Tinh Hoa

Lễ hội trước hết phải… sạch

Chất lượng không khí, khả năng lọc nước thải, lượng nhà vệ sinh, số người đến quá đông… là những yếu tố môi trường cần quan tâm trước hết tại các di tích, nhất là trong mùa lễ hội này.

Chất lượng không khí, khả năng lọc nước thải, lượng nhà vệ sinh, số người đến quá đông… là những yếu tố môi trường cần quan tâm trước hết tại các di tích, nhất là trong mùa này.
Sự thoải mái của khách đi lễ đang bị đe dọa vì môi trường thiếu trong sạch (trong ảnh là Lễ hội Yên Tử) – Ảnh: Ngọc Thắng
PGS-TS Lương Hồng Quang không bao giờ quên được những ngày đi xuống nghiên cứu để viết đề án “cứu” việc đi lễ đền Trần cách đây vài năm. Khi đó, báo chí, người dân không thể hiểu nổi tại sao từng đó con người lại có thể nút vào trong một không gian nhỏ hẹp của đền Trần chỉ vì vài lá ấn xin lộc. Họ giẫm đạp nhau và trong sự cuồng loạn đó, có lẽ chỉ cần một lời la hoảng báo cháy thôi cũng có thể khiến hàng ngàn con người xô nhau chết bẹp để tháo chạy. “Từ góc độ môi trường di tích, chúng ta phải nói tới chuyện sức chứa. Bởi vượt quá sức chứa có thể thì môi trường đó sẽ nguy hiểm và mất tính nhân văn”, ông Quang nói.
Một đề án nghiên cứu để đưa ra các chuẩn về môi trường cho các di tích quốc gia đang được Bộ VH-TT-DL xây dựng. Vào mùa lễ hội, những chuẩn này trở nên vô cùng thách thức. Việc không đạt chuẩn môi trường sẽ khiến cuộc hành hương trở thành thảm họa.
Chúng ta phải mau chóng đưa ra bộ chuẩn. Bởi trong mùa lễ hội, sự bền vững của các di tích, sự thoải mái của khách đi lễ đang bị đe dọa vì môi trường thiếu trong sạch
PGS-TS Lương Hồng Quang
(Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật)
“Chuẩn về nhà vệ sinh chính là một điều mà Bộ quan tâm và làm quyết liệt trong mùa lễ hội năm nay tại các di tích quốc gia”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL nói.
Theo ông Phúc, việc thanh tra của Bộ tính tới thời điểm này cho thấy về cơ bản là ổn thỏa. “Cơ bản những điểm di tích Bộ đi về là tốt. Đền Sóc có 3 nhà vệ sinh công cộng cố định, 6 nhà vệ sinh di động. Phục vụ an ninh trật tự tốt. Họ thuê tới 18 người quét dọn nhà vệ sinh thường xuyên”, ông Phúc cho biết.
“Về cơ bản, Bộ vẫn chỉ đạo các điểm di tích phải xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn. Các điểm di tích hiện cũng chưa đồng đều về nhà vệ sinh. Các di tích trọng điểm và di tích lớn phải có nhà vệ sinh hợp chuẩn. Thanh tra cũng tiếp nhận các ý kiến về môi trường để xử lý kịp thời. Người dân nếu thấy không ổn thì cứ báo”, ông Phúc nói.
Trên thực tế, đã có nhiều phàn nàn về nhà vệ sinh ở các mùa lễ hội trước. “Tôi vẫn nhớ khi tới hội Lim, mọi người phải chờ đợi để đi vệ sinh. Quang cảnh cũng như không khí chẳng dễ chịu gì”, một nhà nghiên cứu nhớ lại.
Đang bị đe dọa vì môi trường thiếu trong sạch
PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, cho biết nói đến môi trường di tích có thể phân ra 2 loại. Thứ nhất là môi trường tự nhiên với đủ các yếu tố về khí thải, bụi, không khí, tiếng ồn. Đây đều là yếu tố tự nhiên. Một môi trường khác là môi trường nhân văn trong các di tích. Nó bao gồm việc xả rác, xử lý nước thải, nhà vệ sinh…
“Với di tích, môi trường xã hội nhân văn rất quan trọng. Trước đây, di tích nhỏ, người đến không đông thì môi trường nhân văn chưa phải vấn đề nổi cộm. Song bây giờ nó thành điểm đến về du lịch thì lượng người trong một không gian lại trở thành vấn đề lớn. Từ đó, các di tích muốn bảo đảm chuẩn môi trường phải rất lưu tâm đến vấn đề về sức chứa”, ông Quang phân tích.
Cụ thể, một di tích cần được tính toán, đo đạc xem có những yếu tố như đủ sạch không, các loại khí có hại cho sức khỏe có cao vượt chuẩn không. Nó phải dựa trên bộ tiêu chuẩn về tự nhiên, ví dụ bao nhiêu bụi là được, ồn thế nào là được. “Khi có bộ chuẩn đó rồi thì có thể nói về chuyện đông quá chen nhau đến mức không đủ ô xy để thở là vi phạm môi trường di tích”, ông Quang nói.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải nghĩ đến việc kiểm soát lượng người đến các di tích. Trên thực tế, vào mùa lễ hội, người ta thường chạy theo nguồn thu nên lượng người quá đông tạo thành sức ép lên chính người du xuân và di tích. Có lẽ, các di tích cũng nên hạn chế người tới, dựa trên sức tải mà chính mình có thể”, một nhà nghiên cứu văn hóa nói.
Cũng theo PGS-TS Lương Hồng Quang, việc quá đông người lại thêm đốt nhang sẽ khiến chất lượng không khí giảm hẳn. Nó cũng làm tăng nguy cơ cháy nổ. Chưa kể, các khí này ảnh hưởng tới các cấu kiện gỗ của di tích. “Chúng ta phải mau chóng đưa ra bộ chuẩn. Bởi trong mùa lễ hội, sự bền vững của các di tích, sự thoải mái của khách đi lễ đang bị đe dọa vì môi trường thiếu trong sạch”, ông nói.

Trinh Nguyễn

Theo Thanh Niên