trữ mà không có biện pháp bảo quản an toàn. Ông tuyên bố những người có liên can sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Vladimir Prokoshev – lúc đó là thuyền trưởng của tàu Rhosus đã nói với Đài Châu Âu Tự do rằng, con tàu này thuộc sở hữu của doanh nhân người Nga – Igor Grechushkin vào năm 2013. Ông cho biết, con tàu đã chìm từ 2 đến 3 năm trước vì đã quá cũ và không được bảo trì.
Ông nói thêm rằng Grechushkin – người hiện đang sống ở Síp vẫn còn nợ tiền lương của ông và các thành viên khác tới hàng ngàn USD, và hiện vẫn chưa được thanh toán.
Nhưng Prokoshev cho biết, chính quyền Lebanon cũng có lỗi. “Đáng lẽ ra họ phải bỏ con tàu này ngay lập tức, thay vì tịch thu nó và yêu cầu lệ phí tồn trữ. Thứ hai, ở đây chúng ta đang nói về chất Ammonium Nitrate. Đáng lẽ họ đã có thể sử dụng nó cho các lĩnh vực [nông nghiệp]. Không ai tuyên bố điều đó, có nghĩa là nó không thuộc về ai,” Prokoshev nói với trang web.
Vụ nổ hôm 4/8 là vụ nổ lớn nhất từ trước đến nay ở Beirut, một thành phố vẫn còn bị tàn phá bởi cuộc nội chiến cách đây 3 thập kỷ, và hiện đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc, bắt nguồn từ nạn tham nhũng và quản lý nền kinh tế tồi tệ trong nhiều thập kỷ .
Hôm 05/08, Tổng giám đốc cảng Beirut và Giám đốc cục hải quan cho biết, một số thư đã từng được đệ trình lên cơ quan tư pháp, yêu cầu loại bỏ các vật liệu nguy hiểm, nhưng không có hành động nào được thi hành.
Tổng giám đốc cảng Hassan Koraytem nói với OTV rằng, vật liệu đã được đưa vào kho theo lệnh của tòa án, thêm vào đó họ biết rằng vật liệu này rất nguy hiểm nhưng “không đến mức độ này.”
“Chúng tôi đã yêu cầu tái xuất nó, nhưng điều đó đã không xảy ra. Hiện chúng tôi đang nhờ các chuyên gia và những người liên quan xác định lý do tại sao (lại xảy ra vụ nổ),” Badri Daher – Giám đốc cục Hải quan Lebanon, nói với đài truyền hình LBCI.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)